Từ chủ trương đúng đến hệ thống chính sách hoàn thiện
Thực hiện đường lối đổi mới, trong những năm qua, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác phát triển nhà ở cho người dân và được cụ thể hóa trong nhiều chủ trương, chính sách về bảo đảm an sinh xã hội trong các Nghị quyết của Đảng. Cụ thể, tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định: “…phát triển hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, không ngừng nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất...”.
Đặc biệt, khi đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII nhiệm kỳ 2016-2020 tại Đại hội XIII (nhiệm kỳ 2021-2026) của Đảng, trong phần “Thực hiện các đột phá chiến lược” đã nhận định: “Thể chế phát triển thị trường bất động sản và quyền sử dụng đất đang dần được hoàn thiện hơn, huy động được nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn cung và lượng giao dịch thành công ở các phân khúc thị trường bất động sản, nhất là nhà ở đều có sự tăng trưởng tốt...
Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các tầng lớp nhân dân, Đại hội XIII xác định phương hướng và giải pháp trọng tâm thời gian tới là đặt vấn đề nhà ở xã hội trong tổng thể nhiệm vụ, giải pháp phát triển xã hội, chăm lo con người: “Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp; tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc khoảng 27 - 27,5 m2 sàn/người”.
Cụ thể hơn, ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đề cập đến nội dung phát triển nhà ở xã hội: “Rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, thủ tục hành chính về nhà ở xã hội; Đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp; Đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của cả nước và từng tỉnh, thành phố; các tỉnh, thành phố bảo đảm bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.”
Tiếp đó, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng về phát triển nhà ở dành cho công nhân: “Ưu tiên quỹ đất, vốn và có các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho triển khai xây dựng đến năm 2030 được ít nhất 1 triệu nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp”.
Có thể khẳng định, trong nhiều năm qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương ở tầm quan điểm và định hướng vĩ mô trong phát triển nhà ở xã hội, đây không chỉ là định hướng quan trọng trong chính sách an sinh xã hội mà còn là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, công bằng và tiến bộ trong từng bước và toàn bộ quá trình phát triển đất nước.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển nhà ở xã hội có tính đột phá được ban hành gắn với việc xãc định rõ trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, người dân với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhà ở trong thời kỳ mới, bảo đảm giải quyết chỗ ở cho các đối tượng nói chung, đồng thời coi trọng và ưu tiên hỗ trợ về nhà ở xã hội phục vụ người có công với nước, người nghèo ở đô thị, nông thôn, công nhân, sinh viên...
Từ năm 2014, Luật Nhà ở (Luật số 65/2014/QH13) đã quy định: “Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở”. Đặc biệt, Luật Nhà ở năm 2014 đã dành 1 chương (Chương 4) để quy định riêng về chính sách nhà ở xã hội.
Ngay sau khi Luật Nhà ở năm 2014 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn thi hành, điển hình như: Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Các Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đã quy định nhiều nội dung liên quan đến nhà ở xã hội như: Quy định cụ thể 10 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở như: người có công với cách mạng, công nhân lao động, người thu nhập thấp tại đô thị...; Quy định cụ thể các cơ chế ưu đãi cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi vay vốn, hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng; Quy định về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, khu công nghiệp; Loại nhà, tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; Thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; Huy động vốn; Mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội…
Ngay sau đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị quyết nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, như: Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu; Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021…
Để sớm đưa các chính sách pháp luật vào thực tiễn, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Quyết định, Chỉ thị để hướng dẫn chi tiết trong quá trình triển khai nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, như: Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg; Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg; Quyết định số 714/2018/QĐ-TTg; Quyết định số 319/2020/QĐ-TTg; Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020);… Đặc biệt, ngày 25/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TT về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong đó, nêu rõ: “Các bộ, ngành và tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân”. Đồng thời, yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế bổ sung điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân phù hợp với tình hình mới.
Thực hiện chỉ đạo, Bộ Xây dựng, theo thẩm quyền, cũng đã ban hành hàng loạt các Thông tư để triển khai các quy định về chính sách nhà ở xã hội được giao trong Luật Nhà ở năm 2014 cũng như các Nghị định của Chính phủ, điển hình như: Thông tư số 19/2016/TT-BXD (nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước); Thông tư số 20/2016/TT-BXD; Thông tư số 09/2021/TT-BXD… Bên cạnh đó, theo thẩm quyền, các Bộ, ngành khác cũng đã khẩn trương ban hành các văn bản, như: Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất; Thông tư số 139/2016/TT-BTC ngày 12/9/2016 hướng dẫn miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hoàn trả lại hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư khi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và phương pháp xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi người mua, thuê mua được phép bán lại nhà ở xã hội; Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 09/12/2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội; Thông tư số 20/2021/TT-NHNN ngày 30/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 09/12/2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội,…
Ở cấp độ địa phương, thực hiện quy định của Luật Nhà ở 2104 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhiều Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động rà soát các điều, khoản được giao về chính sách nhà ở xã hội để ban hành các văn bản theo thẩm quyền, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động trong lĩnh vực nhà ở xã hội của các chủ thể, góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về nhà ở xã hội đi vào cuộc sống.
Đánh giá chung, từ quan điểm, chủ trương của Đảng về chính sách nhà ở xã hội, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến phát triển nhà ở xã hội đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương ban hành. Đến nay, hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội về cơ bản đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhiều sự đổi mới có tính đột phá để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là các cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ cho việc phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội, bao gồm đối tượng là người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Những kết quả đáng khích lệ
Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, công tác phát triển nhà ở xã hội trên cả nước đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội, những người có thu nhập thấp, từng bước hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người dân.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Đoàn giám sát Chuyên đề của Quốc hội về nội dung: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” cho thấy, cả nước hiện có 800 dự án nhà ở xã hội được triển khai, với quy mô 567.042 căn hộ, trong đó, có 373 dự án đã hoàn thành, với quy mô 193. 920 căn hộ.
Nếu chỉ tính riêng trong gia đoạn 2021 đến nay, theo số liệu của Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 561.816 căn. Trong đó, đã hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn; 128 dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng với quy mô 111.688 căn; 412 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai đầu tư xây dựng với quy mô 409.449 căn. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, có 8 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, trong đó 4 dự án hoàn thành toàn bộ và 4 dự án hoàn thành 1 phần với quy mô 3.136 căn. Cùng với đó, có 5 dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng, với quy mô 8.468 căn, 9 dự án đã có chủ trương đầu tư, với quy mô 8.795 căn.
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn các chủ trương, chính sách về phát triển nhà ở xã hội, ngay từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2161/QĐ-TTg, Phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ định hướng, mục tiêu và đề ra các nhóm giải pháp toàn diện đối với các loại hình nhà ở, gồm: Nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở theo chương trình mục tiêu, nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình và cá nhân.
Gần đây nhất, ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó nêu rõ: “Có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp”. Đồng thời, “Huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bất động sản lớn; có cơ chế, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội”.
Với quan điểm nhất quán của Đảng, chính sách hoàn thiện của Nhà nước cùng sự nỗ lực của các chủ thể, tin tưởng trong thời gian tới chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong phát triển nhà ở xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu bảo đảm tiến bộ, công bằng trong từng bước phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thạc sĩ PHẠM THANH BÌNH