Theo Bộ Giao thông vận tải, để khuyến khích phát triển vận tải đường thủy nội địa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05/10/2015 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện các nội dung chính sách tại Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg đã đạt được một số kết quả nhất định. Năm 2020, khối lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa đạt 337,1 triệu tấn, chiếm 19% toàn ngành, khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 68,9 tỷ tấn.km, chiếm 20,3% toàn ngành.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động vận tải đường thủy nội địa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, còn tồn tại một số vấn đề cần tháo gỡ, đó là một số địa phương chưa quan tâm bố trí nguồn kinh phí cho công tác điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa. Các doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phục vụ vận tải container; không được hưởng chính sách ưu đãi về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh từ việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy.
Tổ chức cá nhân khi đầu tư xây dựng mới cảng thủy nội địa, hệ thống kho, bãi, cầu tàu, hệ thống thoát nước chưa được hưởng ưu đãi từ chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, do các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành hướng dẫn cụ thể. Giai đoạn 2016-2020, không được bố trí nguồn vốn ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, nguồn vốn cho công tác bảo trì đường thủy nội địa hằng năm có tăng nhưng chỉ đáp ứng được không đến 70% nhu cầu thực tế.
Chính sách hỗ trợ hoạt động vận tải và dịch vụ vận tải đường thủy nội địa chưa đạt được mục tiêu tăng thị phần vận tải đường thủy nội địa trong toàn ngành, chưa hỗ trợ miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí để giảm cước phí vận tải, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh rõ rệt của vận tải đường thủy nội địa với vận tải đường bộ và loại hình khác.
Một số địa phương ban hành chính sách hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, hướng dẫn, cấp chứng chỉ cho người điều khiển phương tiện ở các vùng có điều kiện khó khăn, tuy nhiên vẫn không thu hút được học viên đăng ký tham dự.
Để tháo gỡ các khó khăn, bất cập nêu trên, tiếp tục thúc đẩy vận tải đường thủy nội địa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, theo Bộ Giao thông vận tải, cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách được ban hành tại Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa gồm 12 điều.
So với Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg, có nhiều đề xuất quy định mới như:
Về cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung: Ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế có ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giúp kết nối hiệu quả giao thông vận tải đường thủy nội địa với các cảng biển chính (nhằm phù hợp với thực tế); ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để giải quyết nút thắt, điểm nghẽn về tĩnh không cầu trên các hành lang vận tải thủy chính theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; tập trung giải quyết dứt điểm tĩnh không cầu Đuống, cầu Đồng Nai cũ, cầu Nàng Hai trong giai đoạn 2021 đến 2025 (bổ sung từ nội dung Chỉ thị 37/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ); miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 7 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã có dự án đầu tư, phát triển cảng thủy nội địa; ưu tiên bố trí đất xây dựng cảng thủy nội địa khai thác hàng container ở khu vực phía bắc và khu vực đồng bằng sông Cửu Long…
Về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phương tiện thủy nội địa, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung: Ưu tiên bố trí đất xây dựng cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa; hỗ trợ giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu cho phương tiện thủy nội địa có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, chỉ sử dụng cho mục đích dân sinh, không kinh doanh vận tải thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư đóng mới phương tiện thủy nội địa có trọng tải từ 1.500 tấn trở lên, phương tiện thủy nội địa chở hàng container, phương tiện thủy nội địa thuộc đối tượng của Nghị định số 111/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu…
VĂN QUANG
Người tiêm vaccine Covid-19 phải gọi cấp cứu khi có 08 dấu hiệu