Người bào chữa theo chỉ định cho bị cáo sẽ giải quyết thế nào khi tại thời điểm xét xử, bị cáo đã đủ 18 tuổi?

13/12/2018 17:13 | 5 năm trước

LSVNO - Đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì tòa án (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử) phải chỉ định người bào...

LSVNO - Đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì tòa án (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử) phải chỉ định người bào chữa cho họ nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa. Tuy nhiên trong thực tiễn, có trường hợp trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, tòa án chỉ định người bào chữa cho bị cáo dưới 18 tuổi nhưng đến thời điểm xét xử thì bị cáo này đã hơn 18 tuổi. Vậy việc bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa giải quyết như thế nào?

Ảnh minh họa.

Một tình huống cụ thể như sau: Ngày 15/6/2018, tòa án nhân dân huyện A ra quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn B, sinh ngày 20/6/2000 về tội trộm cắp tài sản. Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử có Luật sư C là người bào chữa (theo chỉ định) cho bị cáo B. Thời gian xét xử vụ án là ngày 29/6/2018.Vấn đề đặt ra là Luật sư C có được quyền bào chữa cho bị cáo B tại phiên tòa ngày 29/6/2018 không? Hiện còn quan điểm khác nhau về vấn đề này.

 Quan điểm thứ nhất: Vì Luật sư C đã được tòa án chỉ định là người bào chữa cho bị cáo B. Luật sư C cũng được tòa án triệu tập tham gia phiên tòa ngày 29/6/2018 để bào chữa cho bị cáo B. Vì vậy, Luật sư C vẫn được quyền bào chữa cho bị cáo B theo quy định của pháp luật.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Tại thời điểm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án chỉ định và triệu tập Luật sư C tham gia phiên tòa để bào chữa cho bị cáo B là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, đến thời điểm xét xử, do bị cáo B đã hơn 18 tuổi nên bị cáo B không còn thuộc trường hợp được chỉ định người bào chữa như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Do đó, Luật sư C cũng sẽ không được bào chữa cho bị cáo C với tư cách là người bào chữa được chỉ định. Để giải quyết tình huống này, trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần giải thích cho bị cáo và luật sư được chỉ định biết là tại phiên tòa người bị buộc tội đã hơn 18 tuổi nên không thuộc trường hợp được chỉ định người bào chữa. Vì vậy, Luật sư C sẽ không còn là người bào chữa theo chỉ định cho bị cáo tại phiên tòa. Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc tự nhờ người bào chữa để bào chữa cho bị cáo theo quy định của pháp luật. Đối với Luật sư C có thể tham dự phiên tòa nhưng không được quyền bào chữa cho bị cáo B.

 Tác giả mong bạn đọc cùng thảo luận và trao đổi thêm.

Dương Tấn Thanh