Một số vấn đề từ thực tiễn xét xử của Tòa án và thông báo của Viện Kiểm sát về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’

06/07/2021 22:57 | 3 năm trước

(LSVN) - Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm nhất là tội phạm mang tính chất chiếm đoạt có xu hướng gia tăng về tính chất, mức độ, sự xảo quyệt trong các hành vi phạm tội. Các Tòa án đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm răn đe và ngăn ngừa chung, mặc dù Bộ luật Hình sự (BLHS) và các văn bản hướng dẫn thi hành về tội danh này nhưng mỗi vụ án lại có sự phức tạp khác nhau đòi hỏi phải đánh giá toàn diện, khách quan vụ án, từ thực tiễn xét xử các Tòa án trong thời gian qua và thông báo rút kinh nghiệm của các Viện kiểm sát tổng hợp một số vấn đề liên quan đến xử lý “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Xác định giá trị tài sản chiếm đoạt

Việc xác định giá trị tài sản chiếm đoạt có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quyết định hình phạt, trong thực tiễn xét xử các vụ án lừa đảo việc xác định giá trị tài sản chiếm đoạt tồn tại một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, có Tòa án căn cứ vào giá trị tài sản mà bị cáo đã chiếm đoạt được nhưng có Tòa án căn cứ vào giá trị tài sản mà bị cáo “nhằm chiếm đoạt” (mặc dù bị cáo chưa chiếm đoạt được) để áp dụng tình tiết tăng nặng định khung về giá trị tài sản chiếm đoạt.

Đối với vấn đề này có thể xác định theo hai trường hợp:

Một là khi thực hiện hành vi chiếm đoạt người phạm tội không xác định giá trị tài sản chiếm đoạt thì định tội danh theo thực tế chiếm đoạt.

Hai là người phạm tội xác định rõ giá trị tài sản chiếm đoạt thì định tội danh theo ý thức chủ quan của người phạm tội. 

Thứ hai, khi xác định giá trị tài sản chiếm đoạt trong tội lừa đảo có bao gồm tiền gốc và tiền lãi suất hay không? Ví dụ: Nguyễn Văn A là nhân viên ngân hàng B đã làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm cho Trần Văn C số tiền 3 tỉ đồng, sau đó A đã làm thủ tục tất toán và rút tổng số tiền 4,5 tỉ đồng và dùng tiêu xài cá nhân, trong đó số tiền gốc là 3 tỉ đồng và tiền lãi là 1,5 tỉ đồng.

Đối với vấn đề này thì bị cáo chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với những tài sản mà thực tế bị cáo chiếm đoạt. Số tiền, tài sản dùng để xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội phải là số tiền họ đã, đang chiếm của Nhà nước, của người khác. Đối với những khoản tiền như tiền lãi trong các hợp đồng tín dụng, những khoản tiền người có trách nhiệm trong tổ chức kinh tế làm thất thoát, làm thua lỗ… thì không xác định là tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, nếu người phạm tội có lỗi, vi phạm các hợp đồng, thỏa thuận, vi phạm các hợp đồng về quản lý kinh tế thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường số tài sản này. Theo quy định của pháp luật kinh tế, dân sự… Về nguyên tắc thì họ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do họ gây ra. Như vậy trong vụ án trên thì xác định giá trị tài sản chiếm đoạt của bị cáo Nguyễn Văn A là số tiền gốc 3 tỉ đồng.

Ví dụ: Bùi Thị Thùy D. không có chức năng tuyển dụng nhưng khi biết được ông Đỗ Tiến K. có mong muốn xin con trai vào Kho bạc Nhà nước huyện T và con dâu vào làm giảng viên Trường Cao Đẳng X, Bùi Thị Thùy D. đã trao đổi với Hoàng Thị H. về việc chạy việc cho con trai và con dâu của ông K. Qua trao đổi, H. bảo chi phí khoảng 200 – 250 triệu đồng để xin vào Kho bạc và chi phí khoảng 150 – 180 triệu đồng để xin vào ngành giáo dục. Sau khi H. và D. thống nhất số tiền để chạy việc; D. trực tiếp gặp ông K. và trao đổi với ông K. chi phí để xin vào Kho bạc là 300 triệu đồng và 270 triệu đồng để xin vào ngành giáo dục. Ông K. đồng ý và đưa cho D. tổng số tiền là 570 triệu đồng. Ông K. và D. thống nhất viết hai giấy biên nhận tiền, một giấy ghi D. nhận 300 đồng và một giấy ghi D. nhận 270 triệu đồng, lý do vay tiền của ông K. để giải quyết việc cá nhân.

