(LSVN) - Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) đã đạt được kết quả nhất định để thực hiện hàng chục nghìn dự án, phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và đất nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc phản ánh, công tác đền bù GPMB trên địa bàn trên địa bàn cả nước nói chung vẫn gặp nhiều vướng mắc, bất cập.
Cụ thể hóa quy định tại khoản 3, Điều 54, Hiến pháp năm 2013 “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, Luật Đất đai 2013 quy định 4 nhóm trường hợp Nhà nước thực hiện thu hồi đất bao gồm: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Theo đó, trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định tại Điều 69 Luật đất đai 2013 như sau:
Bước 1: Thông báo thu hồi đất
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất. Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi.
Bước 2: Ra quyết định thu hồi đất
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
Ủy ban nhân dân cấp huyện: thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Bước 3: Kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất
Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc.
Bước 4: Lấy ý kiến, lập và thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tạ trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
Bước 5: Quyết định phê duyệt và niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày.
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê quyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Bước 6: Tổ chức chi trả bồi thường
Theo quy định tại Điều 93 Luật đất đai 2013, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi.
Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.
Trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước.
Người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật thì phải trừ đi khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường để hoàn trả ngân sách nhà nước.
Những vướng mắc trong thi hành các quy định về trình tự, thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằnghiện nay
Bên cạnh sự thay đổi với nhiều nội dung hợp lí, tích cực của chính sách bồi thường và giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất nói chung và các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng trong các văn bản quy phạm pháp luật đất đai hiện hành đã chỉ ra ở trên thì điều không thể phủ nhận là việc tổ chức thực thi các quy định đó trên thực tế cũng đã và đang gặp phải nhiều vướng mắc và tồn tại. Có thể nhận thấy qua những biểu hiện cụ thể sau đây:
Bất cập từ quy định về tổ chức, phối hợp, trình tự
Hiện chưa có quy định chi tiết về thành phần, cơ chế phối hợp làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng với các cơ quan, tổ chức hữu quan; mô hình hoạt động của Trung tâm phát triển quỹ đất còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn.
Cụ thể, Điều 68 Luật Đất đai 2013 quy định tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, gồm: Tổ chức dịch vụ công về đất đai (Trung tâm phát triển quỹ đất) và Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nhưng Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì lại không quy định về thành phần, nguyên tắc làm việc và trách nhiệm cụ thể trong các văn bản của trung ương (chỉ được quy định trong văn bản của địa phương). Bên cạnh đó, qui chế phối hợp giữa 2 chủ thể này với nhau và với cơ quan quan khác như UBND, cơ quan tài nguyên và môi trường, chính quyền địa phương… chưa được quy định rõ ràng.
Trình tự thu hồi đất hiện áp dụng chung cho tất cả các loại dự án, chưa có trình tự rút gọn đối với các dự án đặc thù. Hiện nay, các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đều áp dụng chung một trình tự thủ tục thu hồi đất theo các mốc thời gian giống nhau. Tuy nhiên, trong thực tiễn có những dự án ảnh hưởng số dân khác nhau, tiến độ dự án cần đẩy nhanh hoặc những dự án có mức vốn khác nhau nên rất cần sự khác biệt nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm cho phí nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi chính đáng của người có đất thu hồi.
Thiếu quy định về thông tin rõ ràng, đầy đủ
Thông tin về quy hoạch, kế hoạch chi tiết của dự án chưa được triển khai cụ thể, rõ ràng. Theo quy định tại Điều 58 và Điều 63 Luật Đất đai 2013 thì thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi được quyết định, phê duyệt phải công bố, công khai ra dân trước khi triển khai thực hiện. Nhưng trên thực tế, không ít trường hợp người dân bị ảnh hưởng trong vùng quy hoạch không nhận được thông tin rõ ràng về quy hoạch của dự án.
Trong khi đó, quy định về nội dung thông báo thu hồi đất tồn tại bất cập, gây khó khăn khi triển khai trong thực tiễn. Nội dung thông báo chưa rõ ràng, cụ thể, ảnh hưởng quyền lợi của người có đất thu hồi. Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai 2013 quy định 5 nội dung thông báo thu hồi đất, bao gồm: Kế hoạch thu hồi đất, điều tra khảo sát, đo đạc, kiểm đếm nhưng Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai lại quy định nội dung thông báo thu hồi đất không bao gồm đầy đủ 5 nội dung của Luật mà chỉ có 4 nội dung.
