Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Theo đó, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Có thể thấy, pháp luật hiện hành không hạn chế việc ly hôn với người đang chấp hành hình phạt tù. Tuy nhiên, việc giải quyết sẽ rất khó khăn khi một bên đưa yêu cầu đơn phương ly hôn với bên còn lại đang chấp hành án phạt tù. Vì trong quá trình thực hiện các thủ tục để ly hôn, cơ quan Thi hành án hình sự (trại giam) sẽ không trích xuất để người đang chấp hành án phạt tù tiến hành trực tiếp ly hôn.
Do đó, khi tiến hành xét xử, Tòa án sẽ phải tiến hành xử ly hôn vắng mặt người đang thụ án tù. Hay nói cách khác, Tòa án không hoãn phiên hòa giải trong trường hợp này. Khi Tòa án triệu tập nhiều lần mà bị đơn vắng mặt, bị đơn sẽ mất quyền lợi được tiến hành hòa giải tại Tòa theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Như vậy, mặc dù pháp luật không cấm nhưng quyền lợi và nghĩa vụ của người đang chấp hành án phạt tù cũng ít nhiều bị ảnh hưởng theo.
HỒNG HẠNH
Chính sách đối với người lao động tại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh