Ảnh minh họa.
Điều kiện để được bồi thường bệnh nghề nghiệp?
Theo Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo khoản 9, Điều 3, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện làm việc có hại, tác động đến sức khỏe người lao động.
Căn cứ khoản 1, Điều 3, Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH, các trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp sau đây sẽ được bồi thường:
- Người lao động bị bệnh nghề nghiệp khiến khả năng lao động bị suy giảm từ 5% trở lên khi đang làm việc cho người sử dụng lao động, hoặc trước khi nghỉ hưu, trước khi thôi việc, trước khi chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác.
- Người lao động bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc cho người sử dụng lao động, hoặc trước khi nghỉ hưu, trước khi thôi việc, trước khi chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác.
Lưu ý: Bệnh nghề nghiệp được đề cập ở đây phải là một trong các bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp cho Bộ Y tế ban hành tại Thông tư 15/2016/TT-BYT.
Mức bồi thường bệnh nghề nghiệp được quy định thế nào?
Căn cứ khoản 4, Điều 38, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và khoản 3, Điều 3, Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH, người lao động mắc bệnh nghề nghiệp sẽ được doanh nghiệp bồi thường như sau:
- Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 5% - 10%: Được bồi thường ít nhất 1,5 tháng tiền lương.
- Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 11 - 80%: Được bồi thường theo công thức sau:
Tiền bồi thường = 1,5 tháng lương + (Tỉ lệ suy giảm khả năng lao động - 10) x 0,4
- Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết: Được bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương.
Trong đó, tiền lương làm căn cứ bồi thường cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp được xác định là mức bình quân tiền lương của 06 tháng liền kề trước khi bị bệnh nghề nghiệp.
Số tiền bồi thường trả cho người lao động được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Lần bồi thường thứ nhất: Căn cứ vào tỉ lệ % suy giảm khả năng lao động trong lần khám đầu.
- Từ lần bồi thường thứ hai trở đi: Căn cứ vào tỉ lệ % suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch so với kết quả giám định ngay trước đó.
Ví dụ:
- Ông A. bị bệnh nghề nghiệp, giám định sức khỏe lần thứ nhất được xác định mức suy giảm khả năng lao động là 25%. Mức bồi thường lần cho ông A. lần này được tính như sau:
Mức bồi thường = 1,5 + (20 - 10) x 0,4 = 5,5 tháng lương.
- Định kỳ, ông A. đi giám định sức khỏe lần thứ hai thì mức suy giảm khả năng lao động đã tăng lên thành 45%. Mức bồi thường lần thứ hai cho ông A. là:
Mức bồi thường = (45 - 25) x 0,4 = 08 tháng lương.
Không bồi thường bệnh nghề nghiệp, doanh nghiệp có bị phạt?
Theo Điều 7, Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH, sau khi nhận được biên bản giám định mức độ suy giảm khả năng lao động, doanh nghiệp phải ra quyết định bồi thường bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong 05 ngày làm việc.
Trong 05 ngày sau khi có quyết định bồi thường, doanh nghiệp phải thực hiện thanh toán 01 lần cho người lao động.
Trường hợp cố tình không trả hoặc có trả nhưng trả không đầy đủ tiền bồi thường bệnh nghề nghiệp, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm e, khoản 1, Điều 23, Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
"1. Phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 04 triệu đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
e) Không thực hiện hoặc thực hiện không đủ hoặc thực hiện không đúng thời hạn việc bồi thường hoặc chế độ trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật".
Như vậy, người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 02 - 04 triệu đồng/người lao động bị xâm phạm quyền lợi nhưng cũng chỉ tối đa là 75 triệu đồng.
Trong khi đó, người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi từ 04 - 08 triệu đồng/người lao động bị xâm phạm quyền lợi nhưng cũng chỉ phạt tối đa 150 triệu đồng (theo khoản 1, Điều 6, Nghị định 12/2022).
VŨ QUÝ