Công nhân tụ tập đòi lương ở Công ty H&L. Ảnh: TNO.
Mới đây, sự việc hàng trăm công nhân tụ tập tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất H&L Đắk Lắk đòi tiền lương đang thu hút rất nhiều sự chú ý tới từ dư luận.
Cụ thể, ngày 29/01, khá đông công nhân vẫn tập trung tại trụ sở Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất H&L Đắk Lắk (gọi tắt Công ty H&L, ngành nghề dệt may) trong Cụm công nghiệp (CCN) Tân An (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) để đòi tiền lương tháng 01/2022.
Cần kiến nghị bằng văn bản lên cơ quan chức năng
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc chậm trả lương, nợ lương công nhân là vấn đề không hề mới mẻ.
Luật sư nhận định, đây là vấn đề nóng mà mỗi dịp cuối năm đều gây bức xúc trong dư luận, nhưng sự việc chậm trả lương hay nợ lương lại xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Cụ thể, một số doanh nghiệp (chủ sử dụng lao động) chủ ý, “chây ỳ” việc trả lương trong khi thực tế doanh nghiệp họ không hề gặp khó khăn, nhưng đa phần việc doanh nghiệp (chủ sử dụng lao động) chậm trả lương hoặc nợ lương công nhân phần lớn do gặp khó khăn trong thời điểm cuối năm khi mà hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp tồn đọng hoặc đã chuyển cho đối tác - khách hàng nhưng chưa được thanh toán, dẫn đến tình trạng hết chi phí quay vòng để trả lương – thưởng cho công nhân.
Luật sư cho hay, trước sự việc này, người lao động cần kiến nghị bằng văn bản lên thanh tra lao động của Sở LĐ-TB&XH, chính quyền để phía cơ quan chức năng vào cuộc xem xét, phương án này vừa có lợi cho người lao động và vừa có lợi cho doanh nghiệp chợm hoặc nợ lương có giải pháp xử lý kịp thời.
Doanh nghiệp nợ lương, phải làm gì?
Về vấn đề này, Luật sư Hà Thị Khuyên nêu rõ, khi bị chậm trả lượng, bị nợ lương hoặc bị thanh toán không đúng, không đủ lương thì theo quy định pháp luật lao động, người lao động nói chung và người lao động tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất H&L (Đắk Lắk) có thể sử dụng một trong các phương án sau đây để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình:
Phương án 1: Gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết tiền lương
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận của các bên, do đó, mọi vấn đề phát sinh trong trong quan hệ lao động đều có thể giải quyết bằng thỏa thuận.
Nếu hai bên có thể tìm được tiếng nói chung và công ty đồng ý giải quyết quyền lợi cho người lao động thì đây là cách tối ưu, nhanh chóng và ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, nếu công ty đã cố tình không trả lương thì việc giải quyết sẽ trở nên khá khó khăn.
Phương án 2: Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Căn cứ Điều 15, Nghị định 24/2018/NĐ-CP, việc khiếu nại tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ được tiếp nhận sau khi đã tiến hành khiếu nại lần đầu tới người sử dụng lao động mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó.
Thời hạn thụ lý: 07 ngày làm việc kể từ ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền.
Thời hạn giải quyết: Không quá 45 ngày (vụ việc phức tạp không quá 60 ngày), kể từ ngày thụ lý; Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày (vụ việc phức tạp không quá 90 ngày), kể từ ngày thụ lý.
Nếu khiếu nại lần hai không được giải quyết đúng thời hạn hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì người lao động có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính (theo điểm b, khoản 2, Điều 10, Nghị định 24).
Phương án 3: Hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động:
Theo khoản 1, Điều 190, BLLĐ năm 2019, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 06 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp từ người lao động (căn cứ Điều 188, BLLĐ năm 2019).
Tại phiên họp hòa giải, người lao động phải có mặt hoặc ủy quyền cho người khác tham gia. Tại đây, các bên sẽ thống nhất phương án giải quyết với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được, người lao động có thể xem xét phương án mà hòa giải viên lao động đưa ra.
Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết
Phương án 4: Giải quyết bởi Hội đồng trọng tài lao động:
Theo Điều 189, BLLĐ năm 2019, cách này được tiến hành sau khi đã trải qua bước hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động. Đồng thời chỉ giải quyết tranh chấp bằng Hội đồng trọng tài lao động khi cả hai bên đồng ý lựa chọn.
Thời hiệu yêu cầu: 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm.
Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thời hạn giải quyết: 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập.
Quyết định của Ban trọng tài lao động về việc giải quyết tranh chấp sẽ được gửi cho các bên. Trường hợp một bên không thi hành quyết định này thì bên còn lại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Phương án 5: Khởi kiện tại Tòa án
Theo quy định tại khoản 1, Điều 188, BLLĐ năm 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án.
Căn cứ khoản 3, Điều 190, BLLĐ năm 2019, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Người lao động gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự theo hướng dẫn của Tòa án.
Xử lý thế nào?
Theo Luật sư, tại Điều 94, BLLĐ năm 2019: “Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp người sử dụng lao động được phép chậm lương người lao động, đó là vì lý do bất khả kháng mà đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn. Khi đó doanh nghiệp chỉ được chậm lương không quá 30 ngày.
Căn cứ khoản 4, Điều 97, BLLĐ năm 2019, nếu chậm lương từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Ngoài ra, theo khoản 2, Điều 17, Nghị định 12/2022/NĐ-CP đã quy định nếu không trả lương đúng hạn theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo các mức sau:
"2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; Không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; Không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; Không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; Hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; Ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; Khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; Không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; Không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; Không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:
a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi không trả hoặc trả không đủ cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này".
“Do đó, phía đơn vị quản lý người lao động, người sử dụng lao động nếu nợ lương, chậm lương sẽ bị xem xét xử phạt hành chính và khắc phục hậu quả tùy theo tính chất và mức độ sai phạm đến đâu”, Luật sư bày tỏ quan điểm.
TRẦN QUÝ
Trách nhiệm pháp lý trong vụ án mạng vì cho rằng 'nhìn đểu' tại Hà Nội