/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Một số vướng mắc trong trường hợp người bị buộc tội trốn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

Một số vướng mắc trong trường hợp người bị buộc tội trốn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự tại tòa án cho thấy có một số trường hợp người bị buộc tội (bị can, bị cáo) bị ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng sau đó bỏ trốn. Trường hợp này có hai tình huống xảy ra, đó là: bị can bỏ trốn trước khi tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và bị cáo bỏ trốn sau khi tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng trước thời điểm mở phiên tòa.

Ảnh minh họa.

Đối với trường hợp trên, Bộ luật Tố tung hình sự năm 2015 có quy định như sau: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nếu không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu (tức bị can, bị cáo đã bỏ trốn) mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can, bị cáo trước khi ra quyết định tạm đình chỉ vụ án (điểm b khoản 1 Điều 181). Như vậy, một số câu hỏi được đặt ra trong thực tiễn như sau:

Thứ nhất, nếu sau khi ra quyết định tạm đình chỉ vụ án mà việc truy nã bị can, bị cáo không có kết quả thì giải quyết như thế nào?

Thứ hai, cơ quan điều tra phải thông báo kết quả truy nã bị can, bị cáo cho tòa án biết trong thời hạn bao lâu, nếu việc truy nã không kết quả?

Thứ ba, nếu hết thời gian đó mà cơ quan điều tra chưa thông báo kết quả truy nã cho tòa án thì giải quyết như thế nào?

Thứ tư, nếu cơ quan điều tra thông báo cho tòa án biết việc truy nã không kết quả nhưng thời hạn chuẩn bị xét xử vẫn còn thì giải quyết như thế nào?

Bốn vấn đề này hiện nay không được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể nên thực tiễn còn có quan điểm khác nhau. Trước đây, tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã như sau:

“1. Trường hợp viện kiểm sát đã ra quyết định truy tố bị can và đã giao bản cáo trạng cho bị can nhưng chưa chuyển hồ sơ vụ án cho tòa án mà nhận được thông tin về việc bị can bỏ trốn, thì viện kiểm sát vẫn chuyển hồ sơ vụ án cho tòa án để thụ lý, xét xử và thông báo cho tòa án biết việc bị can đã bỏ trốn để tòa án yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can.

2. Trong trường hợp nhận được thông báo của viện kiểm sát về việc bị can bỏ trốn sau khi đã được giao bản cáo trạng (không phân biệt hồ sơ vụ án đã được chuyển giao cho tòa án hay chưa) cũng như trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nếu bị can bỏ trốn thì tòa án yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can và vẫn tiến hành các công việc theo thủ tục chung.

Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 Bộ luật Tố tụng hình sự mà việc truy nã bị can vẫn chưa có kết quả, thì tòa án áp dụng Điều 180 Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.

Trường hợp đã mở phiên tòa mà bị cáo bỏ trốn, thì hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

3. Đối với các trường hợp được hướng dẫn tại khoản 2 Điều này mà trong vụ án có nhiều bị can, bị cáo, trong đó có bị can, bị cáo bỏ trốn, có bị can, bị cáo không bỏ trốn, thì tòa án vẫn ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với tất cả các bị can, bị cáo. Đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam không bỏ trốn, mà thời hạn tạm giam đã hết và nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì tòa án áp dụng Điều 177 Bộ luật Tố tụng hình sự ra lệnh tạm giam.

Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà việc truy nã vẫn chưa có kết quả, thì tòa án phải ra ngay quyết định đưa vụ án ra xét xử và tòa án xét xử vắng mặt bị cáo bỏ trốn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự.

4. Khi nhận được văn bản của tòa án yêu cầu truy nã bị can, bị cáo, cơ quan điều tra ra ngay quyết định truy nã và gửi thông báo quyết định truy nã theo đúng quy định tại Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch này.

