Phòng ngừa tội phạm từ góc độ nghiên cứu nhân thân người phạm tội

12/04/2018 18:07 | 6 năm trước

LSVNO - Những dấu hiệu đặc trưng trong nhân thân người phạm tội bao gồm tất cả các đặc điểm, dấu hiệu riêng biệt của người phạm tội mà luật hình sự quy định về chủ thể của tội phạm. Dấu hiệu đặc t...

LSVNO - Những dấu hiệu đặc trưng trong nhân thân người phạm tội bao gồm tất cả các đặc điểm, dấu hiệu riêng biệt của người phạm tội mà luật hình sự quy định về chủ thể của tội phạm. Dấu hiệu đặc trưng trong nhân thân người phạm tội khác với nhân thân con người nói chung là họ đã thực hiện hành vi xâm hại các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Khái niệm nhân thân người phạm tội

Con người là sản phẩm của tự nhiên nên trước hết mang các đặc tính tự nhiên, đặc tính sinh học. Đặc tính sinh học trong con người quyết định sự hình thành tâm, sinh lý của con người. Mặc khác, con người không thể tách khỏi xã hội, tính xã hội là đặc điểm cơ bản làm cho con người khác con vật, thể hiện ở hoạt động giao tiếp xã hội. C.Mác đã chỉ rõ vai trò của xã hội đối với sự hình thành cá nhân và vai trò của cá nhân đối với sự hình thành xã hội “Bản thân xã hội sản xuất ra con người với tính cách là con người như thế nào thì nó cũng sản xuất ra xã hội như thế”[1]. Như vậy, đời sống sinh hoạt, kinh nghiệm sống của cá nhân được quy định bởi nội dung của các quan hệ xã hội cụ thể hình thành trong gia đình, môi trường, bạn bè trong lao động hay học tập. Tất cả các yếu tố đó đều có ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân thân của con người. Trong quá trình đánh giá nhân thân của con người cần phải chú ý đến đặc điểm sinh học, tâm lý và xã hội. Con người cũng là sản phẩm của xã hội cho nên khi đánh giá con người không được bỏ qua những hiện tượng có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hình thành và phát triển của nhân thân. Do vậy, khi nghiên cứu nhân thân con người nên tránh quan điểm tâm lý hóa khái niệm nhân thân, cho rằng nhân thân là tổng hợp các đặc điểm tâm lý và không liên quan đến chức năng và vai trò xã hội. Ngược lại, cũng không nên tuyệt đối hóa chức năng và vai trò xã hội mà bỏ qua các đặc điểm sinh học, tâm lý của con người.

Tội phạm là một hiện tượng tiêu cực nhất trong xã hội, xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước và pháp luật, cũng như khi xã hội phân chia thành giai cấp đối kháng. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nhà nước đã quy định những hành vi nguy hiểm cho xã hội nào là tội phạm và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người nào thực hiện các hành vi đó, nên tội phạm lại mang bản chất là một hiện tượng pháp lý. “Đối tượng nghiên cứu của tội phạm học là con người phạm tội chứ không phải là con người nói chung. Người phạm tội là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà luật hình sự quy định là tội phạm”[2]. Khi nghiên cứu nhân thân người phạm tội chính là nghiên cứu con người phạm tội cụ thể. Những dấu hiệu đặc trưng trong nhân thân người phạm tội bao gồm tất cả các đặc điểm, dấu hiệu riêng biệt của người phạm tội mà luật hình sự quy định về chủ thể của tội phạm. Dấu hiệu đặc trưng trong nhân thân người phạm tội khác với nhân thân con người nói chung là họ đã thực hiện hành vi xâm hại các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Các đặc điểm riêng đó có thể là tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, lối sống, hoàn cảnh gia đình, đời sống kinh tế, thái độ chính trị, sở thích cá nhân, ý thức chấp hành pháp luật…

Như vậy, khái niệm nhân thân người phạm tội tức là người có lỗi trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự quy định là tội phạm được hiểu là: “Tổng thể tất cả các dấu hiệu, đặc điểm có ý nghĩa về mặt xã hội, trong sự kết hợp với điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng đến hành vi phạm tội của người đó”[3].

Các đặc điểm nhân thân của người phạm tội là tập hợp những thông tin phản ánh những đặc điểm chủ yếu của người phạm tội, thể hiện các dấu hiệu tiêu cực của người phạm tội. Trong tội phạm học, nhân thân người phạm tội phân chia thành 4 nhóm cơ bản sau:

- Nhóm đặc điểm nhân chủng học - xã hội bao gồm các đặc điểm về giới tính, tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp, địa vị xã hội…

 - Nhóm đặc điểm đạo đức - tâm sinh lý bao gồm các đặc điểm như quan điểm, thái độ, nhận thức đối với các giá trị đạo đức xã hội, pháp luật; nhu cầu, sở thích, thói quen; động cơ, mục đích phạm tội…

 - Nhóm đặc điểm pháp lý hình sự bao gồm các đặc điểm như tính chất hành vi phạm tội; động cơ, mục đích phạm tội; tiền án; tiền sự; phạm tội một mình hay phạm tội có tổ chức; phạm tội nhiều lần; tái phạm nguy hiểm; các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự…

- Nhóm đặc điểm liên quan đến mối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội.

