/ Hoạt động Luật sư
/ Nghiên cứu thí điểm mô hình bồi thẩm đoàn và phát triển án lệ ở Việt Nam

Nghiên cứu thí điểm mô hình bồi thẩm đoàn và phát triển án lệ ở Việt Nam

28/04/2021 02:03 |

(LSVN) - Trong 02 ngày 26 và 27/4/2021 tại Vĩnh Phúc, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao đã tổ chức Hội thảo khoa học về các chuyên đề với 4 nội dung quan trọng: Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng; Định hướng hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân (HTND) đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; Tham vấn đối với dự thảo Đề án Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt; và Công tác phát triển án lệ giai đoạn 2016-2021, định hướng giai đoạn 2021-2030.

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học.

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao chủ trì Hội thảo, với sự tham dự của các Thành viên Hội đồng Thẩm phán Tối cao, Hội đồng Tư vấn án lệ, các cơ quan hữu quan, các chuyên gia và nhà khoa học trong nước và quốc tế; lãnh đạo trên 20 Tòa án địa phương.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ đã được mời tham dự Hội thảo và trình bày 02 tham luận: Chế định HTND, Bồi thẩm đoàn nhìn từ hệ thống xét xử Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới - Một số đề xuất và kiến nghị đối với Việt Nam; và Công tác phát triển án lệ tại Việt Nam nhìn từ góc độ của Luật sư - Một số đề xuất, kiến nghị.

Hoàn thiện chế định HTND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, nghiên cứu thí điểm xây dựng chế định bồi thẩm đoàn ở Việt Nam

Sau báo cáo về việc nghiên cứu xây dựng Đề án hoàn thiện chế định HTND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, các chuyên gia và nhà khoa học đã trình bày về lịch sử hình thành và phát triển của chế định HTND, thực tiễn hoạt động xét xử và quản lý HTND, chế định HTND trong cải cách tư pháp, sự tham gia của HTND trong xét xử của Tòa án…

Các ý kiến đều đánh giá, thời gian qua, HTND đã tham gia rất tích cực vào công tác xét xử sơ thẩm các vụ án của Tòa án, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cho vụ án được xét xử công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử, vẫn phát sinh một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến cơ chế biểu quyết với số lượng đa số của HTND, việc lựa chọn nhân sự làm HTND, trình độ của HTND chưa đáp ứng yêu cầu của xét xử.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài trình bày tham luận: “Chế định HTND, Bồi thẩm đoàn nhìn từ hệ thống xét xử Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới - Một số đề xuất và kiến nghị đối với Việt Nam” thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự Hội thảo.

