Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới

13/05/2023 23:23 | 1 năm trước

(LSVN) – Những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật diễn biến hết sức phức tạp trên nhiều lĩnh vực, song công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục được tăng cường và đạt hiệu quả cao hơn. Bài viết khái quát về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới.

Ảnh minh họa.

Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật thời gian qua

Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến mới, phức tạp. Các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm xuất hiện nhiều hơn, nhất là các nguyên nhân do tác động của dịch Covid-19... đặt ra nhiều thách thức đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Trước tình hình đó, bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; góp phần giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước. Kết quả cụ thể như sau:

Trong công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật

Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nói chung, công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật nói riêng. Tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đa dạng hóa phương thức và tăng thời lượng công tác tuyên truyền cho nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet; phê phán những hành vi vi phạm pháp luật. Về cơ bản, các hoạt động tuyên truyền đã hướng đến đúng nhóm đối tượng, với phương thức phù hợp, góp phần nâng cao cảnh giác và ý thức của người dân trong công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nhiều nơi tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tạo thành phong trào rộng khắp và khí thế phòng, chống tội phạm; củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; tổ chức nhiều hình thức, biện pháp và cách làm sáng tạo, phát động nhiều phong trào về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, giao ban, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ báo cáo viên, cán bộ cơ sở về các kỹ năng tuyên truyền phòng, chống tội phạm; xây dựng các trang mạng xã hội kết nối, tương tác giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân phục vụ công tác quản lý, điều hành và tuyên truyên phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật trên internet, nhất là trên các ứng dụng mạng xã hội. Lực lượng công an và các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở, tập trung nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao; chỉ đạo lực lượng công an cơ sở tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các chủ trương, biện pháp giải quyết và trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, ủng hộ chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong công tác phòng,  chống tội phạm

Tội phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Song, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội. Theo số liệu thống kê, trong năm 2022 đã điều tra, khám phá 35.438 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; đã triệt phá 809 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực; bắt và vận động đầu thú, thanh loại 5.829 đối tượng truy nã, trong đó có 1.354 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm... Về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm (số vụ phạm tội có tổ chức giảm 29,07%; hiếp dâm giảm 10,85%, xâm hại trẻ em giảm 23,63%; tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép giảm 19,88%; cướp tài sản giảm 8,6%; cưỡng đoạt tài sản giảm 6,91%; cướp giật tài sản giảm 2,12%; trộm cắp tài sản giảm 12,14%; chứa mại dâm giảm 20,8%; số vụ đánh bạc giảm 16,51%, trong đó đánh bạc trên mạng giảm 10,86%...).

Công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã được Chính phủ chỉ đạo tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm. Trong năm 2022, đã phát hiện

5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,68% (trong đó khởi tố 2.390 vụ án với 4.135 bị cán), 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97% (trong đó khởi tố 501 vụ án với 1.211 bị can). Tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực, nổi lên là các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; xả nước thải, khí thải, vi phạm về quản lý chất thải nguy hại gây tâm lý lo lắng và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề chưa được giải quyết triệt để; khai thác, vận chuyển trái phép tài nguyên, khoáng sản, nhất là cát, sỏi, đất, chặt phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng vẫn diễn ra tại nhiều địa phương, vi phạm quy định về mua bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép còn diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, phòng ngừa và xử lý các vi phạm, đồng thời tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, nhất là các hành vi xả nước thải, khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường; thu gom, vận chuyển, xử lý, chuyển giao chất thải rắn không đúng quy định; khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép; vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm; vi phạm pháp luật trong bảo vệ và phát triển rừng; hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm. Số liệu thống kế năm 2022 cho thấy, cả nước đã phát hiện, khám phá 1.775 vụ (giảm 39,54%), 1.718 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; khởi tố 648 vụ án với 730 bị can.

Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tăng mạnh (tăng 143,98% về số vụ) và tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn, nổi lên là tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet với số tiền lớn có sự tham gia của nhiều đối tượng liên kết chặt chẽ tại nhiều địa phương; biến tướng dưới nhiều hình thức mới. Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet với thủ đoạn sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản của người dùng trên các trang mạng, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng; tình trạng tán phát tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm..., mua bán văn bằng, chứng chỉ giả; giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt. Đáng chú ý, xuất hiện một số nhóm tội phạm nước ngoài tấn công, xâm nhập hệ thống ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam để thu thập, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt số tiền lớn trong tài khoản của khách hàng... Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 18/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách tăng cường bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay; tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội trên không gian mạng (lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, tội phạm trên lĩnh vực thương mại điện tử, đánh bạc trên mạng internet...) để người dân cảnh giác, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi phạm tội. Yêu cầu facebook, google gỡ bỏ hơn 860 tài khoản, bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật, ngăn chặn truy cập hơn 7.200 trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài đăng tải nội dung thông tin xấu, độc. Tập trung đấu tranh, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tạo tính răn đe, cảnh báo đối với các đối tượng có biểu hiện, điều kiện hoạt động phạm tội.

Tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch Covid-19; phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ (chủ yếu từ hướng Lào, Campuchia), đường hàng không, chuyển phát nhanh (từ một số nước châu Âu). Tình trạng các đối tượng lợi dụng cơ sở đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, dịch vụ nhạy cảm, nhà chung cư... để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tình trạng trồng cây cần sa trái phép còn xảy ra tại một số địa phương. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong nước còn nhiều trong khi công tác cai nghiện còn nhiều hạn chế, tạo khó khăn, áp lực rất lớn cho công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Lực lượng công an tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các lực lượng chức năng (Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan...) triển khai đồng bộ các biện pháp, kế hoạch công tác trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy; triển khai phương án tăng cường đấu tranh với tội phạm về ma túy trên 4 tuyến trọng điểm (Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam); rà soát, triệt phá các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; quản lý chặt chẽ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chức năng của Lào, Campuchia, góp phần ngăn chặn ma túy từ xa. Trong năm 2022, đã phát hiện 24.383 vụ, 38.489 đối tượng phạm tội về ma túy; khởi tố 23.624 vụ, 32.757 bị can; thu giữ 648,91 kg heroin, 2.005 kg và hơn 2,542 triệu viên ma túy tổng hợp; 110,6 kg thuốc phiện; 543,82 kg cần sa. Công tác tấn công trấn áp tội phạm ma túy đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là đã triệt phá được nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia thu giữ số lượng ma túy lớn.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật còn một số tồn tại, hạn chế: tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người, lừa đảo, tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế, tham nhũng...; công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả cao; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành cũng như các sở, ngành ở địa phương có lúc, có nơi còn thiếu hiệu quả, chặt chẽ...

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do: đại dịch Covid-19 đã tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật. Hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở một số nơi chưa phát huy tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm; người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đề cao vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác tuyên truyền phòng ngừa chưa đến được nhiều với đối tượng cần tuyên truyền, nhất là tuyên truyền phòng, chống ma túy, mua bán người ở vùng sâu, vùng xa. Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và trang bị phương tiện của một số đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá, triệt để lợi dụng những vấn đề bức xúc trong xã hội để kích động tụ tập đông người gây rối an ninh, trật tự, công khai chống chính quyền... Tình hình tội phạm có xu hướng phức tạp, nhất là nhóm tội phạm do nguyên nhân xã hội (giết người, cố ý gây thương tích do mâu thuẫn...), tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm buôn lậu, tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, xâm hại trẻ em, chống người thi hành công vụ, buôn bán, vận chuyển ma túy, tệ nạn xã hội... Vi phạm pháp luật còn xảy ra nhiều tại các lĩnh vực xã hội nếu không có giải pháp quyết liệt.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật cần tập trung một số giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”; Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia về phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030... Qua đó, tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; trong đó, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; lồng ghép công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; trọng tâm là rà soát hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và chủ động đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, như: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Căn cước công dân (sửa đổi)... Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật đã được Quốc hội thông qua, không tạo khoảng trống pháp lý gây khó khăn cho công tác phòng, chống tội phạm.

Thứ ba, chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, trong nước từ sớm, từ xa; kịp thời tham mưu với Đảng, Quốc hội các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước. Triển khai các kế hoạch, biện pháp đấu tranh làm thất bại các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bảo đảm an ninh mạng, an ninh xã hội, an ninh kinh tế, an ninh chính trị nội bộ, an ninh tại các địa bàn chiến lược.

Thứ tư, xác định phòng ngừa là chính, cơ bản, chiến lược, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chủ động dự báo sớm và giải quyết các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và những vấn đề phức tạp về trật tự xã hội ngay từ cơ sở. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí, nhất là thông tin mạng trong việc đấu tranh phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, lên án đối với các hành vi phạm tội, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm ngay từ cơ sở, trong đó phát huy vai trò của mặt trận, công đoàn, cựu chiến binh, hội nông dân, thanh niên, phụ nữ…; kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Thứ năm, chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm có tổ chức liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp, tội phạm chống người thi hành công vụ, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm xâm phạm trẻ em, mua bán người, giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán người, ma túy... Triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, sử dụng công nghệ cao. Làm tốt công tác thanh loại, truy bắt, vận động đầu thú đối tượng truy nã, nhất là số đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam, giữ và điều tra, xử lý tội phạm. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra theo tố tụng.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là tăng cường quản lý cư trú, quản lý hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam, quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quản lý các hoạt động đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thông tin truyền thông, văn hóa, du lịch, môi trường, xây dựng cơ bản, y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đất đai, tài nguyên, trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ... Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị xã hội, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế tình trạng “tham nhũng vặt”, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên cơ sở kết nối dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp xử lý hành chính, đặc biệt là công tác giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn; tăng cường quản lý đối tượng tâm thần, “ngáo đá”... Quản lý, giúp đỡ số đối tượng chấp hành hình phạt ngoài hình phạt tù, số mãn hạn tù, đối tượng được đặc xá, số cai nghiện bắt buộc, số giáo dục cải tạo bắt buộc trở về địa phương sớm tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm tội.

Thứ bảy, tiếp tục nâng cao năng lực các đơn vị chuyên trách đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm và các kỹ năng công vụ cho lực lượng thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ tám, đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia về phòng, chống tội phạm. Tăng cường hợp tác quốc tế theo chiều sâu ở cả cấp độ Trung ương và địa phương với các nước có chung đường biên giới (Lào, Campuchia, Trung Quốc) trong phòng, chống tội phạm liên quan đến Việt Nam. Tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế về tài chính, khoa học, kỹ thuật phục vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đồng thời, tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế về tài chính, khoa học, kỹ thuật phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm.

Tài liệu tham khảo

  1. Kết luận số 13-KL/TW, ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030.
  2. Nghị quyết số 96/2019/QH14, ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
  3. Báo cáo số 397/BC-CP, ngày 11/10/2022 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.

Thạc sĩ NGỌ DUY THI

Học viện Cảnh sát nhân dân

Một số vấn đề về tịch thu hay không tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội

Từ khoá : lsvn.vn LSVN