Ảnh minh họa.
Thời gian gần đây, nhiều người livestream, quảng bá buôn bán, lưu hành hàng giả, sản phẩm kém chất lượng nhằm mục đích trục lợi, kiếm lời trên mạng, trong đó có mạng xã hội Tik Tok. Mặc dù, mạng xã hội này đã có tuyên bố nghiêm cấm hàng giả, yêu cầu tất cả sản phẩm bán trên nền tảng là hàng thật và bảo vệ chủ sở hữu khỏi tình trạng vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, bằng nhiều thủ thuật đơn giản, các gian thương vẫn tìm ra cách để sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng qua mặt nền tảng. Theo đó, để bán mặt hàng nhái thương hiệu, người bán cần che mọi logo nhận diện trên sản phẩm hoặc bao bì, vỏ hộp. Khi thiết lập mô tả sản phẩm, họ cũng không được lồng ghép tên thương hiệu mà chỉ dùng biểu tượng hoặc từ nói lái, chung chung như quần áo, túi xách, mỹ phẩm.
Mặc dù, TikTok quản lý rất chặt chẽ các mặt hàng liên quan đến bà bầu, mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng; gian hàng muốn kinh doanh các mặt hàng này phải cung cấp rất nhiều giấy xác nhận, chứng từ cấp phép khác nhau.
Vậy, trong trường hợp trên ai sẽ là người chịu trách nhiệm?; pháp luật quy định về vấn đề này thế nào?. Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, buôn bán hàng giả là hành vi trái pháp luật, tùy theo nội dung, tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tại điểm b, khoản 1, Điều 4, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ đã có quy định cấm các hành vi: “Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh”.
Theo đó, Luật sư cho hay, đối với tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái tràn lan trên TikTok như hiện nay thì trách nhiệm thuộc về cả người bán hàng và TikTok.
Cụ thể, tại Điều 36, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ quy định: Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó các trách nhiệm: "8. Có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử: a) Ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật; b) Gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; c) Phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy trình, thủ tục công bố tại Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử; d) Cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật; đ) Các biện pháp khác theo Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử".
Nếu sàn giao dịch thương mại điện tử có vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 64, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ, theo đó, tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể bị xử phạt đối với các hành vi như: Hành vi “không có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động được thực hiện chính xác, đầy đủ” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (điểm d, khoản 3, Điều 64); “ không có biện pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động những thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật và hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định” sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (điểm d, khoản 4, Điều 64), và “không có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử” sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (điểm a, khoản 5, Điều 64).
Đối với người bán hàng vi phạm thì tùy theo nội dung, tính chất và mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các Điều 9, Điều 11 và Điều 13, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ. Ngoài ra, tại điểm b, khoản 3, Điều 63 của Nghị định này cũng quy định các hành vi “cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Luật sư cũng cho biết, các mức phạt tiền nêu trên là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
Ngoài ra, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả” (Điều 192, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt là bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, hoặc thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, hoặc thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thì các đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý về các tội danh tương ứng là tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” (Điều 193); tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" (Điều 194), hoặc tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi” (Điều 195) của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Thu thuế thế nào?
Liên quan tới vấn đề thu thuế mạng xã hội, Luật sư Nguyễn Đức Hùng nhận định, bán hàng online là một hình thức kinh doanh nên khi phát sinh doanh thu, lợi nhuận thì những tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh bán hàng online sẽ phải có trách nhiệm nộp thuế theo quy định của pháp luật. Và các sàn giao dịch điện tử sẽ không có trách nhiệm nộp thuế thay cho các tổ chức, cá nhân bán hàng bằng hình thức online. Tuy nhiên, các sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại khoản 8, Điều 27, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, sử đổi, bổ sung tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế: "Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn. Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố".
Theo Luật sư, quy định này sẽ giúp cho cơ quan thuế có thể kiểm soát được hoạt động kinh doanh bán hàng online và chống thất thu thuế trong hoạt động này. Tuy nhiên, các mạng xã hội là không gian xuyên biên giới, và không phải lúc nào cũng có thể coi đó là một Website hay một sàn giao dịch thương mại điện tử (theo quy định của pháp luật Việt Nam). Do đó, thực tế vẫn có nhiều vướng mắc và khó khăn rất lớn về mặt pháp lý, để chúng ta có thể quản lý hay thu thuế một cách hiệu quả từ những hoạt động bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội. Mặt khác, việc bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội (TikTok hay facebook) chủ yếu là tự phát, không có đăng ký hoặc thông qua sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng, người bán hàng thường không có địa chỉ chính xác, rõ ràng. Trong khi đó, việc tự giám sát, kiểm duyệt của các mạng xã hội còn nhiều hạn chế, không thể bao quát, giám sát được tất cả các nội dung đăng tải. Những điều đó đã tạo ra kẽ hở rất lớn, biến các mạng xã hội trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho vấn nạn buốn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng, gây thiệt hại cho nên kinh tế.
"Để có thể ngăn chặn và hạn chế tình trạng này cần sự vào cuộc quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng (quản lý thị trường, an ninh mạng, thông tin và truyền thông...), cũng như sự hợp tác của các mạng xã hội. Muốn vậy, các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp lý, các cơ chế, cách thức hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cũng như trách nhiệm của các mạng xã hội trong việc phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các nội dung hay hành vi vi phạm pháp luật", Luật sư nói.
HOÀNG VŨ