Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). Dự thảo Nghị quyết được xây dựng gồm 6 chương, 29 điều.
Ảnh minh họa.
Theo đó, việc bãi nhiệm đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND được tiến hành ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu, hoặc ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu đã chuyển đến sinh hoạt. Cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND được công nhận hợp lệ khi có quá nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bỏ phiếu.
Ngày bỏ phiếu phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu bãi nhiệm. Thường trực HĐND quyết định việc đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND cấp mình theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và công bố ngày bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND...
Sau khi nghiên cứu dự thảo Nghị quyết tác giả xin tham gia một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, khoản 1 Điều 6 dự thảo Nghị quyết quy định: "1. Chậm nhất là 50ngày trước ngày bỏ phiếu bãi nhiệm, Uỷ ban nhân dâncấp tỉnh, cấp huyện, cấp xãsau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp,quyết định thành lập Ban tổ chứcbãi nhiệmđại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình, gồm đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và đại diện cử tri ở địa phương".
Khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị quyết quy định: "1. Chậm nhất là 45 ngày trước ngày bỏ phiếu bãi nhiệm, Uỷ ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ công tác bãi nhiệm từ 09 đến 11 người, gồm đại diện của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đại diện cử tri".
Tác giả kiến nghị cần làm rõ đại diện của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là những cơ quan, đơn vị, tổ chức nào (đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; Đoàn Thanh niên; Hội Phụ nữ; Hội Nông dân;...) và đại diện cử tri là những cá nhân nào (trưởng thôn, già làng hoặc người có uy tín...)?
Thứ hai, khoản 3 Điều 7 dự thảo Nghị quyết quy định: "3. Tổ công tác bãi nhiệm có Tổ trưởng, Thư ký và các ủy viên".
Tác giả cho rằng cần sửa đổi nội dung này như sau: "3. Tổ công tác bãi nhiệm có Tổ trưởng, Tổ phó, các Tổ viên và Thư ký".
Thứ ba, đề nghị bổ sung câu cuối Điều 13 dự thảo nghị quyết như sau: "...Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân huyện (nơi không tổ chức đơn vị hành chính xã, thị trấn) phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.
Thứ tư, về khoản 4 Điều 24 dự thảo nghị quyết, tác giả chọn Phương án 2: "Đại biểu Hội đồng nhân dân bị bãi nhiệm khi có quá nửa tổng số phiếu hợp lệcủacử tri ởđơn vị bãi nhiệmđồng ý bãi nhiệm.".
Lý do là phù hợp với nguyên tắc xác định người trúng cử theo quy định tại Điều 78 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.
Thứ năm, do việc khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đến việc bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân có tính đặc thù như: giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bãi nhiệm của Tổ công tác bãi nhiệm; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ công tác bãi nhiệm hoặc khiếu nại, tố cáo về việc kiểm phiếu...
Do đó, cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân trong dự thảo Nghị quyết để áp dụng đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum