/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Một số vấn đề pháp lý về mô hình cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam

Một số vấn đề pháp lý về mô hình cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam

06/02/2023 14:31 |

(LSVN) - Theo quy định của Luật Giáo dục đại học hiện hành, cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng. Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam bao gồm đại học, trường đại học, học viện. Đại học được chia thành đại học quốc gia và đại học vùng. Học viện được hiểu theo 02 nghĩa: academy và institut… Các trường đại học lại được chia thành trường công lập và trường tư thục. Trường tư thục bao gồm cả các trường quốc tế, trường có vốn đầu tư nước ngoài. “Mô hình cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam” tưởng như không còn là vấn đề mới vì sự tồn tại của cơ sở giáo dục đại học đã trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng trăm năm tồn tại và phát triển, nhưng thực ra lại còn nguyên các vấn đề để thảo luận, thậm chí có những vấn đề dường như phải thảo luận lại từ đầu.

Ảnh minh họa.

Về bản chất pháp lý, muốn hay không thì đại học, trường đại học hay học viện đương nhiên đều là nhà trường, tồn tại khách quan với tư cách là trường, trường học. Tuy nhiên, Luật Giáo dục đại học đã rất không rõ ràng khi quy định: “Trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học, do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định việc thành lập”(1), có nghĩa là chỉ các trường thành viên của cơ sở giáo dục đại học mới là “trường”.

Cơ sở giáo dục đại học được phân loại thành: cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận, nghĩa là chấp nhận có cơ sở giáo dục đại học hoạt động vì lợi nhuận. Trong thực tế, với quan niệm tự chủ và xã hội hóa giáo dục đại học như hiện nay thì kể cả đối với các trường công lập theo hướng tự lo nguồn thu ngoài ngân sách đã và đang dẫn đến việc thương mại hóa giáo dục, “kinh doanh buôn bán giáo dục” xảy ra cũng như một tất yếu theo chủ trương này. Có 03 nỗi lo lớn của nhân loại đối với giáo dục đại học: Một là, thương mại hóa giáo dục, kinh doanh buôn bán giáo dục; Hai là, quản lý độc quyền, hành chính hóa, hạn chế hoặc không tôn trọng tự chủ, tự trị đại học và quyền tự do học thuật của các cơ sở giáo dục đại học; Ba là, tôn giáo hóa các trường đại học và các hoạt động đại học. Cả 03 lo lắng trên đã và đang xảy ra trên đất nước ta, trong đó nguy cơ thương mại hóa giáo dục là nguy cơ lớn nhất, đang trở thành bức tranh hiện thực. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục cũng đã để hiện nỗi lo này khi xác định “không thương mại hóa giáo dục”, tuy nhiên trong thực tế, thương mại hóa giáo dục nói chung và giáo dục đại học ngày càng trầm trọng hơn, có nguy cơ sẽ phải trả giá, phải chịu hậu quả khôn lường.

Luật Giáo dục đại học xác định “các loại hình cơ sở giáo dục đại học bình đẳng trước pháp luật”(2). Các câu hỏi: thế nào là bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học, bình đẳng bao gồm những nội dung gì; làm thế nào để bảo đảm sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học; các tiêu chí và điều kiện bảo đảm sự bình đẳng là gì?..., tất cả đều chưa rõ ràng và phụ thuộc nhiều vào cách hành xử của cơ quan quản lý nhà nước. Theo khái niệm pháp lý thì cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và là đại diện chủ sở hữu; cơ sở giáo dục đại học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động(3). Câu hỏi đặt ra là: Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động cho các trường đại học tư thục không? Câu trả lời chắc chắn phải là: Có. Với trọng trách của mình, với vai trò một nhà nước kiến tạo phát triển, hành động phục vụ nhân dân, Nhà nước không thể chỉ chăm lo cho các cơ sở giáo dục công lập mà còn có thể và cần phải chăm lo cho toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có toàn bộ hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Để bảo đảm bình đẳng thì cần quan niệm rõ ràng rằng, giữa các cơ sở giáo dục đại học khi ra đời chỉ có sự khác nhau duy nhất là ở nguồn vốn đầu tư. Chủ thể đầu tư có thể là nhà nước, là pháp nhân, là doanh nghiệp, là cá nhân hay vốn đầu tư nước ngoài, nhưng khi đã trở thành pháp nhân thì rất cần thực hiện các hoạt động trong các điều kiện chính sách pháp luật như nhau; cùng thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của giáo dục đại học, cùng được xử lý những vấn đề của đầu ra và đầu vào của đào tạo và nghiên cứu khoa học như nhau mà không phân biệt chủ đầu tư, kể cả chủ đầu tư là nhà nước. Muốn thực hiện được sự bình đẳng thực sự thì cần xác đinh rõ ràng rằng đầu tư vào giáo dục là đầu tư vào lĩnh vực sự nghiệp, sự nghiệp giáo dục, phi lợi nhuận, những “lợi nhuận” thu được từ giáo dục chủ yếu dùng để tái đầu tư, để đầu tư cho phát triển giáo dục, không phân chia cho các nhóm lợi ích đầu tư, không chia cổ tức. Không nên bắt các cơ sở giáo dục đại học đăng ký hoạt động không vì lợi nhuận phải cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, cam kết không rút vốn, không hưởng lợi tức; cam kết phần lợi nhuận tích lũy hàng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học như hiện nay, vì đó phải là đặc tính của giáo dục nói chung và toàn bộ hệ thống giáo dục đại học. Đây phải là yêu cầu chung đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học, vì bản thân giáo dục tự nó là đã là sự nghiệp nhân văn cao cả, không phải là kinh doanh mà là sự nghiệp khoa học, lao động trí tuệ và sáng tạo. Dù nguồn đầu tư từ đâu, dù thuộc loại hình nào, dù là đại học hay đại học vùng… thì về bản chất vẫn là nhà trường đại học, có những thuộc tính chung của nhà trường và cùng nhau đào tạo, nghiên cứu, phụng sự xã hội, mang đặc tính và thực hiện nhiệm vụ của giáo dục đại học.

