Phạm Sư Mạnh – nhà thơ – nhà ngoại giao – nhà quân sự

09/05/2019 07:31 | 4 năm trước

LSVNO - Gần 50 năm làm quan dưới ba triều vua Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, ông đã đảm nhiệm nhiều trọng trách. Năm Mậu Tuất (1358), triều đình cử ông giữ chức Nhập nội hành khiển. Năm Kỷ Hợi (1359...

LSVNO - Gần 50 năm làm quan dưới ba triều vua Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, ông đã đảm nhiệm nhiều trọng trách. Năm Mậu Tuất (1358), triều đình cử ông giữ chức Nhập nội hành khiển. Năm Kỷ Hợi (1359) thăng chức Hành khiển tả ty lang trung. Tới năm Nhâm Dần (1362) thăng chức Tri khu mật viện sự. Do đảm nhiệm những công việc lớn của triều đình, ông phải đi khắp đất nước, từ chốn biên cương đến miền duyên hải. Vốn phóng khoáng, nên tới đâu ông cũng đi thăm các danh lam thắng cảnh, đề thơ, nên thơ của ông trải rộng khắp đất nước.

Phạm Sư Mạnh tên thật là Phạm Độ, người làng Hiệp Thạch, huyện Hiệp Sơn, nay là xã mang tên ông – xã Phạm Mạnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Khi còn nhỏ đi học, nổi tiếng thần đồng, lại được thầy Chu Văn An rèn dũa nên tài năng thơ văn của ông càng phát triển. Tương truyền rằng núi Phượng Hoàng nơi Chu Văn An mở trường dạy học, núi Yên Phụ, nơi có đền thờ An Sinh Vương và động Kính Chủ quê hương ông, đều từng là nơi đọc sách của Phạm Sư Mạnh. Ông đỗ Thái học sinh (tương đương tiến sĩ) khoa Quý Tỵ (1323) và được bổ dụng làm quan ngay.

Chân dung Phạm Sư Mạnh. Nguồn: Internet.

Gần 50 năm làm quan dưới ba triều vua Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, ông đã đảm nhiệm nhiều trọng trách. Năm Mậu Tuất (1358), triều đình cử ông giữ chức Nhập nội hành khiển. Năm Kỷ Hợi (1359) thăng chức Hành khiển tả ty lang trung. Tới năm Nhâm Dần (1362) thăng chức Tri khu mật viện sự. Do đảm nhiệm những công việc lớn của triều đình, ông phải đi khắp đất nước, từ chốn biên cương đến miền duyên hải. Vốn phóng khoáng, nên tới đâu ông cũng đi thăm các danh lam thắng cảnh, đề thơ, nên thơ của ông trải rộng khắp đất nước.

Cùng chung số phận với nhiều tác phẩm của các tác giả thời đại Lý Trần, thơ văn Phạm Sư Mạnh “thất truyền” và “tam sao thất bản” chắc là không ít. Qua nhiều lần sưu tầm tập hợp từ thế kỷ 15 tới nay, mới tìm được 42 bài thơ và một bài văn bia.

Ông có thơ đề ở tháp Bảo Thiên (Thăng Long), chùa Sùng Nghiêm (Thanh Hóa), chùa Thiên Tượng trên núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) và ở nhiều địa danh khác nữa.

Như những nhà thơ yêu nước khác, Phạm Sư Mạnh hết lời ca ngợi những chiến công vang dậy trong lịch sử. Với niềm tự hào dân tộc, nhà thơ nhắc đến Bạch Đằng, dòng sông quê hương, dòng sông của chiến công:

Hung hung Bạch Đằng đào

Tưởng tượng Ngô Vương thuyền…

Bạch Đằng lồng lộng ba đào

Tưởng thuyền Ngô chúa thét gào năm xưa.

Câu thơ trên trích trong bài “Thạch Sơn Môn cổ thể thi” là bài thơ chữ Hán dài 18 câu, 5 chữ hiện còn khắc trên vách núi động Kính Chủ.

