Theo luật pháp hiện hành, phụ nữ phải chờ đợi 100 ngày để tái hôn sau khi ly hôn. Các nhà chỉ trích cho rằng đây là một quy định cổ hủ và phân biệt đối xử về vấn đề tái hôn.
Bộ trưởng Yoshihisa Furukawa phát biểu tại Hội đồng Lập pháp của Bộ Tư pháp. Ảnh: Kyodo.
Theo khuyến nghị của Hội đồng lập pháp của Bộ Tư pháp lên Bộ trưởng Tư pháp Yoshihisa Furukawa, chính phủ Nhật Bản đang đặt mục tiêu thông qua những thay đổi mang tính bước ngoặt được đề xuất đối với Bộ luật Dân sự năm 1898 trong năm tài chính 2022, kết thúc vào tháng 3 năm sau.
Ngoài ra, về vấn đề công nhận quan hệ cha con hợp pháp, Bộ luật Dân sự quy định rằng đứa trẻ sinh ra trong vòng 300 ngày sau khi ly hôn sẽ được coi là con của người chồng cũ, trong khi đứa trẻ sinh ra trong vòng 200 ngày sau khi tái hôn sẽ được coi là con của người chồng hiện tại.
Điều khoản này được đưa ra nhằm bảo vệ quyền lợi của đứa trẻ bằng cách nhanh chóng xác định người cha hợp pháp của đứa trẻ.
Mặc dù điều khoản về quan hệ cha con hợp pháp đề cập đến "trong vòng 300 ngày kể từ ngày ly hôn" sẽ vẫn giữ nguyên, nhưng sẽ miễn trừ trường hợp mà một phụ nữ tái hôn vào thời điểm sinh con. Trong những trường hợp như vậy, đứa trẻ sẽ được công nhận là con của người chồng hiện tại.
Theo quy định hiện hành, các yêu cầu về quyền làm cha hợp pháp của người chồng cũ và người chồng hiện tại sẽ chồng chéo lên nhau nếu người phụ nữ tái hôn ngay sau khi ly hôn và sinh con từ 201 ngày đến 300 ngày sau khi ly hôn.
Sau khi những thay đổi trên được thực hiện, lệnh cấm tái hôn trong vòng 100 ngày đối với phụ nữ cũng sẽ được bãi bỏ.
Quy định hiện hành về quan hệ cha con hợp pháp được nghiên cứu lại chủ yếu để ngăn chặn tình trạng ngày càng nhiều trẻ em không có hộ khẩu, khiến chúng gặp bất lợi khi hưởng các dịch vụ y tế.
Trong số 825 cá nhân không có hộ khẩu tính đến tháng 1 năm nay, khoảng 70% là các trường hợp người mẹ không báo cáo về việc sinh nở liên quan đến quy tắc quan hệ cha con pháp lý hiện hành. Nhiều phụ nữ đã chọn không báo cáo về việc sinh con của họ với người bạn đời hiện tại để tránh việc người chồng cũ được thừa nhận là cha hợp pháp của đứa trẻ.
Một số người mẹ trong số đó là nạn nhân bạo lực gia đình hoặc vẫn đang tiến hành thủ tục ly hôn nhưng đã có con với người bạn đời mới.
Các đề xuất sửa đổi đối với Bộ luật Dân sự cũng gồm việc trao cho người mẹ và đứa trẻ quyền lợi được đề nghị tòa án phân xử để từ chối quyền cha con hợp pháp đối với người chồng xử. Hiện tại, chỉ có người chồng được phép làm điều đó.
TTXVN
Sinh viên cử tuyển tự thôi học có phải bồi hoàn học bổng chính sách?