Ảnh minh họa.
BLTTHS hiện hành đã cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp trong nhiều vấn đề pháp lý khác nhau đặc biệt là quyền con người, trong đó sự ra đời của Điều 296 có ý nghĩa lớn đối với quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Tại một phiên tòa xét xử sẽ có nhiều vấn đề có thể sẽ phát sinh như việc bị cáo phản cung, phủ nhận hành vi phạm tội, người bào chữa phủ nhận hành vi của cơ quan điều tra và đưa ra những dẫn chứng để nhằm phủ nhận kết luận điều tra… Từ đó, cơ quan điều tra, điều tra viên cần phải bảo vệ cho kết luận điều tra và hành vi tố tụng của mình. Trong một phiên tòa, HĐXX phải đề cao tinh thần tranh tụng, bất kì một tình tiết, một tài liệu, nội dung nào liên quan đến vụ án đều cần được làm rõ.
Theo quy định tại Điều 296 BLTTHS, trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.
Quy định mới này góp phần khẳng định quyền tranh tục phải được đảm bảo, hơn nữa việc HĐXX triệu tập điều tra viên khi cần thiết không những có lợi cho bị cáo mà còn giúp cho HĐXX nhận định đúng bản chất khách quan của sự việc trong các trường hợp, tạo cơ sở cho cơ quan tiến hành tố tụng có thể nhanh chóng khắc phục, sửa đổi, bổ sung kịp thời các vấn đề liên quan góp phần giải quyết vụ án được triệt để ngay tại phiên tòa mà ít tốn kém về công sức, tiền bạc của cơ quan và các cá nhân. Tuy nhiên trên thực tiễn, khi áp dụng Điều 296 BLTTHS hiện hành thì còn phát sinh một số vướng mắc, khó khăn nhất định.
Thứ nhất, trong nội dung của điều luật quy định “khi xét thấy cần thiết…” thì HĐXX có thể triệu tập điều tra viên đến phiên tòa. Tại đây đã phát sinh vấn đề là việc quy định như vậy mang tính định tính, việc triệu tập điều tra viên lúc này phụ thuộc hoàn toàn vào HĐXX, HĐXX sẽ xem xét việc triệu tập điều tra viên là có cần thiết hay không, đôi khi việc quy định tùy nghi như vậy lại phụ thuộc vào cảm tính, nhận định cá nhân chứ chưa có một quy chuẩn nhất định, thống nhất là trường hợp nào là cần thiết phải triệu tập điều tra viên.
Trên thực thế có trường hợp để triệu tập điều tra viên mà phiên tòa đã phải hoãn, nhưng việc hoãn lại không cần thiết từ đó ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ án, gây tốn kém về thời gian, chi phí, công sức của những bên liên quan.
Thứ hai, điều tra viên khi được triệu tập đến phiên tòa thì tham gia tố tụng với tư cách gì?Trong BLTTHS thì Điều tra tra viên là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, vậy nếu triệu tập họ đến phiên tòa trong trường hợp này thì để họ ở tư cách tham gia tố tụng nào mới hợp lý, nếu đưa họ thành người tham gia tố tụng thì có đúng pháp luật, hơn nữa kể cả khi xác định họ là người tham gia tố tụng nhưng tham gia tố tụng với vai trò cụ thể là gì, xét trong số những thành phần tham gia tố tụng thì chỉ có thể đưa họ thành người làm chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhưng cả hai vai trò cũng không phù hợp và thiếu căn cứ pháp luật.
Thứ ba, khi không xác định được tư cách tố tụng của điều tra viên nên nhiều trường hợp mặc dù HĐXX có triệu tập nhưng điều tra viên lại lấy lý do là triệu tập không đúng tư cách vì rõ ràng trong BLTTHS thì họ được quy định là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nên không đến phiên tòa làm cho phiên tòa phải hoãn, Tòa án trong trường hợp này thường phải liên hệ, trao đổi với cơ quan hoặc lãnh đạo của điều tra viên.
Một số đề xuất, kiến nghị
Theo tác giả, các cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn để áp dụng pháp luật được thống nhất đối với Điều 296 BLTTHS hiện hành. Quy định rõ thế nào là “khi xét thấy cần thiết” phải triệu tập điều tra viên đến phiên tòa.
Tại phiên tòa, khi có người yêu cầu cần triệu tập điều tra viên đến phiên tòa thì HĐXX cần xem xét một cách kỹ cưỡng, yêu cầu người yêu cầu triệu tập cần đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu triệu tập của mình là cần thiết từ đó tránh việc hoãn phiên tòa không đúng gây tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc của các bên liên quan.
Khi có yêu cầu triệu tập của một người nào đó, HĐXX cần căn cứ vào các tài liệu vụ án đã nghiên cứu trước đó, căn cứ vào thực tế diễn biến tại phiên tòa, xem xét một cách kỹ lưỡng việc vắng mặt của điều tra viên không ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án, ảnh hưởng tới sự thật khách quan của vụ án thì HĐXX bác yêu cầu của bị cáo hoặc Luật sư.
Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần hướng dẫn về việc xác định tư cách của điều tra viên khi được triệu tập đến phiên tòa sẽ là gì để tránh việc điều tra viên cho rằng HĐXX xác định sai tư cách của họ nên họ không đến phiên tòa, từ đó làm ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ án đặc biệt nếu việc triệu tập điều tra viên là thật sự cần thiết. Hơn nữa theo tác giả bản thân các điều tra viên cũng cần tôn trọng HĐXX để có mặt kịp thời khi có triệu tập, đây là sự tuân thủ pháp luật, vì rõ ràng từ thực tiễn thì quy định này đã rất hợp lý và cần được tuân thủ. Ngoài ra trong các trường hợp khi HĐXX cần triệu tập điều tra viên thì cũng cần có sự phối hợp giữa Tòa án và Cơ quan Điều tra hoặc xây dựng quy chế phối hợp trong vấn đề này để có thể kịp thời giải quyết nhanh chóng khi có yêu cầu thực tiễn phát sinh.
VŨ VIỆT PHƯƠNG
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 1
Một số vướng mắc về tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