/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Báo chí và doanh nghiệp

Báo chí và doanh nghiệp

13/07/2022 10:59 |

(LSVN) - Trong những năm qua, báo chí Cách mạng Việt Nam luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, tuyên truyền những giá trị truyền thống tốt đẹp; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời cũng là diễn đàn để nhân dân đóng góp ý kiến và thực hiện quyền giám sát công tác điều hành của chính quyền các cấp.

Trong công cuộc đổi mới, báo chí đã thể hiện vai trò, vị thế quan trọng cùng doanh nghiệp đồng hành, tạo dựng mối quan hệ gắn bó để cung cấp cho độc giả, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước những thông tin kịp thời, chất lượng, phản ánh đúng bản chất của sự việc, cùng nhau vững bước trên con đường phát triển và hội nhập kinh tế của đất nước.

Trong quá trình phát triển của nền kinh tế hiện nay, không một tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nào lại không cần đến thông tin do báo chí truyền tải. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin về khoa học, kỹ thuật, quản trị, pháp luật, thị trường, đầu tư... trong và ngoài nước, mà còn là kênh lan toả giới thiệu tiềm năng, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đến với công chúng, tạo cơ hội thu hút đầu tư, nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Báo chí cũng chính là diễn đàn của cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh chế độ, chính sách, môi trường kinh doanh, kết nối, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; khơi dậy niềm tin của xã hội vào các nhà kinh doanh; khuyến khích tinh thần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ.

Hiện nay chúng ta có hơn 700 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có tới 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, kiến thức về quản trị, kinh doanh, pháp luật của người quản lý doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Trong suốt thời gian qua, báo chí đã và đang phát huy tích cực, có hiệu quả trong việc tư vấn, hỗ trợ pháp luật và phát triển triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Đặc biệt, có rất nhiều luật sư tham gia làm báo, cung cấp những kiến thức thông tin chuyên sâu, cần thiết về pháp luật, quản trị, kinh doanh, thị trường, đầu tư... cho doanh nghiệp.

Trách nhiệm của người làm báo là góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn và luôn hành động vì lợi ích cộng đồng. Làm báo là một nghề đòi hỏi các tiêu chuẩn cao không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn phải rèn luyện đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực. Hàng ngàn nhà báo chân chính, trải qua các thời kỳ của cách mạng đã không sợ hiểm nguy, gian khó, luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và ngày nay họ đang đồng hành cùng doanh nghiệp trong công cuộc đổi mới, hội nhập. Doanh nghiệp chính là sức mạnh của nền kinh tế đất nước, đồng hành cùng doanh nghiệp là trách nhiệm của những người làm báo để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoạt động báo chí là sáng tạo ra các sản phẩm phát hành qua bản in, truyền dẫn điện tử, phát sóng báo nói, báo hình nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Yêu cầu đối với báo chí là thông tin phải chính xác, nhanh chóng, phản ánh trung thực mọi mặt của đời sống, xã hội. Trong giai đoạn phát triển và hội nhập kinh tế, việc truyền thông đối với doanh nghiệp là cần thiết hàng giờ; đồng thời doanh nghiệp là khách hàng, là nơi cung cấp nguồn tin vô tận, là cơ hội cho hoạt động báo chí phát triển. Mối quan hệ đồng hành, hợp tác giữa doanh nghiệp và báo chí ngày càng gắn bó, bổ trợ cho nhau, chia sẻ khó khăn, thuận lợi cùng hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển.

Khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ

Trước những biến động mạnh mẽ của thị trường và những khó khăn chung của nền kinh tế sau thời kỳ đại dịch Covid-19, thực tiễn đang đặt ra yêu cầu thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hơn. Làm sao để doanh nghiệp có thể tin tưởng và tiếp cận với báo chí một cách hiệu quả là điều mà những người làm truyền thông đang cần; phía trước đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ cho cả hai bên.

Thứ nhất, những người làm báo chuyên sâu về doanh nghiệp chưa nhiều, do chưa nghiên cứu sâu về ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh nên các bài viết về doanh nghiệp còn “hời hợt” hoặc không đúng trọng tâm. Nhiều cơ quan báo chí chưa rành mạch giữa việc kinh doanh và nhiệm vụ dẫn dắt dư luận một cách khách quan; những gương tốt, điển hình ít nêu, nếu có cũng chỉ là thông tin giới thiệu chung; những hiện tượng tiêu cực nêu nhiều nhưng không phân tích sâu về nguyên nhân, lý do để cảnh báo cộng đồng; thậm chí có trường hợp còn lợi dụng ngôn luận để trục lợi cá nhân hoặc ép doanh nghiệp phải mua quảng cáo để làm kinh tế.

Thứ hai, vẫn còn quan niệm cho rằng tiếp xúc với báo chí thì “lợi ít, hại nhiều” cho nên nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách “né tránh” báo chí. Doanh nghiệp chưa chủ động trên lĩnh vực truyền thông, không cung cấp những thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí. Người quản lý doanh nghiệp cần tìm hiểu Luật Báo chí, để biết rõ hơn quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi làm việc với báo chí cũng như quyền của nhà báo khi làm việc với doanh nghiệp. Muốn có sản phẩm báo chí chất lượng đến được với công chúng nói chung và với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng không chỉ là công sức của các nhà báo, phóng viên mà còn cần có sự hợp tác tích cực của doanh nghiệp.

Thứ ba, doanh nhân khởi nghiệp thành công là cả một chặng đường gian nan, phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức và trên thực tế cũng không hiếm “tai bay, vạ gió” do truyền thông đưa đến. Thời gian qua đã có một bộ phận nhà báo, phóng viên bị suy thoái về tư tưởng, đạo đức, tìm cách “quấy nhiễu” doanh nghiệp, đã có nhà báo bị bắt vì tống tiền tổ chức, cá nhân hoặc giả danh phóng viên, nhà báo làm ảnh hưởng đến uy tín, miền tin của người dân, doanh nghiệp.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc chúng ta cần phải có các chế tài xử lý nghiêm khắc hơn, mới đủ sức răn đe đối với những hành vi cố tình vi phạm đã xảy ra như thời gian qua. Triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ để theo dõi tin bài trên các báo, tạp chí điện tử, giám sát chặt chẽ không để tình trạng “sáng đăng, chiều gỡ” ở một số báo điện tử trong thời gian qua; tăng cường thanh tra, kiểm soát việc cấp thẻ phóng viên và mở văn phòng đại diện hoặc chuyên trang. Các cơ quan chức năng, người đứng đầu cơ quan báo chí cần chú trọng đến việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với phóng viên, cộng tác viên và quản lý, giám sát các hoạt động bằng quy chế.

Để quan hệ báo chí và doanh nghiệp gắn kết đồng hành đạt hiệu quả hơn nữa, những người làm báo cần tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng lòng tin bền vững, xứng đáng là người bạn đồng hành tin cậy trong hoạt động doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển và hội nhập.

Luật sư TRẦN VĂN CHƯƠNG

Trung tâm Hỗ trợ pháp luật, Hiệp hội Doanh nhiệp NVV Việt Nam

Pháp luật về tuyển dụng, sử dụng người lao động chưa thành niên theo BLLĐ 2019

Lê Minh Hoàng