Sau khi nhận tiền từ ông K., D. đã chuyển tổng số tiền cho H. là 417 triệu đồng qua nhiều lần và nhiều hình thức khác nhau. Còn lại 153 triệu đồng D. giữ lại chi tiêu cá nhân và không nói cho H. biết cụ thể. Sau gần 01 năm, con trai và con dâu ông K. không được trúng tuyển để đi làm, ông K. đã làm đơn tố cáo Bùi Thị Thùy D. đến Cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2019/HS-ST ngày 03/12/2019 của TAND tỉnh B căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 38 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Hoàng Thị H. 9 năm tù; xử phạt bị cáo Bùi Thị Thùy D. 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Về xác định số tiền chiếm đoạt để áp dụng khung hình phạt đối với bị cáo H.: Trong vụ án này, bị cáo D. là người trực tiếp liên hệ và nhận tiền từ ông K. để hứa hẹn xin việc cho con ông K. với tổng số tiền là 570 triệu đồng. Tuy nhiên, khi D. trao đổi với H. về xin việc, chỉ trao đổi về trường hợp xin vào Kho bạc thì chi phí từ 200 – 250 triệu đồng/suất và chi phí khoảng 150 -180 triệu đồng/suất để xin vào ngành giáo dục, H. không biết D. nhận từ ông K. bao nhiêu tiền và thực tế H. chỉ nhận 417 triệu đồng từ D., nên H. chỉ phạm tội theo khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174 để truy tố, xét xử đối với bị cáo H. là không đúng quy định pháp luật, gây bất lợi cho bị cáo. 

Xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án

Trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng mà bị cáo là nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng thì xác định ngân hàng là bị hại hay người gửi tiền tiết kiệm là bị hại?

Trong vụ án này việc xác định tư cách tố tụng được xem xét theo đó việc bị cáo thuyết phục khách hàng ký vào các giấy tờ tất toán thì khách hàng chỉ trở thành bị hại nếu pháp luật và quy chế cho phép nhân viên nhận tiền hoặc chuyển sổ tiết kiệm thay cho khách hàng. Quan hệ tất toán giữa ngân hàng và khách hàng chỉ kết thúc khi ngân hàng trực tiếp giao tiền cho khách hàng; ngân hàng giao tiền cho bị cáo không có ủy quyền chứ không giao trực tiếp cho khách hàng thì ngân hàng phải chịu rủi ro về chính điều này, vì vậy bị cáo lừa ngân hàng chứ không lừa khách hàng. Hay nói cách khác, người bị thiệt hại là ngân hàng và bị hại chính là ngân hàng chứ không phải khách hàng.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án lừa đảo có yếu tố đồng phạm

Theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Dân sự năm 2015 thực hiện nghĩa vụ liên đới: “1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.

4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ”.

Những người gây thiệt hại trong vụ án đồng phạm phải liên đới bồi thường. Một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

Trong trường hợp một bị cáo đã tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra nhưng sau đó không yêu cầu các đồng phạm khác hoàn trả số tiền mà mình đã bồi thường thay khi xét xử Tòa án phải giải thích cho bị cáo biết quyền yêu cầu các bị cáo khác hoàn trả phần tài sản mà bị cáo đã bồi thường thay. Nếu bị cáo vẫn không thực hiện quyền mà Tòa án đã giải thích thì Tòa án ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo và không buộc khác phải hoàn trả, đồng thời không tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước khoản tiền trách nhiệm bồi thường của các bị cáo khác.

