/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự: Hạn chế và kiến nghị hoàn thiện

Nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự: Hạn chế và kiến nghị hoàn thiện

25/11/2022 08:54 |

(LSVN) - Nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự, có ý nghĩa quyết định tới toàn bộ kết quả của hoạt động tố tụng dân sự. Qua bài viết này tác giả làm rõ những vướng mắc, bất cập và đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật trong quá trình thực hiện.

Ảnh minh họa.

Hạn chế

Việc áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về cơ sở để bảo vệ quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như sau. 

Trước hết, trong thực tế, việc Tòa án xác định xác định sai tư cách tham gia tố tụng của đương sự vẫn còn khá phổ biến. Quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng thường không được bảo vệ do tư cách tham gia tố tụng được xác định không chính xác. Quyền và nghĩa vụ của họ có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của đương sự cũng như quá trình xét xử, có thể dẫn đến việc hủy bản án và phải xét xử lại từ đầu.

Thứ hai, quy trình đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 vẫn chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Không phải lúc nào người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cũng có thể đăng ký vì thủ tục này còn thiếu quy định quy định chính xác các tình huống từ chối đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trong nhiều trường hợp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chưa được cấp giấy chứng nhận hay làm thủ tục đăng ký theo thời gian luật định, nhiều vụ việc. Thẩm phán chủ tọa không ý thức được giá trị của những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp dẫn đến rất ít trường hợp được tòa bảo đảm thời gian tiến hành thủ tục là 3 ngày theo quy định của pháp luật. Thay vào đó là tình trạng chậm làm thủ tục cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn khởi kiện, thụ lý vụ án.

Thứ ba, theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, phạm vi khởi kiện của đương sự được thể hiện trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu phản tố, đơn yêu cầu độc lập đối với những thay đổi, bổ sung đơn khởi kiện của đương sự. Thẩm phán phải xác định đúng, đầy đủ các yêu cầu của đương sự trong vụ án. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số vụ án khi xét xử sơ thẩm bị Tòa án cấp trên hủy bản án với lý do: (1) Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vượt quá phạm vi khởi kiện của đương sự. (2) Hoặc Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết hết yêu cầu khởi kiện của đương sự.

Kiến nghị hoàn thiện 

Thứ nhất, cần bổ sung quy định về xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự.

Cần phải “xác định tư cách của đương sự” và “tiêu chuẩn đánh giá tư cách đương sự”. Việc xác định tư cách của các đương sự có ý nghĩa quan trọng đối với việc điều hành hiệu quả hoạt động tố tụng dân sự của Tòa án. Do đó, việc đưa ra cơ sở để Tòa án thực hiện tốt việc xác định tư cách đương sự có ý nghĩa quan trọng đối với không chỉ Tòa án mà còn đối với các bên tranh chấp nhằm hiểu rõ hơn vị trí và quyền của các bên, cũng như trách nhiệm của họ khi tham gia tố tụng. Cơ sở xác định tư cách đương sự có thể được quy định như sau: 

“Xác định đương sự là xác định chủ thể được cho là có quyền, lợi ích tranh chấp, bị xâm phạm trong quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Tư cách của đương sự được xác định dựa trên các quy định điều chỉnh quan hệ pháp luật nội dung” [3].

Thứ hai, hoàn thiện, sửa đổi quy định về thủ tục đăng ký tham gia tố tụng đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Việc Tòa án gặp những khó khăn trong việc thực hiện thủ tục đăng ký tham gia tố tụng cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đương sự, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện pháp luật về đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cũng như các giấy tờ cụ thể cung cấp khi tiến hành đăng ký. Khi đăng ký tham gia tố tụng, người bảo vệ quyền và lợi ích cơ bản của đương sự, ví dụ, công dân Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 76 BLTTDS 2015 cần xuất trình giấy tờ yêu cầu của đương sự và giấy tờ tùy thân; trong đó có Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi công dân đăng ký thường trú cấp để chứng minh mình có đủ điều kiện tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự. Ngoài ra cũng cần phải quy định các trường hợp cụ thể mà Tòa án từ chối đăng ký. Điều này giúp cho việc đăng ký về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được thực thi thống nhất, tránh tình trạng tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật từ các Tòa án.

Hơn nữa, Điều 75 BLTTDS 2015 nên được sửa đổi, bỏ thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và thay bằng việc đương sự trực tiếp đăng ký với Tòa án thông qua đơn yêu cầu khi người có yêu cầu (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự) đồng ý.

Thứ ba, bổ sung quy định về việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của đương sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm.

Với mục đích tạo điều kiện cho đương sự thực hiện quyền khởi kiện cũng như tạo hệ thống pháp luật để Tòa án áp dụng thống nhất trong việc hướng dẫn, xử lý việc sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của họ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, BLTTDS 2015 phải bổ sung quy định về đối tượng này theo hướng sau: 

- Các bên liên quan có quyền tự do sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập của mình mà không bị ràng buộc bởi phạm vi yêu cầu khởi kiện đã được trình bày trong đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu phản tố của bị đơn, đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thời gian từ khi Tòa án thụ lý vụ án đến khi trước phiên họp bàn giao, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

- Trong thời gian phiên họp bàn giao, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, các bên đương sự có quyền sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của mình nếu yêu cầu đó không vượt quá giới hạn của pháp luật quy định về yêu cầu mà đương sự đã nộp cho Tòa án trong thời hạn kể từ thời điểm Tòa án thụ lý vụ án đến phiên họp bàn giao, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Ngoài ra, nhằm tránh làm ảnh hưởng hoặc vi phạm quyền tố tụng của các đương sự trong quá trình xét xử vụ án dân sự, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong tố tụng dân sự. Một trong những trách nhiệm quan trọng nhất mà Tòa án nhân dân tối cao phải tập trung thực hiện là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong các tranh chấp dân sự, tránh áp dụng quy định không thống nhất, gây nguy hại nghiêm trọng đến quyền của đương sự. Vai trò này chủ yếu được thực hiện thông qua ba phương thức: ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổng kết thực tiễn, xây dựng án lệ và trao đổi, giải quyết các vấn đề chuyên môn nhằm đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử./.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

3. Triệu Thùy Linh (2019), Xác định tư cách của đương sự trong vụ án dân sự và thực tiễn tại các Tòa án nhân dân ở tỉnh Tuyên Quang, Luận văn Thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.

NGUYỄN PHI HÙNG

Tòa án Quân sự Quân khu 4