Một số vướng mắc và kiến nghị về thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù theo quy định hiện hành

14/09/2022 22:44 | 1 năm trước

(LSVN) - Hoãn chấp hành án phạt tù là một chế định được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam, thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù. Hiện nay, thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù đã được quy định tương đối đầy đủ, tuy nhiên, trên thực tế áp dụng vẫn còn một số vướng mắc nhất định.

Ảnh minh họa.

1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù

Khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định 4 trường hợp được xem xét hoãn chấp hành án phạt tù như sau:

- Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được phục hồi;

- Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;

- Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

- Bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ thì được hoãn đến 01 năm.

Về thẩm quyền ra quyết định hoãn thi hành án phạt tù

Thẩm quyền ra quyết định hoãn thi hành án phạt tù thuộc về Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phạt tù với người bị kết án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 44 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 [1].

Về thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 24 Luật Thi hành án hình sự 2019: 

“1. Đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể tự mình hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp Quân khu nơi người chấp hành án làm việc hoặc cư trú ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù. Đơn đề nghị hoặc văn bản đề nghị phải được gửi cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án kèm theo các giấy tờ có liên quan.

2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định. Trường hợp không đồng ý hoãn chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải có văn bản trả lời người có đơn đề nghị hoặc cơ quan có văn bản và thông báo cho Viện Kiểm sát cùng cấp, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận”. 

Sau khi ra quyết định hoãn thi hành án phạt tù, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cá nhân và các cơ quan theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 [2].

Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12 tháng 8 năm 2021 quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục hoãn, miễn chấp hành án phạt tù (Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT) đã quy định khá chi tiết về thủ tục gửi đơn đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, hồ sơ đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù và thủ tục xem xét hoãn chấp hành án phạt tù tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Thông tư liên tịch này [3].

2. Một số vướng mắc trong thực tiễn

Mặc dù Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT đã quy định khá chi tiết về thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù, tuy nhiên, trên thực tiễn vẫn còn xảy ra một số vướng mắc nhất định.

Thứ nhất, quy định không đầy đủ về biểu mẫu văn bản.

Tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT quy định: “Ngay sau khi nhận được đơn, văn bản, tài liệu, hồ sơ đề nghị xem xét hoãn chấp hành án phạt tù Tòa án phải thông báo bằng văn bản về việc đang xem xét quyết định hoãn chấp hành án phạt tù cho Viện Kiểm sát cùng cấp để thực hiện chức năng kiểm sát (nếu Viện Kiểm sát không có văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù); cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp Quân khu để ngừng việc làm thủ tục đưa người chấp hành án phạt tù đi chấp hành án và không thực hiện áp giải thi hành án”.

Bên cạnh đó, điểm a khoản 3 Điều 7 Thông tư này quy định: “Trường hợp không đủ căn cứ hoãn chấp hành án phạt tù thì không ra quyết định hoãn và có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Văn bản này có thể bị khiếu nại hoặc kiến nghị theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và phải được gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Thi hành án hình sự”.

Có thể thấy, Điều 7 của Thông tư này quy định 2 biểu mẫu văn bản trong việc thực hiện thủ tục xem xét hoãn chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên, tại Điều 4 của Thông tư này về quy định mẫu các văn bản ban hành kèm theo thông tư lại chỉ có 6 biểu mẫu văn bản [4], không có quy định về 2 biểu mẫu văn bản được quy định trong Điều 7. Điều đó sẽ dẫn tới khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật về thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù. Cụ thể, cùng một “Thông báo về việc đang xem xét quyết định hoãn chấp hành án phạt tù” ở khoản 1 Điều 7 Thông tư này sẽ được áp dụng một cách tùy nghi, không thống nhất về biểu mẫu văn bản giữa các Tòa án.

Mặt khác, theo điểm a khoản 3 Điều 7, trong trường hợp không có đủ căn cứ hoãn chấp hành án phạt tù “Tòa án không ra quyết định và có văn bản trả lời trong đó nêu rõ lý do”. Vậy, “văn bản trả lời” theo quy định ở đây là dạng văn bản gì, là thông báo hay một loại văn bản nào khác? Rõ ràng việc quy định một cách tùy nghi như vậy sẽ dẫn đến những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, mỗi nơi một cách hiểu khác nhau, không tạo được sự thống nhất trong việc ban hành các văn bản giữa các Tòa án.

Thứ hai, vướng mắc trong việc quy định không thống nhất trong nội dung quyết định hoãn chấp hành án phạt tù và biểu mẫu quyết định hoãn chấp hành án phạt tù ban hành kèm theo.

Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT quy định quyết định hoãn chấp hành án phạt tù có các nội dung sau:

- Ngày, tháng, năm ra quyết định;

- Tòa án ra quyết định;

- Ghi rõ họ tên, chức vụ người ra quyết định;

- Số, ngày, tháng, năm của Bản án, quyết định được thi hành;

- Số, ngày, tháng, năm của Quyết định thi hành án phạt tù;

- Họ tên, năm sinh, nơi cư trú của người được hoãn chấp hành án phạt tù;

- Lý do được hoãn chấp hành án phạt tù;

- Tên cơ quan thi hành án hình sự, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được hoãn chấp hành án phạt tù;

- Thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù và hiệu lực thi hành”. 

Biểu mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này quy định về biểu mẫu quyết định hoãn chấp hành án phạt tù lại không có quy định về nội dung được quy định tại điểm d khoản 4 của Điều 7 [5]. Việc quy định không thống nhất giữa nội dung của điều luật và biểu mẫu quyết định sẽ gây ra vướng mắc trong việc áp dụng trên thực tế. 

3. Đề xuất, kiến nghị

Từ những vướng mắc đã nêu, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, bổ sung thêm 2 mẫu văn bản theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT ngày 12 tháng 8 năm 2021. Cần quy định rõ biểu mẫu của 2 văn bản này và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu như quy định về biểu mẫu đã ban hành kèm theo Thông tư.

Thứ hai, bổ sung thêm nội dung tại điểm d khoản 1 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT ngày 12 tháng 8 năm 2021 về “Số, ngày, tháng, năm của Bản án, Quyết định được thi hành” vào biểu mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư. Cụ thể bổ sung vào dòng thứ 4 khoản 1 của Quyết định như sau:

“Xử phạt … theo điểm (các điểm) … khoản (các khoản) … Điều (các Điều) … của Bộ luật Hình sự tại Bản án hình sự sơ thẩm (phúc thẩm) số … ngày … tháng … năm của Tòa án …”.

[1] Xem Điều 44 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021;

[2] Xem khoản 3 Điều 24 Luật Thi hành án hình sự 2019;

[3] Xem Điều 5, Điều 6, Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12 tháng 8 năm 2021;

[4] Xem Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT -TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12 tháng 8 năm 2021;

[5] Xem biểu mẫu số 02 ban hành kèm theo thông tư liên tịch 01/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12 tháng 8 năm 2021 và Hướng dẫn sử dụng biểu mẫu số 02.

LÊ XUÂN QUANG

Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 1

Hà Nội chính thức hỗ trợ nhân viên y tế