Trường hợp bị cáo đã bồi thường chưa yêu cầu giải quyết trong cùng vụ án thì sau này nếu có yêu cầu thì sẽ giải quyết bằng vụ án dân sự khác.

Khi một bị cáo tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo khác gây ra nhưng trong bản án vẫn phải tuyên trách nhiệm bồi thường của từng bị cáo 

Qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự trong các Tòa án về vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án đồng phạm của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm những nội dung sau đây:

Một là, khi tuyên trách nhiệm bồi thường trong vụ án đồng phạm thì trước hết cần tuyên trách nhiệm liên đới bồi thường của các bị cáo, sau đó tuyên số tiền bồi thường cụ thể của từng bị cáo, cần tách số tiền bồi thường do hành vi vượt quá (nếu có).

Hai là, khi tính phần án phí khi bồi thường thiệt hại thì phải xác định số tiền cụ thể mỗi bị cáo phải phải bồi thường sau đó tính án phí dân sự cho mỗi bị cáo phải nộp.

Ba là, trong vụ án đồng phạm cần cá thể hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với mỗi bị cáo.

Ví dụ: Trần Thị Bạch H. là chủ doanh nghiệp TN, trong quá trình kinh doanh bị thua lỗ. Tháng 08/2009, lợi dụng quan hệ quen biết với một số cán bộ Ngân hàng VA Chi nhánh CT, thông qua hoạt động cho vay, H. đã nhận thế chấp quyền sử dụng đất của nhiều người; yêu cầu những người thế chấp ký ủy quyền hoặc chuyển nhượng cho nhiều người khác do H. thuê đứng tên để những người này tiếp tục thế chấp vào ngân hàng vay tiền theo yêu cầu của H. Sau khi giải ngân, những người do H. thuê đứng tên vay đều phải giao tiền lại cho H. sử dụng vào mục đích cá nhân. Sau khi vay được tiền, H. viện cớ hoàn tất thủ tục sang tên để mượn lại các GCNQSDĐ; rồi sử dụng các giấy này tiếp tục thế chấp để vay tiền ở nơi khác, chuyển nhượng cho người khác. Ngoài ra, để thực hiện mục đích chiếm đoạt tài sản, H. còn làm giả Giấy đăng ký xe ô tô và mang đi cầm cố. Tổng số tiền H. đã chiếm đoạt của Ngân hàng VA và các tổ chức, cá nhân khác là 64.259.800.475 đồng và 600 chỉ vàng SJC.

Trần Thị Kim L. biết rõ các tài sản thế chấp cho Ngân hàng do H. nhận cầm cố, thế chấp của người khác, không phải H. nhận chuyển nhượng và H. cũng không có quyền định đoạt đối với các tài sản này, nhưng vẫn tích cực giúp sức cho H. trong việc chiếm đoạt khoản tiền 4.270.000.000 đồng của Ngân hàng VA và 2 tỉ đồng của ông Trần Văn M.

