/ Pháp luật - Đời sống
/ Nên xếp Luật sư vào nhóm số 1 các đối tượng ưu tiên được cấp giấy đi đường

Nên xếp Luật sư vào nhóm số 1 các đối tượng ưu tiên được cấp giấy đi đường

07/09/2021 09:10 |3 năm trước

(LSVN) - Việc xếp hoạt động nghề nghiệp của Luật sư vào Nhóm 6 và chỉ cấp giấy đi đường cho hoạt động “tư vấn pháp luật” là bất hợp lý. Bởi, ngoài việc tư vấn pháp luật, Luật sư còn phải đến các cơ quan tố tụng, thu thập chứng cứ, tài liệu,…

Nên xếp Luật sư vào nhóm số 1 các đối tượng ưu tiên được cấp giấy đi đường.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND Thành phố, ngày 05/9/2021, Công an Thành phố đã có Thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử Công an Thành phố về Quy trình xét duyệt cấp Giấy đi đường, Thẻ đi mua hàng thiết yêu tại Vùng 1 theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, Công an thành phố quy định 6 nhóm đối tượng được xét duyệt cấp Giấy đi đường trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong 6 nhóm đối tượng này, không có đối tượng là Luật sư và các chức danh bổ trợ tư pháp, bổ trợ doanh nghiệp khác.

Ngay sau đó, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã ban hành Văn bản số 528/ĐLSTPHN ngày 05/9/2021 về việc đề nghị đưa Luật sư vào nhóm đối tượng không phải cấp Giấy đi đường gửi Công an thành phố Hà Nội.

Qua theo dõi và tiếp nhận phản ánh của người dân qua hotline, nhận thấy các đơn vị còn gặp nhiều lúng túng trong việc nhận diện các nhóm đối tượng được cấp Giấy đi đường để tham mưu cho Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và hướng dẫn cơ quan, tổ chức, người dân, ngày 06/9/2021, Công an TP. Hà Nội đã ban hành văn bản số 6482/CAHN-PVO1 về việc hướng dẫn thực hiện Thông báo của Công an thành phố về quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường (số 1) gửi Trưởng Công an các quận, huyện, thị xã, Trưởng Công an các phường, xã, thị trấn.

Tại khoản 1.2 mục 1 văn bản số 6482/CAHN-PVO1 nêu các trường hợp thuộc nhóm 6 có: “….Công ty, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bổ trợ tư pháp (công chứng, đấu giá; thừa phát lại; trọng tài thương mại; tư vấn pháp luật; quản lý; thanh lý tài sản; tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc).

Chỉ cấp giấy đi đường cho hoạt động “tư vấn pháp luật” là bất hợp lý

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết, hiện nay không chỉ việc cấp giấy đi đường cho Luật sư mà các ngành nghề khác đang rất có vấn đề. Thậm chí, nguyên Đại biểu Quốc hội này còn cho rằng, việc cấp giấy đi đường như hiện nay còn là không cần thiết.

Ông Nhưỡng cho rằng, việc xếp hoạt động nghề nghiệp của Luật sư vào Nhóm 6 và chỉ cấp giấy đi đường cho hoạt động “tư vấn pháp luật” cũng là bất hợp lý. Bởi, ngoài việc tư vấn pháp luật, Luật sư còn phải đến các cơ quan tố tụng, thu thập chứng cứ, tài liệu,…

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

"Tôi nghĩ chuyện như này là chúng ta đang tự làm khó chúng ta, đang lúc phải dồn lực chống dịch lại đặt ra vấn đề như thế là không cần thiết, có nhiều biện pháp, đây không phải là biện pháp căn bản để phòng chống dịch Covid-19", ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Cũng theo ông Nhưỡng, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét kỹ, tránh tình trạng gây khó dễ cho người dân, tạo thành những "giấy phép con". Các cấp chính quyền, các nhà chuyên môn phải tham mưu để tránh gây ra những hậu quả tiếp theo mà từ hậu quả đó lại đi ngược với tinh thần phòng chống dịch.