Bên cạnh đó, nội dung thông báo về diện tích, vị trí, loại đất đang sử dụng của phần đất thu hồi theo biểu mẫu 07 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất. Các nội dung trên sẽ rất khó để thông báo chính xác bởi chưa thực hiện khảo sát, kiểm đếm khi thông báo thu hồi, hơn thế nữa, hồ sơ địa chính hiện vẫn chưa hoàn chỉnh và còn một tỉ lệ nhất định người sử dụng đất vẫn chưa đăng ký nên không có thông tin trong hồ sơ địa chính.
Ngoài ra, nội dung thông báo thu hồi đất có một số nội dung chưa cụ thể, chưa đảm bảo quyền lợi của người có đất thu hồi, cụ thể nhừ từ thời điểm thông báo thu hồi đất, người sử dụng đất không được làm gì và được làm gì chưa được quy định cụ thể và chưa thể hiện trong nội dung thông báo thu hồi đất.
Bất cập về hiệu lực thông báo thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tồn tại những bất cập về hiệu lực của thông báo thu hồi đất và thời gian phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hiện nay, Điều 67 Luật Đất đai 2013 chỉ quy định thời gian thông báo thu hồi đất tối thiểu là 90 ngày hoặc 180 ngày tùy theo loại đất thu hồi chứ không quy định thời gian tối đa. Điều này dẫn đến bất cập là sau khi có thông báo thu hồi đất thì người sử dụng đất bị hạn chế nhiều quyền mà kéo dài thời gian rất lâu cơ quan có thẩm quyền mới ban hành Quyết định thu hồi đất.
Bên cạnh đó, Điều 93 Luật Đất đai 2013 cũng chỉ quy định về thời gian chi trả tiền bồi thường từ khi Quyết định thu hồi đất và Quyết định phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được ban hành chứ không quy định cụ thể thời gian từ khi kết thúc kiểm đếm cho đến khi phê duyệt là bao lâu, điều này phát sinh bất cập là sau khi kiểm đếm hoàn thành việc lập Phương án nhưng chưa được giải ngân vốn hoặc Nhà đầu tư chưa ứng vốn thì có thể kéo dài thời gian phê duyệt phương án (điều này ảnh hưởng lớn đến giá trị bồi thường bởi từ khi kiểm đếm định giá đến khi bồi thường là một khoảng thời gian dài).
Mặt khác, đến nay cũng chưa có quy định về thủ tục ghi hình, ghi ảnh hiện trạng khu đất thu hồi làm căn cứ xét bồi thường. Mặc dù Khoản 2 Điều 92 Luật Đất đai 2013 quy định tài sản gắn liền với đất được tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được bồi thường. Việc ghi nhận hiện trạng khu đất thu hồi tại thời điểm thông báo thu hồi đất có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bồi thường tài sản gắn liền với đất, đặc biệt là cây trồng, vật nuôi, những tài sản mà việc tạo lập không cần khai báo, đăng ký.
Trong khi đó, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về thời điểm định giá đất, tài sản gắn liền với đất để tính tiền bồi thường. Về giá đất tính tiền bồi thường tại Khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai 2013 chỉ quy định “giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”. Nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn không xác định rõ “thời điểm quyết định thu hồi đất” là thời điểm nào nên việc tiến hành khảo sát định giá đất bồi thường hiện nay chưa thống nhất trong thực tiễn áp dụng. Bên cạnh đó, giá công trình xây dựng, cây trồng, vật nuôi cũng không tiến hành khảo sát và định giá mà chỉ áp đơn giá được UBND cấp tỉnh quy định từ nhiều năm trước (Ví dụ: Cần Thơ hiện vẫn sử dụng đơn giá năm 2015 - theo Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND; Hậu Giang thì sử dụng đơn giá năm 2014 – theo Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND).
