/ Pháp luật - Đời sống
/ Những trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không cần lập biên bản

Những trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không cần lập biên bản

12/07/2022 17:26 |

(LSVN) - Khi xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền thường lập biên bản xử lý để ghi nhận lại vụ việc và các tình tiết, quá trình liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc đó. Vậy, trong trường hợp nào thì người xử phạt vi phạm hành chính không cần lập biên bản?

Ảnh minh họa.

Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không cần lập biên bản

Theo khoản 1, Điều 56, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong các trường hợp:

- Xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

- Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Nội dung chính của quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ

Tại khoản 2, Điều 56, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ các nội dung sau:

- Ngày, tháng, năm ra quyết định; 

- Họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; 

- Địa điểm xảy ra vi phạm; 

- Chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; 

- Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. 

Lưu ý, trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

Thi hành quyết định xử phạt không lập biên bản

Theo Điều 69, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản phải tuân thủ các quy định sau:

- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt 01 bản. 

Trường hợp người chưa thành niên bị xử phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

- Cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. 

Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.

Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ thì nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại khoản 1, Điều 78, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2022) , cụ thể:

+ Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, Điều 68 hoặc khoản 2, Điều 79, Luật Xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2, Điều 78, Luật Xử lý vi phạm hành chính . 

+ Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

VŨ TRẦN

Xử lý nghiêm vi phạm trên thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ

Admin