Ảnh minh hoạ.
Đề xuất trên được đưa vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho rằng, luật hiện hành còn bỏ sót một số nhóm lao động có nhu cầu, có khả năng đóng BHXH bắt buộc, nhưng chưa được luật hoá, như người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Từ đó, dự thảo luật này bổ sung thêm nhóm người lao động làm việc không trọn thời gian (làm theo chế độ linh hoạt) thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, nếu thu nhập và tiền lương tháng của họ bằng hoặc cao hơn mức sàn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.
Cũng theo dự luật trên, mức lương tính đóng BHXH thấp nhất bằng 50% tiền lương tối thiểu vùng cao nhất (lương tối thiểu vùng 1). Hiện tại, lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng, tức mức lương thấp nhất tính đóng BHXH là từ 2,34 triệu đồng/tháng trở lên, đây cũng là mức thu nhập làm căn cứ để lao động làm bán thời gian, làm theo giờ thuộc diện đóng BHXH bắt buộc.
Tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc của lao động làm việc bán thời gian cũng tương tự như các nhóm khác, tổng mức đóng bằng 25% tiền lương tháng. Tổng tiền lao động phải đóng BHXH bắt buộc là gần 600.000 đồng/người/tháng. Trong đó, quỹ hưu trí và tử tuất người lao động đóng bằng 8% tiền lương tháng, người sử dụng lao động đóng bằng 14%... Đổi lại, người lao động sẽ nhận được các chế độ trên khi gặp rủi ro trong công việc và cuộc sống.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, khi mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, sẽ giúp tăng bao phủ BHXH, tăng thu và chi quỹ trong ngắn hạn và trung hạn nhưng trong dài hạn cần xem xét, đánh giá cụ thể hơn theo từng quỹ thành phần, đặc biệt là với quỹ hưu trí, tử tuất. Mở rộng đóng BHXH bắt buộc sang nhóm lao động làm bán thời gian cũng đặc biệt tích cực với nữ giới, vì ngoài chế độ hưu trí, tử tuất, họ còn hưởng thêm chế độ ốm đau, thai sản...
PV
Covid-19 chuyển thành bệnh truyền nhiễm nhóm B, thanh toán chi phí điều trị thế nào?