Ảnh minh họa.
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những tình tiết của vụ án hình sự, liên quan đến việc giải quyết trách nhiệm hình sự, có ý nghĩa làm giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phản ánh về khả năng cải tạo trở thành người có ích cho xã hội và chưa được ghi nhận trong chế tài pháp lý hình sự. Việc quy định các tình tiết giảm nhẹ là phù hợp, có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm việc thực hiện nguyên tắc công bằng xã hội, tính nhân đạo trong lĩnh vực pháp luật hình sự.
Theo Điều 51 Bộ luật Hình sự (BLHS), có 22 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 và tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2. Đối với khoản 1, đây là các tình tiết được quy định rõ ràng, cụ thể và Tòa án phải cho người phạm tội được hưởng nếu người đó đáp ứng đủ dấu hiệu của tình tiết.
Đối với khoản 2, BLHS trao quyền cho Tòa án có thể xem xét, quyết định cho hoặc không cho người phạm tội hưởng các tình tiết giảm nhẹ khác, các tình tiết này không được quy định cụ thể, tạo sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong áp dụng pháp luật. Mặc dù có sự khác nhau, nhưng trên thực tế dù là các tình tiết ở khoản 1 hay khoản 2 cũng đều có những sự không thống nhất, không đồng bộ. Trong phạm vi bài viết, tác giả đưa ra một số ý kiến nhằm thống nhất việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ.
Trước tiên, một số tình tiết còn quy định chung chung dẫn đến các quan điểm khác nhau. Ví dụ, tình tiết “bồi thường thiệt hại”, có quan điểm cho rằng bồi thường một phần dù nhỏ vẫn áp dụng tình tiết này; có quan điểm lại cho rằng phải bồi thường đáng kể mới áp dụng tình tiết này; lại có quan điểm cho rằng nếu bị cáo đã bán hết tài sản nhưng cũng chỉ bồi thường được một phần rất nhỏ so với hậu quả xảy ra thì cũng phải áp dụng… Hay tình tiết “gây thiệt hại không lớn”, đó là những thiệt hại gì, trực tiếp hay gián tiếp, mức độ, giá trị bao nhiêu thì được coi là không lớn… Đây là những tình tiết không thể đưa ra một quy chuẩn chung, mà dựa trên cơ sở xem xét, đánh giá của HĐXX về tất cả các vấn đề của vụ án. Ví dụ để xác định tình tiết “bồi thường thiệt hại” còn tùy thuộc vào mức thiệt hại, khả năng kinh tế của bị cáo, nếu bị cáo đã bán hết tài sản để bồi thường được một phần rất nhỏ thì nên xem xét áp dụng tình tiết “ăn năn, hối cải” mà không áp dụng tình tiết bồi thường thiệt hại.
Do đó, khi xem xét phải xem xét cả về hành vi, nhân thân và các điều kiện khác của người phạm tội, trên cơ sở phù hợp với chính trường hợp đó, tránh theo số đông, tránh lấy mặt bằng chung để đánh giá.
Thứ hai, một số tình tiết là tình tiết ghép, bao gồm các tình tiết nhỏ. Ví dụ tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”; “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”; “người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, sản xuất, học tập hoặc công tác”… Đối với những tình tiết này, có quan điểm cho rằng BLHS quy định chưa hợp lý vì đây là những tình tiết độc lập.
Do đó, nếu người phạm tội đáp ứng các tình tiết nhỏ thì phải cho tính cho họ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ khác nhau. Tác giả không đồng ý với quan điểm đó. Đối với những tình tiết này, chúng ta phải hiểu việc quy định như hiện nay là rất phù hợp, các tình tiết nhỏ là những tình tiết khác nhau, nhưng chúng có cùng bản chất với nhau, cùng hướng đến thể hiện đặc điểm nhân thân của người phạm tội.
Ví dụ: Người phạm tội có tự nguyện sửa chữa các hư hỏng; bồi thường thiệt hại cho bị hại và khắc phục hậu quả thì cũng chỉ được hưởng 01 tình tiết giảm nhẹ, bởi vì chúng đều có cùng bản chất là người đó có trách nhiệm với hậu quả của hành vi do mình gây ra.
Thứ ba, tình tiết “người phạm tội là phụ nữ có thai”. Hiện nay, còn có những quan điểm xoay quanh việc xác định người phạm tội là phụ nữ có thai ở giai đoạn nào của quá trình tố tụng. Có quan điểm cho rằng, phụ nữ khi mang thai mà thực hiện hành vi phạm tội thì mới được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 BLHS. Do phụ nữ trong giai đoạn mang thai thì thay đổi nhiều về mặt tâm sinh lý, do vậy, việc cho họ hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 BLHS là phù hợp.
Tác giả không đồng ý với quan điểm này và cho rằng, chỉ cần đến khi xét xử mạ phụ nữ có thai thì có thể xem xét áp dụng cho họ hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Bởi vì tình tiết giảm nhẹ đặt ra là nhằm giảm nhẹ TNHS cho người phạm tội, mà một bộ phận của TNHS là việc phải chịu hình phạt, do đó, tại giai đoạn xét xử mới mang thai thì vẫn được hưởng TTGN mới đúng bản chất.
Thứ tư, tình tiết “người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ”. Có quan điểm so sánh giữa tình tiết này và quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội quy định thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm “cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ".
Như vậy ngoài các đối tượng được quy định tại điểm x, khoản 1 Điều 51 BLHS còn một đối tượng khác được pháp lệnh quy định là thân nhân của liệt sĩ là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ. Từ đó, đề xuất bổ sung đối tượng “người có công nuôi dưỡng liệt sĩ” vào điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS. Tác giả không đồng ý với quan điểm này bởi vì rõ ràng giữa hai nhóm “cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ” và “người có công nuôi dưỡng liệt sĩ” là hai nhóm hoàn toàn khác nhau, có mối liên hệ và bản chất khác nhau. Pháp lệnh quy định “người nuôi dưỡng liệt sĩ” là người được hưởng chế độ ưu đãi là nhằm hỗ trợ cho việc nuôi dưỡng liệt sĩ, do đó không thể xếp chung với nhóm thứ nhất. Tuy nhiên, HĐXX có thể xem xét cho hưởng tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51 BLHS.
Thứ năm, việc xem xét “đầu thú” là tình tiết giảm nhẹ. Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự quy định “Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy đa phần các vụ án có người phạm tội đầu thú thì đều được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này, nhưng có nhiều bản án lại không nhận định vì sao cho hưởng tình tiết giảm nhẹ đó.
Tác giả cho rằng, tính chất của việc đầu thú là một người sau khi bị phát hiện đã tình nguyện trình diện và khai báo về hành vi phạm tội của mình. Việc đầu thú cũng thể hiện giá trị nhất định bởi đây là điều kiện để cơ quan có thẩm quyền có thể giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời.
Do đó, tác giả cho rằng việc cho hưởng TTGN là hợp lý và để thống nhất trong áp dụng thì nên quy định rõ đây là tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS.
VĂN LINH
Tòa án quân sự Khu vực Hải quân