Nếu hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có công văn yêu cầu mà việc truy nã vẫn chưa có kết quả thì cơ quan điều tra ra quyết định truy nã phải thông báo cho tòa án biết để tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vắng mặt người bị truy nã theo điểm a khoản 2 Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Theo hướng dẫn trên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, nếu bị can, bị cáo bỏ trốn thì tòa án gửi công văn yêu cầu cơ quan điều tra truy nã và tiến hành công việc theo thủ tục chung. Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà việc truy nã không có kết quả thì tòa án ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có công văn yêu cầu mà việc truy nã vẫn chưa có kết quả thì cơ quan điều tra ra quyết định truy nã phải thông báo cho tòa án biết để tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vắng mặt người bị truy nã.

Tuy nhiên, theo tác giả, Thông tư liên tịch này chưa hướng dẫn hết các trường hợp có liên quan đó là: trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, nếu tòa án gửi công văn yêu cầu cơ quan điều tra truy nã và cơ quan điều tra đã thông báo cho tòa án biết là việc truy nã không có kết quả nhưng thời hạn chuẩn bị xét xử chưa hết thì giải quyết như thế nào (tòa án tạm đình chỉ vụ án hay quyết định đưa vụ án ra xét xử vắng mặt người bị truy nã); nếu hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận công văn yêu cầu truy nã bị can, bị cáo của tòa án mà cơ quan điều tra vẫn chưa thông báo kết quả truy nã cho tòa án thì giải quyết như thế nào?

Hiện nay, phần đông có quan điểm cho rằng cần áp dụng tinh thần hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC để giải quyết tương tự vấn đề thứ nhất và vấn đề thứ hai. Nghĩa là, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, nếu bị can, bị cáo bỏ trốn thì tòa án gửi công văn yêu cầu cơ quan điều tra truy nã và tiến hành công việc theo thủ tục chung. Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà việc truy nã không có kết quả thì tòa án ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã phải thông báo cho tòa án biết để tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vắng mặt người bị truy nã sau khi hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có công văn yêu cầu mà việc truy nã vẫn chưa có kết quả.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng đây là hướng dẫn các quy định của Bộ luật Tố tụng năm 2003 nên không áp dụng cho các quy định của Bộ luật Tố tụng  năm 2015, vì việc quy định cơ quan điều tra ra quyết định truy nã phải thông báo cho tòa án biết để tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vắng mặt người bị truy nã sau khi hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có công văn yêu cầu mà việc truy nã vẫn chưa có kết quả phải dựa trên cơ sở pháp lý đang có hiệu lực pháp luật.

Đối với vấn đề thứ ba, phần lớn các quan điểm cho rằng, nếu hết thời gian 01 tháng, kể từ ngày gửi công văn yêu cầu truy nã bị can, bị cáo cho cơ quan điều tra mà cơ quan điều tra chưa gửi thông báo kết quả truy nã cho tòa án thì tòa án cần chủ động gửi văn bản yêu cầu cơ quan điều tra thông báo kết quả cho tòa án biết. Nếu thông báo của cơ quan điều tra cho biết việc truy nã chưa có kết quả thì tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử để xét xử vắng mặt người bị truy nã. Đối với vấn đề thứ tư, nếu tòa án nhận được thông báo của cơ quan điều tra cho biết việc truy nã chưa có kết quả mà thời hạn chuẩn bị xét xử chưa hết thì tòa án vẫn tiến hành công việc theo thủ tục chung. Khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà việc truy nã tiếp tục không có kết quả thì tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử bị cáo bị truy nã.

Tuy nhiên, để có căn cứ pháp lý cũng như việc thống nhất áp dụng pháp luật khi giải quyết các vấn đề nêu trên thì cần có giải đáp hoặc hướng dẫn áp dụng pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao. Tác giả cũng mong bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi thêm các vấn đề nêu trên để việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thống nhất.

DƯƠNG THANH

/lay-nguon-tien-tu-dau-de-boi-thuong-cho-cac-vu-an-oan-sai.html