/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Phá sản doanh nghiệp và những điều cần biết

Phá sản doanh nghiệp và những điều cần biết

15/12/2024 20:07 |

(LSVN) - Tại sao một số doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ, trong khi những doanh nghiệp khác lại nhanh chóng sụp đổ? Câu trả lời không hề đơn giản, nhưng một trong những yếu tố quan trọng chính là khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường. Khi thế giới ngày càng trở nên phức tạp và cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải không ngừng đổi mới và sáng tạo để tồn tại. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị đào thải và phá sản. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu và có sự hiểu biết pháp lý để tránh rủi ro cho mình.

Phá sản doanh nghiệp là gì?

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014, phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Trong đó, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. (Theo khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014)

Những đối tượng nào có quyền và nghĩa vụ yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại Điều 5 Luật Phá sản 2014 có quy định về người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau:

Người có nghĩa vụ:

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Người có quyền:

Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

Khi Tòa án tiếp nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các đối tượng nói trên, Thẩm phán có thể ra quyết định mở thủ tục phá sản thì khi đó, Doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản.

Thẩm quyền giải quyết phá sản doanh nghiệp

Theo Điều 8 Luật Phá sản 2014 quy định Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp và thuộc một trong các trường hợp sau:

- Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;

- Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;

- Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;

- Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.

Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 này.

4. Thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp diễn ra như thế nào?

Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản

Căn cứ theo Điều 42 Luật Phá sản 2014:

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, trừ trường hợp tuyên bố doanh nghiệp phá sản theo thủ tục rút gọnThẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

- Trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có thể triệu tập phiên họp với sự tham gia của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

- Tòa án nhân dân ra quyết định không mở thủ tục phá sản nếu xét thấy doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Trong trường hợp này, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được trả lại tiền tạm ứng chi phí phá sản; yêu cầu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thực hiện nghĩa vụ về tài sản đã bị tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thực hiện nghĩa vụ về tài sản được tiếp tục giải quyết.

- Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản có hiệu lực thi hành kể từ ngày ra quyết định.

Trong khoảng thời gian kể từ khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho tới khi Tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp có thể khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán (chẳng hạn có được nguồn thu đáng kể từ việc thực hiện hợp đồng hay được cấp một khoản tín dụng mới). Ngay cả khi mất khả năng thanh toán và đã bị chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp vẫn có cơ hội đạt được thỏa thuận với chủ nợ này về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo Điều 37 Luật Phá sản 2014.

Thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh và tuyên bố phá sản:

Căn cứ theo Điều 83 Luật Phá sản 2014 hội nghị chủ nợ có thể đưa ra nghị quyết đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi kinh doanh đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Sau đó, doanh nghiệp phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh cùng với chủ nợ, quản tài viên hay doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để làm cơ sở cho thẩm phán xem xét và triệu tập hội nghị chủ nợ. Thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận nghị quyết phương án phục hồi kinh doanh nếu hội nghị chủ nợ ra nghị quyết thông qua.

Căn cứ theo Điều 88 Luật Phá sản 2014 các biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh khá đa dạng, bao gồm: huy động vốn; giảm nợ, miễn nợ, hoãn nợ; thay đổi mặt hàng sản xuất, kinh doanh; đổi mới công nghệ sản xuất; tổ chức lại bộ máy quản lý, sáp nhập hoặc chia tách bộ phận sản xuất; bán cổ phần cho chủ nợ và những người khác; bán hoặc cho thuê tài sản và các biện pháp khác không trái quy định pháp luật.

Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản khi:

- Doanh nghiệp không còn tài sản để thanh toán lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hay chi phí phá sản 

- Hội nghị chủ nợ đã được hoãn nhưng khi triệu tập lại vẫn không đáp ứng điều kiện theo quy định

- Hội nghị chủ nợ không thông qua được nghị quyết trong lần họp đầu hay không tổ chức lại được hội nghị chủ nợ để thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hay không thông qua được nghị quyết về phương án này

- Doanh nghiệp không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn quy định, không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc vẫn mất khả năng thanh toán khi hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

Vậy doanh nghiệp phá sản gây nên những hậu quả gì cho chính doanh nghiệp và chủ nợ?

Đối với doanh nghiệp:

- Tài sản của doanh nghiệp sẽ được thanh lý để trả nợ cho các chủ nợ, chủ sở hữu có thể sẽ mất trắng.

- Việc phá sản sẽ làm giảm sút uy tín của doanh nghiệp, khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác, khách hàng trong tương lai.

Đối với chủ nợ:

- Một phần hoặc toàn bộ số nợ có thể không được thu hồi do tài sản của doanh nghiệp không đủ để thanh toán.

- Quá trình thu hồi nợ thường phức tạp và tốn thời gian.

Kết luận

Việc tìm đến luật sư trong trường hợp phá sản là điều cần thiết và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Luật sư không chỉ cung cấp tư vấn pháp lý sâu sắc mà còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý hồ sơ, đại diện trước tòa, và đàm phán với chủ nợ. Họ giúp doanh nghiệp hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, bảo vệ tài sản và quyền lợi hợp pháp trong quá trình phá sản. Nhờ vào sự hỗ trợ chuyên nghiệp, doanh nghiệp có thể tìm ra giải pháp hợp lý, từ đó tối ưu hóa cơ hội phục hồi hoặc giải quyết nợ một cách hiệu quả. Việc có một luật sư đồng hành không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt căng thẳng và tăng cường khả năng vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn là một giải pháp tối ưu dành cho các chủ nợ có thể thu hồi nợ một cách nhanh chóng.

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Các tin khác