Hình ảnh Bạch Đằng Giang lại tái hiện khỏe khoắn đẹp tươi lạ thường:

Vũ trụ kỳ quan Dương Cốc nhật

Giang sơn thanh khí Bạch Đằng thu.

(Đề Hiệp Sơn Bão Phúc nham)

Bạch Đằng thu nắng đầy vơi

Kỳ quan Dương Cốc mặt trời rọi soi.

Thiên nhiên trong thơ ông vừa có tính lãng mạn vừa mang tính hiện thực tinh tế:

Lưỡng ngạn tân sương kim quất quốc

Mãn thành tế vũ thổ hà thiên.

(Hộ giá Thiên Trường thủ sự)

Cả xứ mưa bay rươi trắng nõn

Hai bờ sương xuống quýt vàng hung.

Những “rươi trắng nõn”, “quýt vàng hung” của đất Thiên Trường, quê hương các vua Trần, lần đầu tiên đi vào thơ văn rất tự nhiên.

Ngày nay, nhãn Hưng Yên, vải Thanh Hà… đi vào văn chương không còn là sự lạ. Nhưng 700 năm trước, trong thơ chữ Hán, thoát khỏi khuôn sáo ước lệ “tùng, cúc, trúc, mai” để đi vào hiện thực Việt Nam một cách tinh tế như Phạm Sư Mạnh, quả không nhiều.

Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, mục Thiên Chương đều có những câu phẩm bình về thơ văn và tác giả Phạm Sư Mạnh.

Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, từng khen: “Tình thơ siêu mại, hào sảng nổi tiếng đời Trần, câu hay, lời đẹp”…”.

Chẳng những là nhà thơ siêu việt, Phạm Sư Mạnh còn là nhà ngoại giao có tài uyên bác.

Đời Trần Dụ Tông (1341 – 1369) ông giữ nhiều trọng trách về ngoại giao. Hồi đó nhà Nguyên sai sứ là Vương Sĩ Hành sang chất vấn về cột đồng. Trần Dụ Tông vời Phạm Sư Mạnh ra đối đáp (1345). Nhờ uyên thông kinh sử, lại khéo léo mềm mỏng, ông đã biện bác thắng lợi, sứ Nguyên không dám hạch sách nhiễu sự nữa. Phạm Sư Mạnh lại được vua cử đi sứ biện bạch, ông có làm một chùm thơ khi đi sứ cùng với những bài thơ xướng họa với Dư Quý sứ nhà Nguyên. Lê Quát, bạn văn thơ đồng triều, có thơ tặng lúc lên đường.

Trong Đại Nam nhất thống chí có viết một giai thoại về chuyến đi sứ của ông như sau:

Thời đó, kẻ thần hạ hễ ai trùng tên với họ hàng nhà vua, đều phải đổi cả. Phạm Độ trùng tên với Trần Thủ Độ nên phải đổi là Phạm Sư Mạnh. Do có tên là Sư Mạnh nên khi đi sứ, nhà Nguyên thử tài ông bằng cách hỏi nghĩa về sách Mạnh Tử. Phạm Sư Mạnh bèn viết liền một mạch 7 thiên (trọn bộ) sách Mạnh Tử, khiến vua quan nhà Nguyên vô cùng khâm phục, thôi không dám thử tài về chữ nghĩa nữa.

Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngoại giao, bảo vệ an toàn biên cương cho giang san Đại Việt triều Trần.

Năm 1362 được cử giữ chức Tri Khu mật viện sự, ông đã từng đi kén duyệt quân ở 5 lộ để chấn chỉnh quốc phòng. Ông đã làm tất cả những gì có thể để chăm lo củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh Tổ quốc Đại Việt.

Với con mắt của nhà quân sự, Phạm Sư Mạnh cảm nhận thiên nhiên Tổ quốc ta chẳng những giàu có mà còn kiên cố trường tồn:

“Lâu Lại cốc thâm ư tỉnh đề

Chi Lăng quan hiểu dữ thiên tề.

(Chi Lăng động)

Hang Lâu lại sâu hơn đáy giếng

Ải Chi Lăng hiểm trở tựa trời.

Nhà thơ nhìn thiên nhiên bằng con mắt hiện thực và thấy ở đó khả năng phòng thủ đất nước rất thuận lợi:

Không đới Thất Tuyền liên Thượng Ngao,

Thạch vi cương giới thủy vi hào.

(Tam Thanh động)

“Khống chế Thất Tuyền với Thượng Ngao

Đá làm bờ cõi, nước làm hào.

Phạm Sư Mạnh ý thức được trách nhiệm của kẻ sĩ, rất tự hào được đội ơn vua lên mở mang nơi trấn thủ, dẹp yên giặc giã, dập tắt binh đao:

Ngõ hạnh mông âu khai chế khổn

Khu nhương đạo tặc tức can qua.

(Hành quân)

Ta đội ơn vua lên trấn thủ

Tiễu trừ giặc cướp diệt binh oai.

Được triều đình cử đi kén duyệt quân, chấn chỉnh biên phòng, làm nhiệm vụ của một nhà quân sự. Phạm Sư Mạnh đã thử sức mình:

Chí tương lang miếu kinh luân thủ

Thảo tà binh nhung đệ nhất thiên.

(Quang Lang đạo trung)

Kinh luân dốc chút tài lang miếu

Thảo sách binh nhung thử một chương.

Với tấm lòng trung quân ái quốc, Phạm Sư Mạnh đã phải lo lắng nghĩ suy để củng cố miền biên cương của Tổ quốc:

Bạch thủ Lang Châu nguy chế trí

Nhất khâm trung xích tắc càn khôn.

(Thượng Ngao)

Bạc đầu xếp đặt yên châu Lạng

Đỏ chói lòng trung lấp đất trời.

Bạc đầu lo việc nước, hình ảnh xuất hiện nhiều lần trong thơ Phạm Sư Mạnh:

Bình sinh nhị thập an biên sách

Nhất thốn đan tâm chiếu bạch đầu.

(Quan bắc)

Kế sách an biên ta sẵn có

Lòng son soi tóc bạc phơ phơ.

Qua thơ văn Phạm Sư Mạnh, ta thấy ông không chỉ là một nhà thơ lỗi lạc, mà còn là một nhà ngoại giao, một nhà quân sự có tài hết lòng phục vụ giang sơn Đại Việt triều Trần.

Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn… đánh giá rất cao thơ văn ông. Đời sau, Phạm Nguyễn Khiêm còn đánh giá cao hơn: “Đương thời văn chương Phạm Sư Mạnh trùm đời, khí độ hơn người, tiếng lừng hai nước”.

Phạm Sư Mạnh đã sống trong cả hai giai đoạn thịnh và suy của triều Trần, do đó tâm hồn ông cũng phong phú và đa dạng. Thơ văn Phạm Sư Mạnh phản ánh đúng con người ông và phần nào xã hội Việt Nam thế kỷ XIV, và là tấm gương phản chiếu thời đại.

Cái còn lại đối với chúng ta ngày  nay là tấm lòng trung trinh ái quốc nồng nàn cũng như tinh thần tích cực hành động, xây dựng trong mọi tình huống, rất xứng đáng là một tài năng đã làm rạng rỡ cho quê hương, đất nước.

Nhiều làng xã, đường phố, trường học trong cả nước mang tên ông. Ở thành phố Hải Dương xưa từng có một trường trung học mang tên Phạm Sư Mạnh. Ngày nay, ở thành phố Hải Dương có đường phố Phạm Sư Mạnh. Hải Dương vinh dự, tự hào là quê hương của nhà thơ, nhà ngoại giao, nhà quân sự Phạm Sư Mạnh.

Thanh Hà (theo Xưa và Nay)