Sau khi điểm qua lịch sử hình thành và phát triển của chế định “hội thẩm”, “bồi thẩm” được lựa chọn và rút thăm ngẫu nhiên từ thời Pháp thuộc với Sắc lệnh năm 1864 của Hoàng đế Napoleon III (sửa đổi bởi Sắc lệnh 1889), chế định HTND đã trở thành chế định Hiến pháp, trong xét xử Thẩm phán và HTND độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã trở thành nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự (TTHS) Việt Nam. Tham luận đã đi sâu nghiên cứu chế định HTND và bồi thẩm của một số nước theo mô hình TTHS thẩm vấn như Pháp, Italia, Trung Quốc; chế định bồi thẩm đoàn của mô hình TTHS tranh tụng của Hoa Kỳ, sự tiếp thu những hạt nhân hợp lý của cả hai mô hình TTHS nêu trên tại Liên bang Nga, Nhật Bản…, từ đó chỉ ra sự khác biệt giữa chế định HTND ở Việt Nam và chế định bồi thẩm đoàn của một số nước.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài trình bày tham luận về nghiên cứu so sánh chế định HTND và bồi thẩm đoàn ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới. Ảnh: Thu Trang.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài kiến nghị cần tiếp tục duy trì những ưu điểm của mô hình TTHS thẩm vấn, phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và đề cao nguyên tắc độc lập trong xét xử của Thẩm phán, HTND, có cơ chế đảm bảo tranh tụng ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, phán quyết của Tòa án phải xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Cần có cơ chế để đảm bảo tính trung lập, khách quan của Thẩm phán, HTND, tiến tới xây dựng hình ảnh Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp nhưng đóng vai trò là trọng tài khách quan, là nơi người dân có cơ hội tiếp cận công lý, tạo điều kiện cho các bên đối tụng thực hiện chức năng cơ bản của mình, trên cơ sở kết quả tranh tụng để hình thành phán quyết của Tòa án. Trên cơ sở  nghiên cứu khuôn khổ pháp lý và tổng kết thực tiễn hoạt động của chế định HTND, tham khảo một số mô hình TTHS phù hợp, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài đề nghị TAND Tối cao báo cáo Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương xin ý kiến để xây dựng Đề án xây dựng thí điểm chế định Bồi thẩm đoàn trong hoạt động xét xử tại Việt Nam. Đề án này có thể phát triển xây dựng thí điểm chế định bồi thẩm đoàn trong xét xử các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng theo 03 hướng: (1) Tạo cơ chế lựa chọn mang tính khách quan, bình dân, phổ thông vào danh sách ứng viên làm bồi thẩm viên; (2) Danh sách bồi thẩm viên được lựa chọn bằng cách rút thăm ngẫu nhiên, không chỉ định trước hoặc chỉ lựa chọn những bồi thẩm “biết nghe lời” Thẩm phán; (3) Tạo cơ hội cho bồi thẩm viên được quyền tham gia bày tỏ cảm nhận của người bình dân để đưa ra kết luận có tội hay không có tội, đúng hay sai và kết thúc vai trò ở công đoạn này. Còn việc quyết định khung hình phạt nào, tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ là việc chuyên sâu về chuyên môn, chỉ dành cho Thẩm phán.

Kết luận về chủ đề này của Hội thảo, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và nhà khoa học, đồng thời cũng nêu ra những sự khác biệt giữa chế định HTND và Bồi thẩm đoàn, những rủi ro liên quan đến cơ chế hình thành phán quyết của Tòa án. Tuy nhiên, bên cạnh cái được của chế định này rất lớn, nhưng qua thực tiễn xét xử, hoạt động của HTND cũng tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục mới có thể đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp. Ông cũng đồng ý quan điểm là, trên cơ sở tổng kết nghiên cứu và thực tiễn xét xử, việc xây dựng thí điểm chế định Bồi thẩm đoàn là vấn đề thú vị nhưng hóc búa, cần báo cáo Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương để xin ý kiến xây dựng Đề án, với mục tiêu phát huy thiết chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam.

Công tác phát triển án lệ ở Việt Nam - Nhìn từ góc độ Luật sư

Đối với chủ đề “Công tác phát triển án lệ giai đoạn 2016-2021, định hướng giai đoạn 2021-2030”, đại diện Vụ Pháp chế và QLKH đã trình bày báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ án lệ giai đoạn 2016-2021 của TAND Tối cao. Theo Báo cáo của Chánh án TAND Tối cao trước kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV ngày 25/3/2021, ngành Tòa án đã tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Đã công bố được 43 án lệ; nghiên cứu xây dựng 03 cuốn “Án lệ và Bình luận” và Giáo trình “Án lệ và thực tiễn xét xử”; vận hành có hiệu quả Trang tin điện tử về án lệ với nhiều nội dung phong phú. Mặc dù việc phát triển án lệ mới đang ở giai đoạn đầu, nhưng đã có những án lệ được Chánh án Tòa án tối cao nhiều nước đánh giá đạt trình độ quốc tế, mở ra thời kỳ mới về phát triển án lệ, tăng cường áp dụng án lệ trong xét xử. Nhiệm kỳ qua đã có 1.021 vụ án viện dẫn án lệ trong xét xử, bước đầu đã hình thành kỹ năng và tập quán áp dụng án lệ trong xét xử như xu thế chung của thế giới.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài phát biểu tham luận về chủ đề công tác phát triển án lệ.