Quyền giám sát chưa được phát huy đúng mức
Hiện chưa quy định về việc công khai quy định chung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án cụ thể; chưa quy định chi tiết thống nhất về lấy ý kiến đối với Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Trước đây, trình tự thủ tục thu hồi đất giai đoạn Luật Đất đai 2003 có quy định về phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. Phương án tổng thể này thể hiện những quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được áp dụng cho các hộ dân trong dự án (là bước chuyển tiếp từ quy định rất chung của trung ương đến từng trường hợp chi tiết khi giải phóng mặt bằng). Điều này có nhiều thuận lợi, giúp người dân hiểu được ngay từ đầu chủ trương về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chứ không chờ đến khi có phương án chi tiết; là chuẩn chung tạo nên sự công bằng nhất định giữa các hộ dân trong dự án, là căn cứ để người dân giám sát quá trình lập phương án chi tiết, áp giá bồi thường từng trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó, phương án đào tạo nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người có đất thu hồi, đặc biệt khi thu hồi đất nông nghiệp nưng những quy định về lấy ý kiến phương án còn chồng chéo, chưa cụ thể. Tại Khoản 3 Điều 84 Luật Đất đai 2013 thì Phương án này được lấy ý kiến của người có đất thu hồi nhưng Khoản 3 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP lại quy định Phương án lấy ý kiến của người thu hồi đất. Vậy sẽ lấy ý kiến ai ? Nội dung lấy ý kiến, hình thức, thời gian lấy ý kiến chưa được quy định.
Quyền giám sát của công dân chưa thể hiện rõ và chưa có cơ chế rõ ràng để thực hiện. Mặc dù quyền giám sát của công dân đối với công tác quản lý đất đai nói chung, đối với công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nói riêng đã được quy định tại Điều 199 Luật Đất đai 2013 nhưng đến nay vẫn chưa có quy định chi tiết để thực hiện hiệu quả quyền giám sát này. Trong trình tự, thủ tục thu hồi đất hiện nay chỉ ghi nhận cụ thể quyền được lấy ý kiến, quyền khiếu nại, khiếu kiện của người có đất thu hồi; còn quyền giám sát của người dân thể hiện rất mờ nhạt. Văn bản không quy định rõ nội dung, giới hạn phạm vi giám sát gồm những gì, giám sát bằng cách nào, phản ánh đến ai và kết quả phản ánh sẽ xử lý như thế nào. Đây là những nội dung quan trọng cần được cụ thể hóa trong trình tự, thủ tục thu hồi đất.
Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chưa phát huy được vai trò chính yếu là giám sát, phản biện; chủ yếu hiện nay chỉ thực hiện công tác vận động. Hiến pháp và Luật Mặt trận tổ quốc năm 2015 xác định rõ chức năng giám sát và phản biện là hai chức năng cơ bản, quan trọng của Mặt trận. Trong quá trình thu hồi đất sự giám sát và phản biện của Mặt trận là rất cần thiết. Tuy nhiên, các văn bản đất đai quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất chỉ chú trọng và chi tiết các quy định về Mặt trận tổ quốc cấp xã khi có cưỡng chế - hiện nay Mặt trận chỉ được quy định cụ thể về vai trò vận động, thuyết phục trong quá trình cưỡng chế tại Điều 69 Luật Đất đai 2013. Giám sát của Mặt trận còn có khi thể hiện đâu đó nhưng phản biện của Mặt trận về vấn đề này hiện nay là rất mờ nhạt. Đồng thời trách nhiệm giám sát, phản biện của Mặt trận vẫn chưa được quy định rõ ràng trong các bước thực hiện thu hồi đất.
Một số kiến nghị
Thứ nhất, đối với văn bản Trung ương cần thống nhất quy định về thành lập, hoạt động của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quy định những nhiệm vụ quyền hạn cơ bản của các chủ thể tiến hành công tác thu hồi đất trong Nghị định của Chính phủ. Đối với địa phương, trên cơ sở quy định của trung ương ban hành quy chế phối hợp giữa các chủ thể trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi đất trên tinh thần khoa học, chặt chẽ, rõ ràng và chủ động cho các tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng.
Thứ hai, văn bản Trung ương cần quy định những nguyên tắc và chủ trương cho xây dựng thủ tục rút gọn hoặc nếu có thể sẽ bổ sung trong Điều 69 Luật Đất đai 2013 một khoản quy định về thủ tục rút gọn. Địa phương trên cơ sở nguyên tắc đó, xây dựng các bước cụ thể và trách nhiệm các chủ thể khi triển khai thủ tục rút gọn.
Mặt khác, hiện nay Luật Đất đai 2013 và Nghị định 44/2014/NĐ-CP không có hướng dẫn về việc giám sát của người dân trong quá trình định giá đất. Pháp luật đất đai và các văn bản có liên quan chưa có quy định về thành phần tham gia vào Ban cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Hơn nữa, các quy định về cưỡng chế thu hồi đất cũng cần được bổ sung như: thời gian quản lý tài sản sau cưỡng chế và những thời điểm không nên thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.
