Những năm gần đây, các vụ việc ly hôn có yếu tố người nước ngoài ngày càng gia tăng và cũng là vấn đề này đang được nhiều người đặc biệt quan tâm.
Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về ly hôn có yếu tố nước ngoài?
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Lê Hồng Hiển, Hãng Luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự cho biết, theo Điều 127, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn có yếu tố nước ngoài, trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng.
“Còn nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam”, Luật sư Hiển cho biết.
Như vậy, đối với trường hợp này hai vợ chồng muốn ly hôn ở nước ngoài nhưng không có địa chỉ thường trú chung thì sẽ giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
Điều 127, Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về “Ly hôn có yếu tố nước ngoài” cụ thể như sau:
1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Căn cứ theo khoản 25, Điều 3, Luật hôn nhân gia đình 2014, trường hợp ly hôn đơn phương khi vợ chồng là công dân Việt Nam ở nước ngoài, không có địa chỉ thường trú chung được xác định là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Khoản 25, Điều 3, Luật hôn nhân gia đình 2014 đã quy định:
Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Luật sư Lê Hồng Hiển cũng cho biết, cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn là Tòa án Nhân dân cấp tỉnh. Vì là trường hợp ly hôn đơn phương nên nguyên đơn nộp đơn ly hôn tại Tòa án Nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn đăng ký hộ khẩu. Đồng thời, thời gian giải quyết ly hôn sẽ có thể kéo dài lâu vì cả hai vợ chồng đều đang ở nước ngoài.
Hồ sơ ly hôn với người nước ngoài
Để thực hiện việc ly hôn có yếu tố nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ ly hôn bao gồm:
- Đơn xin ly hôn hoặc Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (theo mẫu của Tòa án).
- Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu; Hộ khẩu (bản sao chứng thực).
- Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con).
- Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).
- Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có)
Lưu ý : Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức lãnh sự Giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn tại tòa.
TRẦN MINH