Các chuyên gia và nhà khoa học đã trình bày về kinh nghiệm phát triển án lệ tại một số quốc gia trên thế giới - Gợi mở cho Việt Nam (PGS. TS Phạm Duy Nghĩa); Quy trình phát triển án lệ tại Việt Nam - Một số vướng mắc, bất cập và giải pháp khắc phục (PGS. TS Đỗ Văn Đại); Một số vấn đề liên quan đến phát triển án lệ ở Việt Nam (TS Nguyễn Hồng Hải); Kinh nghiệm phát triển án lệ tại Hàn Quốc (Thẩm phán Kim Tae Jonn - Giám đốc Dự án Koica)…

Trình bày tham luận tại Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài thông tin, sau khi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP, Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cử thành viên tham gia và được Chánh án TAND Tối cao chấp nhận và ban hành Quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn án lệ quốc gia hàng năm. Về phần mình, đại diện Liên đoàn đã tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng, góp ý chi tiết bằng văn bản các dự thảo án lệ, phát biểu trực tiếp tại các phiên họp. Một số ý kiến đóng góp của đại diện Liên đoàn đã được Hội đồng ghi nhận, làm cơ sở cho việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành 43 án lệ thời gian qua. Thông qua trang Web và Tạp chí Luật sư Việt Nam Online, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thông tin hoạt động của Hội đồng Tư vấn án lệ, giới thiệu và bình luận các án lệ từ các Luật sư.

Câu lạc bộ Luật sư thương mại Quốc tế thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức 02 Hội thảo về “Án lệ ở Việt Nam - Thực tiễn áp dụng” vào tháng 3 năm 2017 tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong đó nội dung chủ yếu giới thiệu về án lệ ở Việt Nam, phân tích và bình luận một số án lệ đã được ban hành. Đặc biệt, chủ đề về áp dụng án lệ trong hành nghề luật tại Việt Nam với sự chủ trì của các Luật sư có kinh nghiệm, đại diện TAND Tối cao, các Đại học quốc gia và Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã thu hút sự tham gia của hàng trăm Luật sư trong nước và quốc tế.

Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, trong chương trình làm việc của Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam từ 2010 đến nay khảo sát tại một số quốc gia có nghề Luật sư phát triển như Hoa Kỳ, Canada, CHLB Đức, Cộng hòa Pháp, Italia, Liên bang Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, tham dự các Hội nghị thường niên của Hiệp hội Luật sư quốc tế (IBA), Hội Luật châu Á - Thái Bình Dương đều có chủ đề tìm hiểu về án lệ. Lần đầu tiên với sự đề xuất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong chương trình tập huấn tại Nhật Bản từ ngày 08 đến 17/12/2019, Luật sư Tani Masato (nguyên Thẩm phán Tối cao tại Nhật Bản) đã giới thiệu với Đoàn công tác chuyên đề “Cách sử dụng án lệ trong công việc thực tế của Luật sư Nhật Bản”.

Trong quá trình hành nghề, rất nhiều Luật sư đã nghiên cứu, áp dụng các án lệ được ban hành trong quá trình tư vấn, trợ giúp pháp lý cho khách hàng và bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, đương sự tại các phiên tòa hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại và tố tụng trọng tài. Theo thông tin nêu trong Báo cáo của Chánh án TAND Tối cao và Vụ Pháp chế QLKH, đến ngày 12/4/2021, có 1021 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ; trong đó các án lệ được viện dẫn nhiều nhất là Án lệ số 08/2016/AL (có 738 bản án, quyết định viện dẫn); Án lệ số 09/2016/AL (có 68 bản án, quyết định viện dẫn); Án lệ số 26/2018/AL (có 53 bản án, quyết định viện dẫn); Án lệ số 11/2017/AL (có 38 bản án, quyết định viện dẫn); Án lệ số 04/2016/AL (có 29 bản án, quyết định viện dẫn); Án lệ số 03/2016/AL (có 20 bản án, quyết định viện dẫn). Hội đồng xét xử khi ban hành các bản án, quyết định có viện dẫn, áp dụng án lệ nêu trên phần lớn tại các phiên tòa đều có sự tham gia và ý kiến pháp lý của các Luật sư đã phân tích, làm rõ tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết, tình huống pháp lý và giải pháp pháp lý trong án lệ làm căn cứ để đưa ra quyết định áp dụng án lệ.

