(LSO) - Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Bộ luật Hình sự) về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" thì người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…
Ngày 13/9/2019, Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 212/TANDTC-PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, trong đó có đề cập đến vướng mắc về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, nội dung của Công văn 212/TANDTC-PC mới giải đáp về khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự mà chưa giải đáp toàn bộ các quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự, nên sau khi có Công văn 212/TANDTC-PC, một số tòa án địa phương lại thấy băn khoăn về việc xác định hành vi như thế nào thì cấu thành tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự.
Vấn đề đặt ra là, khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định: “lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng”. Vậy cụm từ này được hiểu như thế nào?
Tình tiết “lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự” chắc không có ý kiến gì khác nhau. Tuy nhiên, cũng phải giải thích “lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự” là mức lãi suất vào thời điểm cho vay, chứ không phải vào thời điểm truy cứu trách nhiệm hình sự, vì vào các thời điểm khác nhau lãi suất của ngân hàng luôn quy định khác nhau; mỗi ngân hàng cũng quy định khác nhau.
Vậy phải căn cứ vào ngân hàng nào để xác định “lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự”. Trên thực tế, có thời kỳ lãi suất của ngân hàng lên tới gần 17%/năm nhưng cũng có thời kỳ lãi suất xuống còn 7%/năm. Mặt khác cũng phải căn cứ vào lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp và cá nhân vay, chứ không phải lãi suất huy động vốn (lãi suất tiết kiệm, trái phiếu, ký quỹ…).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay…”. Đây cũng là vấn đề cần hướng dẫn, vì giữa quy định của Bộ luật Dân sự với dấu hiệu cấu thành tội phạm trong Bộ luật Hình sự có những điểm không đồng nhất.
Ví dụ: A cho B vay 1.000.000.000 đồng với lãi suất 21%/năm vào thời điểm lãi suất của ngân hàng là 17%/năm thì có coi số tiền lãi 04%/năm là tiền thu lợi bất chính không? Vì 04%/năm chưa vượt quá 0,5 lần so với lãi suất của ngân hàng (trường hợp lãi suất của ngân hàng là 17%/năm thì lãi suất gấp 5 lần phải bằng 85%/năm). Trong khi đó, khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ giới hạn “không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay”. Giả thiết A cho B vay vào thời điểm lãi suất của ngân hàng là 17%/năm thì lãi suất gấp 5 lần lên tới 85%/năm. Nếu chỉ căn cứ vào khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự để tính số tiền thu lợi bất chính liệu có thỏa đáng?
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng nhưng Công văn số 212/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao chưa đề cập, đó là: dấu phẩy (,) ở điều văn của điều luật ngắt cụm từ “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự” với cụm từ “thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng” được hiểu như thế nào? Dấu phẩy này có phải là liên từ “và” hay kết từ “hoặc”. Dấu phẩy (,) là một dấu câu được sử dụng để ngắt quãng câu hoặc để thêm một ý khác vào trong câu, hoặc dùng để chia tách các yếu tố trong một danh sách (Từ điển bách khoa Wikipedia). Nếu trong trường hợp quy định tại khoản 1 của Điều 201 nhà làm luật dùng dấu phẩy (,) để ngắt quãng câu hoặc chia tách các yếu tố trong một danh sách, thì chỉ cần xác định một người “cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự” hoặc “thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng” là cấu thành tội phạm; còn nếu hiểu dấu phẩy (,) chỉ là để thêm một ý khác vào trong câu thì một người “cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự” và “thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng” mới cấu thành tội phạm.
Trao đổi với các chuyên gia và đồng chí Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao thì dấu phẩy (,) ngắt 02 cụm từ: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự” với cụm từ “thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng” phải được hiểu như từ “và”, tức là một người “cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự” và “thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng” mới cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự.
Cá nhân tôi cũng đồng tình với quan điểm này, tức là “cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự” và “thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng” là dấu hiệu cần và đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu hiểu chỉ thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng mà không cần phải căn cứ vào dấu hiệu lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự hoặc ngược lại, chỉ cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự mà không cần thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng là cấu thành tội phạm thì không phù hợp.
Tuy nhiên, đây là vấn đề rất quan trọng khi xác định hành vi cho vay đã cấu thành tội phạm hay chưa, nên rất cần Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn.
Luật sư ĐINH VĂN QUẾ