Ảnh minh họa.
Mới đây, tại phần nghi thức chào cờ trước trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào, khi bản Quốc ca Việt Nam vang lên thì trên một số kênh YouTube do Next Sports tiếp sóng bị ngắt âm thanh, kèm lời xin lỗi của đơn vị này: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm". Qua tìm hiểu, chính Next Sports đã tự tắt tiếng để “đề phòng rủi ro”. Trên thực tế, video những trận đấu của các quốc gia khác trên kênh YouTube của Next Media cũng bị tắt tiếng để không bị xác nhận bản quyền âm nhạc.
Sự việc trên đã khiến nhiều người hâm mộ vô cùng bức xúc khi cảm thấy lòng tự hào dân tộc bị xâm phạm nghiêm trọng, đồng thời đặt ra một câu hỏi lớn vì sao Quốc ca Việt Nam lại bị tắt tiếng vì lý do bản quyền? Tuy nhiên, cần thiết phải phân định rõ giữa quyền tác giả và các quyền liên quan đến quyền tác giả.
Để làm rõ hơn vến đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, vấn đề sở hữu trí tuệ được quy định tại Văn bản hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ số 07/VBNH-VPQH do Văn phòng Quốc hội ban hành ngày 25/6/2019 (Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019). Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa phân biệt được khái niệm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa (Điều 4). Như vậy, trong sự việc kể trên, đang có hai quyền sở hữu trí tuệ đó là quyền tác giả và quyền liên quan tới quyền tác giả. Hai quyền này có liên quan tới nhau nhưng được pháp luật bảo hộ riêng biệt.
Quyền tác giả đối với tác phẩm Tiến quân ca (nhạc và lời) thuộc về cố Nhạc sĩ Văn Cao. Quyền liên quan đến quyền tác giả đối với bản ghi âm, ghi hình tác phẩm Tiến quân ca thuộc về nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sử dụng thời gian, tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của chính mình để tạo nên bản ghi âm, ghi hình đó. Bài hát được kết hợp bởi hai thành phần là nhạc và lời, tuỳ theo cách phối khuôn nhạc khác nhau có thể tạo ra những âm hưởng khác nhau trên cùng một lời nhạc. Bản ghi âm, ghi hình có thể do những chủ thể khác nhau làm nền nhạc khác để lồng vào lời bài hát. Chính vì lý do đó mà đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình được pháp luật thừa nhận về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm do chính mình tạo ra.
Có phải tất cả bản ghi âm, ghi hình đều được bảo hộ?
Không phải tất cả các bản ghi âm, ghi hình được tạo ra đều được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Điều kiện để Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình là chủ thể đó phải là tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác (Điều 16); Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình phải có quốc tịch Việt Nam (Điều 17). Những nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình nếu thoả mãn được cả hai điều kiện trên thì được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với bản ghi âm, ghi hình đó.
Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền: Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình; Nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng (Điều 30).
Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng (Điều 33). Như vậy, đơn vị phát sóng có trách nhiệm thoả thuận và trả thù lao cho nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.
Tuy nhiên, bản ghi âm, ghi hình không được bảo hộ vĩnh viễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố (Điều 34). Đồng thời, hành vi công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng được coi là xâm phạm tới quyền liên quan (Điều 35).
Tác phẩm Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Tác phẩm Tiến quân ca đã được gia đình cố Nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cả phần nhạc và lời cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Như vậy, Tiến quan ca là tác phẩm nghệ thuật thuộc sở hữu toàn dân. Tuy nhiên, đối với bản ghi âm tác phẩm Tiến quân ca thì lại khác. Trước khi sự cố xảy ra, chưa có bất kỳ bản ghi nào được công bố là hiến tặng nhân dân hoặc được cơ quan nhà nước trực tiếp ghi âm để nhân dân trong nước sử dụng miễn phí, tất cả các tác phẩm trên thị trường đều do tư nhân sản xuất nhằm mục đích thương mại.
Do đó, đơn vị phát sóng nếu cố tình phát bản ghi âm bài hát Tiến quân ca trên mạng xã hội trong khi chưa được sự cho phép của nhà sản xuất là xâm phạm tới quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể khác. Việc đơn vị tiếp sóng Next Sports tự tắt tiếng Quốc ca của Việt Nam về vấn đề bản quyền đối với bản ghi âm của đơn vị khác thể hiện sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ đối với đơn vị sản xuất bản ghi âm.
Theo Luật sư Kiều Trang, trong sự việc này, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, đơn vị được Nhà nước Việt Nam trao quyền thực hiện hoạt động liên quan đến việc giữ gìn và phát huy những giá trị của Quốc ca nhưng trong suốt thời gian gần 80 năm từ năm 1946 tới nay đã không làm tròn trách nhiệm của mình là thu âm một bản ghi âm quốc ca để nhân dân Việt Nam được sử dụng miễn phí. Chính việc Việt Nam không có một bản ghi miễn phí nên mới xuất hiện việc Quốc ca Việt Nam bị báo lỗi bản quyền. Từ đó dẫn tới việc không thể phổ biến sâu rộng tác phẩm này ra công chúng.
Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước có thể viện dẫn quy định về giới hạn của quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 7 để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Theo đó, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ. Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những Điều kiện phù hợp.
Sau sự việc này, Luật sư Kiều Trang hy vọng mỗi người dân cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sở hữu trí tuệ để có những biện pháp hữu hiệu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình. Đồng thời, mọi người cũng cần phải biết tôn trọng và thừa nhận những sản phẩm trí tuệ của người khác trong ứng xử xã hội thường ngày, đảm bảo một xã hội văn minh, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
LINH NHI
Tắt tiếng Quốc ca vì lý do bản quyền: Cần phân định rõ quyền tác giả và các quyền liên quan