/ Trao đổi - Ý kiến
/ Nguyên tắc tôn trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế và yêu cầu hội nhập đối với Việt Nam

Nguyên tắc tôn trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế và yêu cầu hội nhập đối với Việt Nam

22/08/2023 06:29 |

(LSVN) - Với tư cách là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các quy định của tổ chức này, đây vừa là vấn đề có tính trách nhiệm, vừa là điều kiện để chúng ta hội nhập và tận dụng nó để có cơ hội hợp tác, phát triển.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn 24 công ước (trong đó có 05 công ước cơ bản) trong số 189 công ước của ILO. Tuy nhiên, ngoài những công ước đã phê chuẩn được cụ thể hoá trong Bộ luật Lao động thì ở một số nội dung quan trọng khác liên quan đến quan hệ lao động của ILO như Công ước số 144 năm 1976 về tham khảo ý kiến ba bên, Công ước số 154 năm 1981 về xúc tiến thương lượng tập thể, Công ước số 131 năm 1970 về lương tối thiểu, Công ước số 87 về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức năm 1948 vẫn chưa được luật hóa. 

Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần tiếp tục xem xét và phê chuẩn thêm các công ước của ILO nhằm hướng đến việc điều chỉnh quan hệ lao động dân chủ, tiến bộ và hội nhập. Bên cạnh đó, việc tham gia các quan hệ thương mại song phương, đa phương hoặc hợp tác kinh tế quốc tế, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA) luôn đặt ra các yêu cầu phải đảm bảo thực hiện các cam kết về tiêu chuẩn lao động quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản. Đây là một trong các điều kiện cần và đủ để Việt Nam tham gia sâu rộng và toàn diện vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Liên quan đến vai trò của các tiêu chuẩn lao động trong quá trình toàn cầu hoá cũng như việc đưa các tiêu chuẩn lao động quốc tế vào trong các FTA thế hệ mới, có hai nhóm quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này.

Quan điểm thứ nhất, những người theo chủ thuyết thương mại tự do (free trade) coi các tiêu chuẩn lao động là hàng rào cản đối với thị trường và theo họ điều kiện lao động sẽ được cải thiện từ quá trình phát triển kinh tế và tất cả mọi người (trong đó tất nhiên có người lao động) sẽ được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hoá. Quan điểm này cho rằng, nếu như các tiêu chuẩn lao động được sử dụng để điều chỉnh những hạn chế của thị trường lao động ở các quốc gia khác nhau thì không có lí do gì để xây dựng các tiêu chuẩn lao động ở cấp độ quốc tế. 

Quan điểm thứ hai, những người theo trường phái thương mại công bằng (fair trade), những tổ chức dân sự và nhóm những nhà hoạt động về quyền của người lao động lại cho rằng bên cạnh những mặt tích cực, toàn cầu hoá cũng bộc lộ những mặt tiêu cực. Trong quá trình toàn cầu hoá, nhiều vấn đề lao động bức xúc vẫn xảy ra. Tình trạng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, bóc lột, tình trạng phân biệt đối xử trong lao động, điều kiện lao động tồi tàn, người lao động bị bóc lột vẫn diễn ra nhiều và có xu hướng phức tạp hơn.

Đối với Việt Nam, trong tổng số 14 FTA mà Việt Nam tham gia đến nay, Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) là FTA đầu tiên và tiếp đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có chương riêng về lao động. Ngoài ra, bên cạnh các FTA còn có những cam kết liên quan đến việc tuân thủ Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bộ quy tắc ứng xử trong quan hệ thương mại với những nước phát triển. Chính vì vậy, trong điều kiện hiện nay việc tôn trọng, đảm bảo và tuân thủ tiêu chuẩn lao động quốc tế là nguyên tắc quan trọng của luật lao động.

Ngoài ra, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin dẫn đến làm việc qua mạng internet không còn xa lạ. Tất cả những điều đó (robot làm việc thay con người, ứng dụng công nghệ thông tin trong làm việc...) dẫn đến sự thay đổi về bản chất của quản trị nhân sự truyền thống. Từ đó hàng loạt các vấn đề về pháp luật lao động liên quan cũng cần phải có sự nhận thức lại cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới.

PHẠM VĂN PHƯƠNG

Toà án quân sự Quân khu 7

Thách thức của trí tuệ nhân tạo với ‘quyền được lãng quên’ và một số khuyến nghị cho pháp luật Việt Nam

  

 

Nguyễn Mỹ Linh