Mô hình cơ sở giáo dục đại học có liên quan trực tiếp tới quản trị đại học, coi quản trị đại học là một nội dung cốt lõi, vì thế quản trị đại học có tầm quan trọng và được coi là nhân tố quyết định tạo nên thành công của mô hình. Quản trị tốt là tạo ra một hệ thống các thiết chế, nguyên tắc, trong đó có cơ cấu bộ máy và phối hợp các nguồn lực để đạt được các mục tiêu chiến lược phát triển của sự vận hành mô hình tổ chức bộ máy cơ sở giáo dục đại học. Quản trị đại học dựa vào những nguyên lý và nguyên tắc hướng đến việc trường đại học thực hiện được sứ mệnh của mình và thực hiện đổi mới liên tục các mặt hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu hàn lâm của xã hội. Quản trị đại học cần tuân thủ các nguyên tắc nhằm bảo đảm sự minh bạch và công bằng trong quản lý và hoạt động. Như vậy quản trị đại học bao giờ cũng gắn với mô hình tổ chức cơ sở giáo dục đại học phù hợp, nếu không phù hợp sẽ cản trở sự phát triển. Thước đo của sự phù hợp ấy phải bảo đảm cho cơ sở giáo dục đại học có năng lực tự chủ cao, thực hiện “tự trị đại học”.

Luật Giáo dục đại học hiện hành có những quy định khác nhau về mô hình cơ sở giáo dục đại học.

Một là, mô hình trường đại học, học viện. Điều 14 của Luật quy định cơ cấu tổ chức của trường đại học, học viện bao gồm: a) hội đồng trường đại học, hội đồng học viện (gọi chung là hội đồng trường); b) hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện (gọi chung là hiệu trưởng trường đại học), phó hiệu trưởng trường đại học, phó giám đốc học viện (gọi chung là phó hiệu trưởng trường đại học); c) hội đồng khoa học và đào tạo, hội đồng khác (nếu có); d) khoa, phòng chức năng, thư viện, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức phục vụ đào tạo khác; đ) trường, phân hiệu, viện nghiên cứu, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của trường đại học. Hai là, mô hình của đại học. Điều 15 Luật Giáo dục đại học quy định cơ cấu tổ chức của đại học bao gồm: a) hội đồng đại học; b) giám đốc đại học; phó giám đốc đại học; c) hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); d) trường đại học, viện nghiên cứu thành viên (nếu có), trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác; đ) khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học. Các “mô hình” này thực ra đang rất lủng củng vì thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn vững chắc, chủ yếu dựa vào ý chí của các nhà làm luật.

Mô hình đại học (university) rất phổ biến ở nhiều quốc gia, hình thành những đại học lớn, uy tín, đa ngành, có sức mạnh tổng hợp để đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đặt ra cho đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, bảo đảm tự chủ giáo dục và tự do học thuật. Tuy nhiên các trường đó được gọi là university, các trường thành viên của university không còn gọi là “trường đại học” (university) nữa mà gọi là “trường” (school), gọi như vậy không làm lu mờ bản chất “đại học” của các trường thành viên của university. Mô hình cơ sở giáo dục đại học cũng ảnh hưởng bởi tên gọi. Quan hệ giữa đại học và trường thành viên nếu là university và school thì không có vấn đề pháp lý gì nảy sinh, như thực tiễn ở các nước đã có kinh nghiệm này. Nhưng nếu là quan hệ giữa “đại học” (university) và “trường đại học” thành viên (cũng là university) thì không bao giờ hết những vấn đề pháp lý nảy sinh về tự chủ, mặc dù đó mới chỉ là bắt đầu từ tên gọi. Vì thế, Luật cần chỉnh sửa lại hành lang pháp lý về tên gọi các cơ sở giáo dục đại học. Nếu là đại học, trường đại học thì gọi là university, còn các trường thành viên của các đại học, trường đại học thì chỉ nên gọi là “trường”. Chẳng hạn tên “Trường Đại học Kinh tế” thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội có thể được gọi là “Trường Kinh tế”, “Trường Đại học Luật” thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ nên gọi là “Trường Luật” thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội…, cách gọi này không ảnh hưởng gì đến tính chất đại học của các trường thành viên.

