Ngân hàng Credit Suisse. Ảnh: rte.
Trước đó, báo Suddeutsche Zeitung của Đức đã tiếp cận được khối dữ liệu của ngân hàng Credit Suisse liên quan đến hơn 18.000 tài khoản ngân hàng của 37.000 cá nhân hoặc công ty có từ những năm 1940 đến những năm 2010. Đây được xem là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất của một ngân hàng lớn của Thụy Sĩ. Dựa vào dữ liệu rò rỉ này, Dự án báo chí về tội phạm có tổ chức và tham nhũng (OCCRP) đã phối hợp với 47 hãng truyền thông khác nhau trên thế giới, trong đó có tờ Le Monde của Pháp và The Guardian của Anh, để tiến hành cuộc điều tra xuyên biên giới mang tên “SwissLeaks”.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 20/02, OCCRP nêu rõ: “Chúng tôi tin rằng hàng chục ví dụ mà chúng tôi đã trích dẫn đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tính hiệu quả và cam kết của Credit Suisse trong việc đáp ứng các trách nhiệm của mình”. Theo tổ chức này, cuộc điều tra đã phát hiện hàng chục "nhân vật đáng ngờ" trong dữ liệu. Trong số những nhân vật này có một gián điệp người Yemen, một kẻ buôn người ở Philippines, một trùm ma túy người Serbia, cũng như các chính trị gia tham nhũng từ một số quốc gia.
Báo Le Monde cho biết cuộc điều tra cho thấy Credit Suisse đã lách các quy định ngân hàng quốc tế khi giữ các quỹ liên quan đến tội phạm và tham nhũng trong nhiều thập kỷ. Số tiền được xác định trong các tài khoản bị rò rỉ lên tới hơn 100 tỉ USD. Chúng chủ yếu liên quan đến các nước đang phát triển ở châu Phi, Trung Đông, châu Á và Nam Mỹ. Chỉ 1% trong số các tài khoản liên quan đến khách hàng ở Tây Âu.
Phản ứng trước thông tin trên, Credit Suisse đã bác bỏ mạnh mẽ mọi cáo buộc, lập luận rằng các vấn đề được nêu ra chủ yếu trong quá khứ, trong một số trường hợp có từ những năm 1940. Theo ngân hàng này, các báo cáo về những vấn đề này dựa trên thông tin một phần, không chính xác hoặc có chọn lọc được đặt ngoài bối cảnh cụ thể, dẫn đến các diễn giải có mục đích nhằm vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Credit Suisse cũng cho biết khoảng 90% tài khoản nói trên đã hoặc đang trong quá trình bị đóng trước khi báo chí tham gia điều tra, trong đó hơn 60% đã bị đóng trước năm 2015.
Đây là cuộc điều tra mới nhất trong một loạt những khó khăn mà Credit Suisse phải đối mặt trong thời gian gần đây. Hồi tháng 3/2021, ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sỹ này đã phải chật vật sau khi chứng kiến sự sụp đổ của hai quỹ đầu tư là Greensill Capital và Archegos Capital Management chỉ trong vòng một tháng. Trong đó, vụ sụp đổ quỹ Archegos Capital Management khiến ngân hàng này thiệt hại lên tới hơn 5 tỉ USD.
TTXVN