/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện về chế định án treo

Một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện về chế định án treo

24/11/2024 06:36 |

(LSVN) - Chế định án treo được quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự (BLHS) và được hướng dẫn theo Nghị quyết số 02/VBHN-TANDTC ngày 07/9/2022 của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC). Theo đó, án treo được hiểu là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù [1]. Qua áp dụng chế định này trên thực tế, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì vẫn còn bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Một số vướng mắc, bất cập

Thứ nhất, chưa quy định việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong thời điểm từ khi Toà án tuyên án cho đến khi có quyết định phân công người giám sát, giáo dục.

Theo khoản 1, 2 Điều 65 BLHS quy định: “1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó”.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Theo Điều 5 Nghị quyết số 02/VBHN-TANDTC ngày 07/9/2022 của TANDTC quy định 9 trường hợp tính thời gian thử thách của án treo, theo đó thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo được xác định kể từ ngày Tòa án tuyên án và ngay từ khi tuyên bản án treo thì Tòa án đã ấn định thời gian thử thách và đồng thời giao người đó cho tổ chức nơi họ làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú để giám sát, giáo dục.

Thời gian thử thách tính từ ngày Tòa án tuyên án cho hưởng án treo, đồng thời trong thời gian này người phạm tội phải chấp hành quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS: “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”.

Việc kiểm tra giám sát người được hưởng án treo có tuân theo các quy định của pháp luật trong thời gian thử thách hay không, phải được bắt đầu tính từ thời điểm ngày tuyên bản án cho đến khi người chấp hành án chấp hành xong thời gian thử thách. Nhưng theo quy định của Luật Thi hành án hình sự cho thấy hồ sơ chấp hành án treo chỉ được lập kể từ khi có Quyết định thi hành án và khi hồ sơ được giao cho UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục. Do đó, trong thời gian từ khi Tòa án tuyên án đến khi có Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục thì sẽ không có ai giám sát, giáo dục người phạm tội.

Thứ hai, xác định thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án nhưng cho hưởng án treo đã bị tạm giữ, tạm giam.

Theo Điều 4a Nghị quyết số 02/VBHN-TANDTC ngày 07/9/2022 của TANDTC thì: “Thời gian đã tạm giữ, tạm giam đối với người bị kết án nhưng cho hưởng án treo không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù để ấn định thời gian thử thách. Trường hợp trong thời gian thử thách nếu họ phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì khi giải quyết Tòa án trừ thời gian họ đã bị tạm giữ, tạm giam này vào thời gian chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo hoặc bản án mới”.

Trên thực tế việc áp dụng quy định này còn chưa phù hợp như sau: ví dụ: A, B và C phạm tội đánh bạc, A bị cấm đi khỏi nơi cư trú, B và C bị bắt tạm giam 03 tháng, đến khi xét xử Tòa án tuyên phạt A và B 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 30 tháng, C 15 tháng cải tạo không giam giữ nhưng được trừ 03 tháng tạm giam. Như vậy, thời gian B bị tạm giam 3 tháng không được trừ vào thời gian thử thách. Điều này gây bất lợi cho B, trong khi C bị xử phạt cải tạo không giam giữ thì thời hạn cải tạo không giam giữ lại được trừ cho thời gian tạm giữ, tạm giam, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ (Điều 36 BLHS) và A cũng cho hưởng án treo nhưng thời gian thử thách của A và B bằng nhau trong khi B đã bị tạm giam 03 tháng. Từ thực tiễn nêu trên, tác giả nhận thấy rõ ràng có sự không công bằng đối với những bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam và khi xét xử cho hưởng án treo khi so sánh với hình phạt cải tạo không giam giữ và khi so sánh giữ hai bị cáo cùng cho hưởng án treo nhưng một bị cáo bị tạm giữ, tạm giam và một bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam.

Kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, pháp luật hiện hành chưa quy định về việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong thời điểm từ khi Toà án tuyên án cho đến khi có quyết định phân công người giám sát, giáo dục và trên thực tế nếu chưa có Quyết định thi hành án và Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục thì sẽ không có ai chịu trách nhiệm về vấn đề này. Do đó, theo tác giả cần tính thời điểm bắt đầu thời gian thử thách là khi có Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục thì sẽ đảm bảo chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, cần quy định trừ thời gian tạm giữ, tạm giam khi tính thời gian thử thách cho bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam mà khi xét xử được hưởng án treo để tránh bất lợi, đảm bảo tính công bằng khi áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo và hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc giữa bị cáo bị tạm giam và bị cáo không bị tạm giam. Theo quan điểm của tác giả, có thể quy định: trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời gian thử thách, cứ 01 ngày tạm giam bằng 02 ngày hoặc 03 ngày thử thách.

[1] Điều 1 Nghị quyết số 02/VBHN-TANDTC ngày 07/9/2022 của Tòa án nhân dân tối cao.

 

HUỲNH HẢI DUY

Tòa án quân sự Quân khu 9

Các tin khác