Hoạt động của Luật sư là rất rộng

Theo Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Luật sư không chỉ tham gia các hoạt động tố tụng ngay tại phiên tòa mà còn phải tham gia vào các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, sao chụp, thu thập tài liệu, chứng cứ; tiếp xúc bị can; thẩm định pháp lý…; thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Phạm vi hoạt động của Luật sư không chỉ trong các vùng 1, 2, 3 tại TP. Hà Nội mà còn rộng khắp tại các địa phương, tỉnh thành trên cả nước. Ngoài ra, Luật sư còn tham gia các vụ án được chỉ định, các vụ án trọng điểm tại các địa phương, tỉnh thành trên cả nước, không đơn thuần chỉ làm việc cố định tại một địa điểm ở văn phòng theo lộ trình từ nhà đến văn phòng mà Luật sư còn phải làm việc với các cơ quan như Tòa án, Viện kiểm sát, cơ sở tạm giữ, tạm giam, xác minh hiện trường… 

Thêm nữa, vai trò, nhiệm vụ tư vấn pháp luật của Luật sư rất quan trọng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tư vấn, định hướng kịp thời việc thực hiện pháp luật trong các hoạt động kinh doanh và tổ chức của cơ quan, doanh nghiệp; bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, khi mà các giao dịch dường như bị đình trệ, tỷ lệ tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh thương mại, tranh chấp trong việc thực hiện các hợp đồng kinh tế trong nước và hợp đồng có yếu tố nước ngoài các tranh chấp dân sự, tranh chấp về lao động,… do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có xu hướng tăng cao thì rất cần sự có mặt, hỗ trợ, tư vấn kịp thời của Luật sư, nhằm hạn chế rủi ro, hạn chế các tranh chấp xảy ra, góp phần phát triển kinh tế lành mạnh, bảo đảm an toàn trong môi trường kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.  

"Đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành và với vai trò thực tế quan trọng của Luật sư như đã nêu trên thì hoạt động của Luật sư là một hoạt động đặc thù, thật sự cần thiết, đặc biệt là trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, góp phần bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần bảo vệ an ninh trật tự xã hội, bảo vệ an toàn trong môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội", Luật sư Hoài nói. 

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng cho rằng, các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư có phạm vi hoạt động trên toàn quốc, các dịch vụ pháp lý của Luật sư (tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác) rất đa dạng, gắn liền với rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và các hoạt động khác nhau của đời sống xã hội.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

“Nếu vắng mặt Luật sư thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính khách quan và hợp pháp, cũng việc bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các động tố tụng của các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án,...”, Luật sư Hùng chia sẻ.

Nên đưa hoạt động Luật sư vào nhóm 1

Trước đó, tại Văn bản số 528/ĐLSTPHN gửi Công an thành phố Hà Nội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã kiến nghị: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho các Luật sư thực hiện nhiệm vụ của nghề Luật sư, theo quy định của pháp luật, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đề nghị đồng chí Giám đốc có ý kiến chỉ đạo các bộ phận chức năng đưa Luật sư vào nhóm 1 (nhóm được sử dụng giấy đi đường do Thủ trưởng các đơn vị duyệt, cấp cùng với Thẻ Luật sư) khi đi đường. Người đứng đầu các tổ chức hành nghề Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chịu trách nhiệm về việc cấp và quản lý Giấy đi đường đúng đối tượng, đúng mục đích”.

Tuy nhiên, tại Văn bản số 6482/CAHN-PVO1 thì Công an TP. Hà Nội đã xếp Luật sư vào nhóm 6, Luật sư Hoài cho rằng Cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, điều chỉnh, đưa Luật sư vào nhóm 1 (cùng với các Tập đoàn, tổng công ty, công ty, doanh nghiệp nhà nước; ngân hàng nhà nước và các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) (nhóm được sử dụng giấy đi đường do Thủ trưởng các đơn vị duyệt, cấp) khi đi đường.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Luật sư là những người có hiểu biết pháp luật và chưa có trường hợp nào vi phạm quy định về cấp giấy đi đường. Bởi vậy, cần quy định các tổ chức hành nghề Luật sư cấp giấy đi đường cho các Luật sư thành viên là hợp lý và cần thiết để phục vụ cho hoạt động tư pháp.

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Khi đó, người đứng đầu các tổ chức hành nghề Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chịu trách nhiệm về việc cấp và quản lý Giấy đi đường đúng đối tượng, đúng mục đích, nhằm giảm tải công việc cho các cơ quan công an, cơ quan ủy ban cấp xã, phường đồng thời đảm bảo thủ tục cấp giấy đi đường được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả, tránh chồng chéo và phù hợp, thống nhất với các quy định pháp luật.

“Việc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội kiến nghị với cơ quan chức năng về việc xem xét cấp giấy đi đường đối với Luật sư theo hướng để các tổ chức hành nghề Luật sư tự cấp giấy cho các thành viên của mình sẽ đảm bảo thủ tục được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng như phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng”, Luật sư Cường nêu quan điểm.

HỒNG HẠNH - LINH NHI

Đề nghị đưa Luật sư vào nhóm đối tượng ưu tiên cấp giấy đi đường để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ pháp lý

Cần khắc phục thiếu sót trong các văn bản chỉ đạo giãn cách để các tổ chức hành nghề Luật sư được tiếp tục hoạt động

Lê Minh Hoàng