LSVNO - Hiện nay, tình trạng tham nhũng, vòi vĩnh, quan liêu là biểu hiện về suy thoái đạo đức của một số cán bộ đảng viên có chức, có quyền. Để xảy ra những tình trạng trên thì người đứng đầu liệu có vô can?
Thời gian qua, Đảng đã tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhiều vụ án đã bị phanh phui, không ít cán bộ, lãnh đạo vướng vòng lao lý. Thế nhưng, dường như tình hình vẫn chưa được ngăn chặn, có nơi còn tăng thêm; thậm chí, còn xảy ra tình trạng tham nhũng ngay chính trong những cơ quan phòng chống tham nhũng.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh là Phó Phòng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng. Ảnh: UBND huyện Vĩnh Tường.
Đơn cử như vụ việc một số cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng bị nghi có dấu hiệu tham nhũng khi đòi “chung chi” số tiền lớn khi đoàn này đang thực hiện công tác thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Hay, vụ việc 5 cán bộ thanh tra Thanh Hoá bị bắt vì có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, nhận tiền của đối tượng bị thanh tra.
Chỉ điểm lại hai vụ việc trên, có thể thấy, đó là biểu hiện của sự thoái hóa biến chất cần khẩn trương lên án và chấm dứt. Đừng để đến khi tình trạng đó trở thành vấn nạn thì phong trào phòng chống tham nhũng bấy lâu nay trở lên vô nghĩa, và còn vô hình tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho “sâu mọt” có cơ hội tham nhũng phát triển.
Khi tình trạng tham nhũng xảy ra ngay chính trong những cơ quan phòng chống tham nhũng, dư luận đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu của bộ, ngành đó: Người đứng đầu có vô can trước việc để cấp dưới có những biểu hiện của sự tham nhũng, sách nhiễu?
Trước không ít những vụ việc tham nhũng bị phanh phui, thậm chí ngay cả cơ quan chống tham nhũng cũng có biểu hiện tham nhũng, thiết nghĩ cần tăng cường vai trò giám sát của nhân dân; phát huy và đẩy mạnh quy chế dân chủ ở các cấp bộ ngành và trực tiếp tại cơ sở…
Phạm Sỹ