Kinh nghiệm quản trị đại học trên thế giới cho thấy mô hình trường đại học ưu việt sẽ bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của cơ sở giáo dục đại học. Nói như vậy cũng có nghĩa là xây dựng mô hình không phải là mục đích, bản thân mô hình cũng chỉ là phương tiện, là công cụ để thực hiện sứ mệnh, thực hiện tôn chỉ mục đích của nhà trường. Lao động trong môi trường đại học là môi trường học thuật, môi trường lao động trí tuệ, sản phẩm đầu ra là con người lao động trí tuệ sáng tạo, là các cống hiến về khoa học phục vụ xã hội. Chính vì vậy, mô hình cơ sở giáo dục đại học tốt nhất phải là mô hình tối ưu cho tự do học thuật, tự do nghiên cứu sáng tạo, là chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ngược lại, đây cũng là thước đo về hiệu quả của mô hình.

Quá trình ra đời, vận động và phát triển của cơ sở giáo dục đại học là quá trình tuân theo những quy luật phát sinh, tồn tại và phát triển tự thân. Đã là quy luật thì mang tính khách quan, tất yếu, không cưỡng lại được, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của quản lý nhà nước và các nhà quản trị đại học. Bản thân các quy định pháp luật, theo quan điểm của F.Anghen, cũng chỉ là sự phản ánh lại, ghi chép lại các yêu cầu, quy luật khách quan. Chính vì vậy, mặc dù Luật Giáo dục đại học đã quy định về mô hình trường đại học và đại học, nhưng mỗi cơ sở giáo dục đại học có những dấu ấn đặc thù riêng trong việc hình thành và vận hành của các mô hình, phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm và khả năng cụ thể của từng cơ sở. Nếu không có sự phù hợp về mô hình, nếu áp đặt một mô hình máy móc mang tính bắt buộc, gượng ép theo kiểu “giao quyền tự chủ” như hiện nay thì không những pháp luật không giữ vai trò hành lang hoặc kiến tạo phát triển mà ngược lại có thể là rào cản phát triển.

Cách mạng công nghiệp 4.0 kết nối và công nghệ số cùng với môi trường học tập mở đang tác động rất mạnh tới các trường đại học theo mô hình quản lý và điều hành mang tính hành chính truyền thống. Trong quản trị đại học, các cơ sở giáo dục đại học cần được chuyển hướng mạnh sang tự trị đại học, trong tổ chức và hoạt động, chủ động tìm kiếm các nguồn lực đầu tư bên ngoài, mở rộng các hoạt động đầu tư liên danh, liên kết trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học. Về tổ chức quản trị và điều hành trong nội bộ trường đại học, cần sự thay đổi về quan điểm và cách thức điều hành theo mô hình đại học tự trị và giáo dục khai phóng, tạo động lực để thúc đẩy đội ngũ quản lý, giảng viên, người học trong môi trường hoạt động năng động, đổi mới sáng tạo.

Mô hình các các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam chỉ có thể trở nên ổn định và được định hình vững chắc trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hoàn thiện và vận hành hiệu quả. Nhưng giáo dục đại học Việt Nam đang tồn tại một trong những yếu kém nhất là tính hệ thống. Gần 300 trường đại học. học viện hiện nay (kể cả khối các trường an ninh, quốc phòng, các nhà trường chính trị) gần như tồn tại rời rạc, không có quan hệ hữu cơ với nhau trong một hệ thống, giữa đào tạo và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học cũng không có quan hệ tất yếu nào xuất hiện. Yếu tố cạnh tranh can thiệp vào ngày càng mạnh cùng với chế độ tự chủ được hiểu theo nghĩa tự tìm nguồn thu làm cho các cơ sở giáo dục đại học ngày càng chạy theo số lượng, giảm về chất lượng, kèm theo đó là giảm uy tín trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, hiện đang gây ra những bức xúc xã hội nhất định, việc “tự đánh mất mình” đang như một hội chứng trong giáo dục. Không thể có một mô hình nào có thể trở nên ưu việt thực sự trong một hệ thống rời rạc, mang nặng tính hành chính và hình thức như đang tồn tại. Như vậy, việc tổ chức sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục đại học hiện đặt ra như một nhu cầu tất yếu và cấp bách trong quản trị đại học hiện nay.

(1) Khoản 7 Điều 4 Luật Giáo dục đại học (Văn bản hợp nhất số 42/VBHN-VPQH ngày 10-12-2018 của Văn phòng Quốc hội).

(2) Khoản 3 Điều 7 Luật Giáo dục đại học.

(3) Khoản 2 Điều 7 Luật Giáo dục đại học.

PGS.TS. Luật sư CHU HỒNG THANH

Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Luật Đại học Quốc gia Hà Nội

Vướng mắc về thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Nguyễn Hoàng Lâm