Nguyễn Minh B., Nguyễn Ngọc Nguyên Kh., Nguyễn Hương G. và Châu Thùy D. là cán bộ tín dụng thuộc Phòng giao dịch AN và AP của Ngân hàng VA Chi nhánh CT, biết rõ những quy định về nghiệp vụ, tài chính, tín dụng nhưng khi lập các hợp đồng thế chấp, cho vay, đã không thẩm định thực tế nguồn gốc, giá trị tài sản thế chấp, định giá tài sản thế chấp không có căn cứ, nhận tài sản thế chấp khi chưa làm thủ tục sang tên, chưa công chứng việc thế chấp và đăng ký giao dịch đảm bảo, không mua bảo hiểm, cho vay vượt mức quy định, không tra cứu CIC, bất động sản là đất nông nghiệp không có lối vào nhưng vẫn cho giải ngân; đồng thời, cho Trần Thị Bạch H. mượn lại tài sản thế chấp khi chưa giải chấp. Các bị cáo này đã vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho Ngân hàng VA Chi nhánh CT số tiền 45.624.282.545 đồng và 600 chỉ vàng SJC.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2014/HSST ngày 01/10/2014, TAND thành phố CT áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; khoản 3 Điều 267; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 50 BLHS, xử phạt Trần Thị Bạch H. tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 4 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo H. phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là tù chung thân; áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; điểm g khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 53 BLHS, xử phạt Trần Thị Kim L. 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; áp dụng khoản 3 Điều 179; điểm g khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS, xử phạt Nguyễn Hương G. 17 năm tù, Nguyễn Minh B. 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; áp dụng khoản 3 Điều 179; điểm g khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 53 BLHS, xử phạt Châu Thùy D. 6 năm tù, Nguyễn Ngọc Nguyên Kh. 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Về trách nhiệm dân sự, áp dụng Điều 42; các điều 122, 127, 325, 343, 350, 604, 605, 616, 717, 719 BLDS; các điều 300, 301, 302 Luật Thương mại; các điều 91, 95 Luật Tín dụng, buộc các bị cáo cùng liên đới bồi thường thiệt hại cho Ngân hàng VA, cụ thể như sau: Trần Thị Bạch H. phải bồi thường trước và bồi thường toàn bộ vốn lẫn lãi là 107.419.332.077 đồng và 849,838 chỉ vàng SJC; Trần Thị Kim L. phải bồi thường trong khoản 4.270.000.000 đồng sau khi H. hết khả năng bồi thường; Nguyễn Minh B., Nguyễn Ngọc Nguyên K. bồi thường trong khoản 14.324.470.353 đồng và 849,838 chỉ vàng SJC khi H hết khả năng bồi thường; Nguyễn Phương G., Châu Thùy D. bồi thường trong khoản 93.094.861.724 đồng sau khi H. hết khả năng bồi thường; Nguyễn Phương G. phải bồi thường riêng khoản 3.135.000.000 đồng sau khi H. hết khả năng bồi thường. Ngoài ra, Trần Thị Bạch H. còn phải bồi thường cho các tổ chức, cá nhân khác số tiền 3.810.039.000 đồng.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Không xác định cụ thể phần trách nhiệm dân sự phải bồi thường của các bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Khoản 1 Điều 42 BLHS năm 1999 quy định: “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”. Điều 616 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại; trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người, nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau".

Trong vụ án này, Trần Thị Bạch H. đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng VA với số tiền là 45.624.282.545 đồng và 600 chỉ vàng; trong đó, Trần Thị Kim L. giúp sức cho H. chiếm đoạt 4.270.000.000 đồng của Ngân hàng VA. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc Trần Thị Kim L. phải liên đới cùng Trần Thị Bạch H. bồi thường số tiền 4.270.000.000 đồng là đúng. Tuy nhiên, Tòa án không căn cứ vào tính chất, mức độ phạm tội của mỗi bị cáo đối với hậu quả gây ra để xác định cụ thể phần bồi thường của từng bị cáo. Việc Tòa án quyết định Trần Thị Kim L. phải bồi thường “sau khi Trần Thị Bạch H. hết khả năng bồi thường” là không đúng quy định pháp luật, gây khó khăn cho việc thi hành án.

Xác định trách nhiệm bồi thường dân sự không đúng quy định pháp luật.

Các bị cáo Nguyễn Minh B., Nguyễn Ngọc Nguyên Kh., Nguyễn Phương G. và Châu Thùy D. bị kết án về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, không phải là đồng phạm với Trần Thị Bạch H. về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, các bị cáo này không có trách nhiệm liên đới cùng H. bồi thường số tiền mà H. đã chiếm đoạt của Ngân hàng VA. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm tuyên buộc các bị cáo này phải cùng Trần Thị Bạch H. liên đới bồi thường cho Ngân hàng VA là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Mỗi vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có một dạng khác nhau, tính chất, mức độ khác nhau đòi hỏi việc nghiên cứu, đánh giá mang tính toàn diện, khách quan.

TRẦN VĂN HÙNG

Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4

Một số vướng mắc và kiến nghị trong việc áp dụng pháp luật đối với tội 'Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có'