Theo kế hoạch của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong năm 2021, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư sẽ xây dựng chuyên đề “Kỹ năng áp dụng án lệ trong hành nghề của Luật sư” trong chương trình tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các Luật sư ở các địa phương (trước mắt dự kiến tổ chức tại TP. Bắc Ninh với sự tham gia của một số Đoàn Luật sư các tỉnh phía Bắc vào quý II/2021).

Sau khi nêu lên một số bất cập trong công tác phát triển án lệ ở Việt Nam thời gian qua, với tư cách là thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ quốc gia, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài đã chia sẻ quan điểm là án lệ ở Việt Nam mang tính đặc thù, vừa có những điểm tương đồng, vừa có những điểm khác biệt so với quan điểm về án lệ ở các quốc gia khác trên thế giới. Nhìn từ góc độ của Luật sư, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài nêu lên một số đề xuất và kiến nghị về việc cần tham khảo thêm quy trình lựa chọn và phát triển án lệ ở một số nước trên thế giới cho phù hợp với đặc điểm ở Việt Nam. Để chú trọng công tác phát triển án lệ, với số lượng trên 15.000 Luật sư đang hành nghề trên cả nước hiện nay, tham gia tố tụng trong tất cả các vụ án theo các trình tự tố tụng hình sự, dân sự, hành chính..., đây chính là nguồn đề xuất án lệ hết sức phong phú và đa dạng. Sau khi xin ý kiến Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, kiến nghị với Lãnh đạo TAND Tối cao nghiên cứu cơ chế phối hợp với Liên đoàn, thông qua đầu mối Vụ Pháp chế và QLKH TAND Tối cao và Ủy ban Xây dựng pháp luật, CLB Luật sư thương mại quốc tế thuộc Liên đoàn để vận động, khuyến khích các Luật sư tham gia vào quá trình phát hiện, để xuất để lựa chọn nguồn phát triển án lệ.

Với chuyên đề “Kỹ năng áp dụng án lệ trong hành nghề Luật sư” đề xuất đưa vào chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các Luật sư sẽ được xây dựng theo cơ cấu: (1) Án lệ ở Việt Nam - Nhận thức và khuôn khổ áp dụng; (2) Thao tác tư duy vận dụng và kỹ năng nhận diện các tình tiết cơ bản của vụ việc cho các Luật sư trong hành nghề; (3) Phương pháp tìm hiểu, nhận biết và học tập án lệ, trong đó có sử dụng dịch vụ thông tin án lệ từ trang Website của TAND Tối cao;  có trang cho phép tra cứu án lệ của TAND Tối cao (miễn phí); sử dụng những phần mềm online như Westlaw, thư ký án lệ...; học tập qua các quyển sách bình luận về án lệ; (4) Đưa nội dung tìm hiểu và vận dụng án lệ vào chương trình đề kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư…

Phát biểu kết luận chủ đề này của Hội thảo, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã khẳng định, mặc dù số lượng án lệ được ban hành còn chưa nhiều, nhưng đã tạo ra một bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức của Thẩm phán và các chủ thể về vị trí, vai trò quan trọng của án lệ trong hoạt động xét xử. Do đó, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Chánh án TAND Tối cao đã nêu lên một số phương hướng trong công tác phát triển án lệ cho đến năm 2030, gợi mở nhiều vấn đề về quan điểm, khung pháp luật trong lựa chọn, xây dựng và phát triển nguồn án lệ, nâng cao tính chuẩn mực, phổ quát cao hơn của án lệ phù hợp với điều kiện Việt Nam; động viên, thu hút sự tham gia phát hiện nguồn án lệ từ Thẩm phán, Luật sư và các chủ thể khác.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trao tặng Bằng khen cho một số cá nhân là thành viên Hội đồng tư vấn án lệ. Ảnh: Thu Trang.

Nhân dịp này, Chánh án TAND Tối cao đã trao tặng Bằng khen về thành tích có nhiều đóng góp phát triển án lệ giai đoạn 2016-2021 cho 03 tập thể và 17 cá nhân, trong đó có Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài.

PV

Doanh nghiệp Việt Nam có dự định IPO tại Hoa Kỳ cần lưu ý gì về mặt pháp lý?

Lê Minh Hoàng