Những ngày nằm trong tù ngẫm nghĩ, Năm Cam nhận ra một điều đau xót là con cháu sẽ là người phải gánh chịu những tội lỗi do mình gây ra. Năm Cam nghĩ có tội với gia đình, với anh em và xã hội. Giữa sự sống và cái chết, được sống là điều hạnh phúc nhất của cuộc đời này, dù rằng với Năm Cam giờ đây sống mà dằn vặt thì còn khổ hơn là chết…
Ân huệ không dành cho ông trùm
Phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam và đồng bọn kéo dài hơn 3 tháng, hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên 6 án tử hình, 5 án chung thân và có tổng số phạt tù giam nhiều nhất. Có nhiều tiếng khóc ngất vì mức án quá cao hoặc vì sung sướng khi được khoan hồng, vẫn có 13 bị cáo kêu oan toàn bộ hoặc kêu oan một phần mà mức án đã tuyên của phiên tòa sơ thẩm. Tất cả các bị cáo còn lại đều kháng cáo xin giảm án, trong đó có Năm Cam. Trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm, Năm Cam phải đối mặt với những ngày tháng được coi là tối tăm nhất cuộc đời của mình.
Trong phòng biệt giam, Năm Cam lấy tay che ánh nắng hiếm hoi lọt qua khe cửa nhỏ. Năm Cam mân mê tràng hạt của sư cô Diệu Quang (là con gái của y đi tu từ nhỏ) gửi cho. Sau ngày nhận án tử hình ở phiên sơ thẩm, Năm Cam sụt mất mấy ký. Mọi ngày của Năm Cam bắt đầu bằng việc thức dậy tập thể dục trong phòng giam, ngoài 3 bữa ăn thì phần lớn thời gian Năm Cam ngồi suy ngẫm về sự đời.
Trong phòng giam, cảm giác cô đơn, sợ hãi khiến Năm Cam gần như không ngủ được nhất là khi sau ngày nhận án tử. Vì lẽ đó nên Năm Cam gầy người đi. Tại phiên tòa sơ thẩm, Năm Cam đã cúi đầu nhận tội chỉ đạo Hải “bánh” giết Dung Hà nhưng sau khi nhận án tử đã quay ngoắt làm đơn kháng cáo và không chịu thừa nhận tội danh. Điều đó có lý do vì Năm Cam nghe theo lời luật sư mách nước rằng Năm Cam nên nhận tội thì tòa sẽ khoan hồng. Năm Cam tin tưởng luật sư nên đã nghe lời nhận tội. Tuy nhiên, tòa vẫn tuyên án tử khiến Năm Cam cảm thấy hụt hẫng. Trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới Năm Cam định sẽ thuê thêm luật sư nữa để bào chữa cho mình.
Trong khi chờ ngày xét xử, Năm Cam vẫn khẳng định mình không giao nhiệm vụ cho Hải “bánh” giết Dung Hà. Năm Cam cho rằng chỉ nói Hải nên tự dàn xếp với Dung cho ổn thỏa. Không ngờ Hải có mâu thuẫn với Dung nên đã tự ý hành động.
Những ngày tháng nằm trong khám nghĩ về cuộc đời, Năm Cam cũng có lúc tỉnh ngộ, y nhận ra lỗi lầm của mình đã gây họa cho bao người, trong đó có cả vợ và con, cháu y. Vì vậy, nếu chỉ nghĩ đến bản thân thì Năm Cam đã không kháng cáo. Năm Cam nghĩ mình đã già, sống không được bao lâu chỉ cần sự dằn vặt về tội lỗi trong trại giam cũng đủ chết mòn. Nhưng nếu Năm Cam chết vì án tử thì y lo lắng những đứa con của mình sẽ không còn trụ vững trước “sóng ngầm” của giới giang hồ. Năm Cam nghĩ về 2 bà vợ, các con và 7 đứa cháu. Đến cả đứa con gái út, đi tu từ lúc bảy tuổi, tưởng dứt được chuyện bụi trần, mà nay cũng phải bỏ cả khóa Phật học bên Trung Quốc về Việt Nam khi hay tin Năm Cam bị bắt. Nhưng nếu đơn kháng cáo bị bác thì Năm Cam cũng sẽ cam chịu, y đã chuẩn bị sẵn tâm lý để đối đầu tất cả. Nhưng nếu Nhà nước khoan hồng thì Năm Cam tự nhủ sẽ sống nốt phần đời còn lại cho xứng đáng với sự khoan hồng đó.
Những ngày nằm trong tù ngẫm nghĩ, Năm Cam nhận ra một điều đau xót là con cháu sẽ là người phải gánh chịu những tội lỗi do mình gây ra. Năm Cam nghĩ có tội với gia đình, với anh em và xã hội. Giữa sự sống và cái chết, được sống là điều hạnh phúc nhất của cuộc đời này, dù rằng với Năm Cam giờ đây sống mà dằn vặt thì còn khổ hơn là chết.
Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn mở ra để xét xử theo đơn kháng cáo của 69 bị cáo, 6 người bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Trời còn tờ mờ, xe đặc chủng áp giải phạm nhân ra tòa cuốn gió chạy như bay từ Tiền Giang lên TP. Hồ Chí Minh, rẽ vào tòa án thành phố đúng 8h ngày 15/9/2003. Thẩm phán Bùi Ngọc Hòa (Chánh Tòa Phúc thẩm - TAND Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh) chủ tọa phiên phúc thẩm. Phiên tòa kéo dài 26 ngày không kể thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ. Ngày cuối cùng của phiên tòa, sự thảng thốt lại một lần nữa xuất hiện trong đôi mắt lờ đờ của Năm Cam. Y nhổm ngồi nghe tòa tuyên án giữ nguyên hình phạt tử hình y về tội “Giết người”; tử hình về tội “Đưa hối lộ”, chấp hành hình phạt chung là tử hình.
Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Hữu Thịnh, Phạm Văn Minh, Châu Phát Lai Em cũng cùng chung số phận ra pháp trường. Tòa phạt tù chung thân đối với Nguyễn Xuân Trường, Hồ Thanh Tùng, Bùi Anh Việt, Văn Công Tiến… Còn Phan Thị Trúc (vợ Năm Cam) và Dương Ngọc Hiệp (con rể Năm Cam) đều bị tuyên phạt y án 20 năm tù. Các bị cáo nguyên cán bộ, công an, nhà báo gồm Nguyễn Mạnh Trung 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Nguyễn Thập Nhất 4 năm tù về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”; Phạm Sĩ Chiến 6 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; Trần Mai Hạnh 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; Bùi Quốc Huy 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Dương Minh Ngọc 3 năm tù về tội: “Nhận hối lộ”… Ngoài ra còn nhiều mức án dành cho các bị cáo khác.
Nghe đọc tuyên án xét xử phúc thẩm, Năm Cam như chết đứng. Trước mặt y, không gian yên lặng và chết câm, hình như y cảm thấy ngạt thở và bóng tối đặc quánh bao lấy mình. Nỗi sợ hãi lúc đầu còn mông lung, sau đó đổ ập xuống, y run bần bật…
Những bước chân người vang lên rời khởi phòng xử án. Năm Cam đi bên Nguyễn Hữu Thịnh (đứa cháu gọi y là ông cậu) bước lên xe tử tù cùng Nguyễn Việt Hưng, Phạm Văn Minh và Châu Phát Lai Em.
Vài chục năm sống của một con người, tuy không dài, nhưng cũng không ngắn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Giờ đây, ngày tháng chờ ra pháp trường hóa kiếp một lần làm người trên cõi thế nhân này, trước khi trở về cát bụi, có lẽ điều thấm thía nhất Năm Cam nhận ra là sự giàu có chưa hẳn đổi được hạnh phúc, và đồng tiền có lúc nó lại đưa mình vào cõi chết.
Tội ác đã “gieo” thì phải “gặt”
Bản án phúc thẩm khép lại, chuỗi ngày chờ ra pháp trường dài dằng dặc, nặng trĩu những linh cảm không lúc nào được bình yên. Năm Cam lâm vào tình cảnh bế tắc, tuyệt vọng như bao tử tù khác, có lúc y xem nhẹ cái chết, chờ mong nó đến sớm để “chết quách đi cho rồi”, nhưng khi nghĩ đến ranh giới sự sống và cái chết, bản năng sinh tồn trong y lại thức dậy, y lại muốn “thà suốt đời sống trong ngục tù vẫn còn hơn là phải chết”. Sự sống dù có gian khó, khổ đau đến cực cùng vẫn luôn là một thứ ân sủng tối cao, quý hơn mọi thứ trên đời. Cũng như bao tử tội khác, nhưng ngày tháng chờ chết, dù là ông trùm nhưng y cũng vẫn bộc lộ hết những gì thuộc về bản năng sinh tồn của con người cần được sống.
Từng đêm nặng nề trôi qua, Năm Cam thức trắng, ngồi nói chuyện với cái bóng của mình về sự hành hạ của đồng tiền. Có chuyện y đã nói với bóng mình đêm hôm qua, đem hôm sau y lại lập y nguyên như đêm hôm trước. Sức khỏe Năm Cam giảm sút rõ rệt, gầy đét, xanh xao, tinh thần ngày càng tồi tệ hơn. Sau khi nghe tòa phúc thẩm giữ y án tử hình, chỉ sau một đêm mái tóc của Năm Cam đổi màu trắng xóa. Mới ngoài 50 nhưng Năm Cam tiều tụy, già nua đến thảm hại. Ngày trầm mặc, suy tư, bất cứ ai hỏi han, an ủi điều gì, y cũng chẳng hề trả lời. Đêm Năm Cam ngồi dậy nói chuyện với cái bóng của mình như người mắc chứng tâm thần. Nói chuyện xong, Năm Cam nằm xuống khóc rấm rứt, không thể nào lý giải nổi vì sao đang hồi thế lực gần như bất khả xâm phạm, tên tuổi oai nghi chốn giang hồ bỗng chốc sụp đổ tất cả chỉ vì chuyện không đâu dẫn đến cái chết của Trung sĩ hình sự Phan Sơn Lê và nữ quái Dung Hà.
Nằm khó rấm rứt một hồi, Năm Cam lại ngồi dậy, tiếp tục nói chuyện với cái bóng, rồi Năm Cam chợt đứng phắt dậy, co hai tay đấm vô ngực mình: “Cuộc sống còn có ý nghĩa gì khi nỗi đớn đau, sám hối cứ hành hạ tao từng giờ, từng phút. Tội ác và trừng phạt, đã gieo thì phải gặt. Năm Cam thường xuyên hoảng lọan tâm lý như vậy, vui đó, rồi buồn đó, đang cười nói bỗng lên cơn giận dữ, khóc lóc, la hét, chửi bới. Lúc tĩnh tâm trở lại, y suy ngẫm về hành vi và tội lỗi của mình, ân hận, tiếc nuối, nhưng tất cả đều đã muộn màng, không còn được cơ hội thay đổi được gì nữa cả bởi Chủ tịch nước từ chối tha tội chết cho y vì tội lỗi quá dày, sự ăn năn không cứu được nữa.
Còn nữa..
LÊ VŨ – THỦY SINH – PHẠM TRƯỜNG/PLVN