Thứ ba, địa phương cần ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm thông tin quy hoạch, đặc biệt là khu vực có dự án thu hồi đất cần được công bố thông qua tổ chức họp dân công bố thông tin về kế hoạch sử dụng đất, khi thông tin xác định rõ ranh giới khu đất và số hộ bị ảnh hưởng và phổ biến cả quyền, nghĩa vụ của người dân trong khu vực quy hoạch dự án.
Thứ tư, văn bản trung ương cần cụ thể hóa Điều 69 Luật Đất đai 2013 và Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Thông tư 30/2014/TT-BTNMT quy định về thông báo thu hồi đất tổng thể, điều chỉnh bỏ đi những nội dung quá chi tiết trong biểu mẫu Thông báo hiện nay khi mà cơ sở dữ liệu đất đai của chúng ta chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, nội dung trong biểu mẫu cần bổ quy thông báo về cả quyền và nghĩa vụ của người dân từ khi có thông báo thu hồi đất hoặc có thể chỉ thông báo những gì mà người dân không được làm đối với đất và tài sản gắn liền kể từ khi có thông báo. Địa phương phải chủ động thực hiện dự án tái định cư nhằm đảm bảo thông báo cụ thể chính xác nơi bố trí tái định cư chứ không thông báo chung chung.
Thứ năm, văn bản trung ương (Sửa đổi Luật Đất đai 2013 hoặc Nghị định 47/2014/NĐ-CP) cần quy định cụ thể hiệu lực của Thông báo thu hồi đất và thời gian cụ thể từ khi hoàn tất kiểm đếm đến khi phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm đảm bảo chặt chẽ của trình tự và quyền lợi của người có đất thu hồi.
Thứ sáu, địa phương cần quy định thủ tục ghi hình, ghi ảnh hiện trạng khu đất làm căn cứ bồi thường. Bởi đây là căn cứ quan trọng khi xét tính pháp lý đối với tài sản gắn liền với đất. Quy định thủ tục này góp phần ngằn chặn tình trạng cố tình tạo lập tài sản đón đầu thu hồi đất để được bồi thường và có căn cứ chặt chẽ trong giải quyết thắc mắc, khiếu nại khi giải phóng mặt bằng.
Thứ bảy, Luật cần quy định cụ thể thời điểm định giá tài sản gắn liền với đất, có thể gọi là “ngày định giá” và chủ thể tiến hành định giá – nên thuê tổ chức tư vấn định giá độc lập, nhưng phải bổ sung quy định về kinh phí cho hoạt động này, đặc biệt là đối với các dự án nhỏ, tổng chi phí dự án thấp. Địa phương quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình định giá.
Thứ tám, văn bản trung ương cần quy định bổ sung Phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thông báo đến người dân khi triển khai thông báo thu hồi đất. Sửa đổi và ban hành các quy định chi tiết về lấy ý kiến Phương án đào tạo nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Địa phương cần có quy định cụ thể về lập, thẩm định và phê duyệt Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, do Phương án này hiện nay được lập cùng lúc với Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nên bị mờ nhạt, do người dân chủ yếu quan tâm mức bồi thường và tái định cư.
Thứ chín, Điều 199 Luật Đất đai 2013 cần được hướng dẫn cụ thể. Nghị định cần có những quy định cụ thể về hình thức giám sát, nội dung giám sát, giới hạn của quyền giám sát và cả biện pháp đảm bảo quyền giám sát. Địa phương cần chủ động trên tinh thần Luật, tiếp cận thông tin quy định những biện pháp cụ thể để đảm bảo quyền giám sát của nhân dân trong quá trình thu hồi đất.
Mười là, văn bản trung ương cần quy định cụ thể những nội dung giám sát, phương thức giám sát và phản biện trong từng bước thực hiện thu hồi đất. Hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên cần thường xuyên tập huấn chuyên môn về công tác thu hồi đất nhằm đảm bảo tính chính xác, hiệu quả của giám sát, phản biện.
Danh mục tài liệu tham khảo 1. Luật Đất đai năm 2013. 2. Nghị định của Chính phủ số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 về thi hành Luật đất đai. 3. Nghị định của Chính phủ số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. 4. Nghị định của Chính phủ số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. 5. http://www.gdla.gov.vn/index.php/news/Hoat-dong-trong-nganh/Nghien-cuu-hoan-thien-quy-trinh-thu-hoi-dat-boi-thuong-ho-tro-tai-dinh-cu-Phat-hien-nhieu-bat-cap-1952.html. |
MỸ LINH