(LSVN) - Bộ Công thương đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng.
Bộ Công Thương cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Trong gần 10 năm thực thi vừa qua (2011-2020), các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn....
Theo đó, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng.
Cụ thể, Bộ Công Thương bổ sung các quy định về: Thực hiện và giám sát việc thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật thông qua việc: Quy định rõ việc thu hồi sản phẩm khuyết tật sẽ bao gồm cả tự nguyện và bắt buộc. Xác định rõ về trách nhiệm đối với việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật của một số tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan trong các khâu như sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối…
Quy định cụ thể về nội dung, phạm vi, cách thức thực hiện việc thu hồi chưa được quy định cụ thể. Quy định chặt chẽ hơn về cơ chế giám sát việc thực hiện, trong đó yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế tiếp nhận từ đầu cũng như giám sát việc thực hiện Chương trình. Có cơ chế khuyến khích được các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện việc thu hồi.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù, về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của doanh nghiệp, chủ thể có liên quan khi thực hiện giao dịch đặc thù. Bổ sung các quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Lý do lựa chọn giải pháp trên nhằm: Đảm bảo hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giảm thiểu và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt đối với các giao dịch có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, ví dụ như thương mại điện tử, cho vay tiêu dùng, các mô hình chia sẻ, kết nối dịch vụ ngang hàng,…
Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng bổ sung nhiều nội dung để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Các nội dung mới bao gồm: Bổ sung quy định về thương lượng, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thương lượng.
Bổ sung quy định tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh bằng phương thức hòa giải
Việc bổ sung quy định cụ thể về thương lượng và vai trò của cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thương lượng vừa nâng cao hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức thương lượng, vừa khắc phục được những hạn chế của cơ chế giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan nhà nước bởi trong thời gian qua, cơ chế giải quyết khiếu nại tại các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang được thực thi một cách có hiệu quả
Việc bổ sung các quy định nêu trên cũng nhằm đảm bảo khả năng điều chỉnh toàn diện, kịp thời của quy định pháp luật đối với các hành vi, các mô hình kinh doanh mới xuất hiện.
TRẦN MY