Các giải pháp phòng ngừa tội phạm từ góc độ nhân thân người phạm tội

Hạn chế, khắc phục các tác động tiêu cực từ môi trường gia đình

Để phòng ngừa tội phạm nói chung thì việc hạn chế, loại trừ những nguyên nhân làm phát sinh nhân thân xấu từ góc độ gia đình có một ý nghĩa hết sức quan trọng bởi những lý do sau:

- Gia đình là nơi tạo cảm giác an toàn cho mỗi người trong cuộc sống hàng ngày, chứa đựng sự yêu thương, yên bình của các thành viên. Do đó, mỗi gia đình cần phải tạo bầu không khí ấm áp và hòa thuận, gắn bó, quan tâm chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên. Một khi được yêu thương, các thành viên trong gia đình cảm thấy mình có giá trị, từ đó hình thành sự tự tin và lòng tự trọng trong cuộc sống hàng ngày.

- Việc giáo dục các thành viên trong gia đình đòi hỏi cần có phương pháp phù hợp với đặc điểm tâm lý, khí chất, trí tuệ, năng khiếu… để mỗi người tự tin bộc lộ hết khả năng của mình. Đối với từng lứa tuổi khác nhau, phương pháp giáo dục sẽ khác nhau nhưng không nên quá nuông chiều hoặc quá nghiêm khắc; việc giáo dục quá nghiêm khắc với con cái sẽ triệt tiêu khả năng sáng tạo, làm cho con cái mất đi sự tự tin, khó hòa đồng với bạn bè và ngại bộc lộ bản thân. Vì vậy, cần có sự động viên khích lệ, khen thưởng trong gia đình khi một thành viên nào đó làm được việc tốt, có thành tích cao trong học tập, ngược lại phải phê bình và uốn nắn khi ai đó làm việc gì sai trái, thành tích học tập không tốt.

- Ông bà, cha mẹ cần làm gương cho con cháu noi theo. Khi gia đình có ông bà, cha mẹ gương mẫu sẽ tác động tích cực đến các thành viên khác của gia đình. Ngược lại, ông bà, cha mẹ không tốt, hay vi phạm pháp luật thì sẽ dẫn đến những thành viên khác trong gia đình vi phạm pháp luật, thậm chí có thái độ coi thường pháp luật, coi thường các giá trị khác của cuộc sống. Tổ chức các cuộc hội thảo, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng gia đình tiêu biểu để giáo dục nâng cao nhận thức, nhân cách cho các thành viên trong gia đình.

- Gia đình cần giáo dục lao động, tạo công ăn việc làm và rèn luyện tính tự lập, khả năng ứng phó trước những tình huống bị xâm phạm trên thực tế. Lao động vừa là phương thức hình thành nhân cách, phát triển tình cảm, bộc lộ năng lực cá nhân, vừa tạo ra nguồn của cải nuôi sống bản thân và xã hội. Chỉ thông qua lao động, con người mới có điều kiện hoàn thiện nhân cách, trở thành con người phát triển toàn diện.

- Xây dựng nếp sống sinh hoạt lành mạnh để từng thành viên trong gia đình có thời gian luyện tập nhân cách của mình. Tổ chức lối sống, trao đổi lẫn nhau trong gia đình giúp các thành viên học hỏi tính kỷ luật, sự tôn trọng mình và tôn trọng người khác; tôn trọng và bảo vệ sự phát triển hồn nhiên theo từng lứa tuổi và tạo điều kiện để nhân cách mỗi người phát triển toàn diện. Mỗi thành viên trong gia đình cần lắng nghe, không áp đặt và sử dụng bạo lực để mỗi người không bị mất phương hướng, phát triển lệch chuẩn; tập luyện cho trẻ ý thức, thói quen tự lập, không ỷ lại, dựa dẫm, biết quý trọng công sức lao động của bản thân và người khác, đặc biệt là người chưa thành niên.

- Gia đình có điều kiện kinh tế không thuận lợi cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu quan tâm, chăm sóc giáo dục lẫn nhau giữa các thành viên. Cuộc sống hiện đại ngày nay đòi hỏi các thành viên trong gia đình tham gia lao động sản xuất để tạo ra của cải, vật chất nuôi sống bản thân và gia đình nên ít có thời gian để các thành viên quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Do đó, cần thực hiện tốt các chính sách ưu tiên khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp; chú trọng công tác giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao chất lượng lao động cho gia đình và xã hội.

- Cần xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nề nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau, chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt. Hạn chế tình trạng ly hôn, ly thân của các cặp vợ chồng trẻ diễn ra phổ biến như hiện nay, khuyến khích gia đình tham gia vào công tác hòa giải các mâu thuẫn, xích mích lẫn nhau trong quá trình chung sống giữa các thành viên trong gia đình.

Hạn chế các tác động tiêu cực từ môi trường giáo dục

Hiện nay những tiêu cực trong nhà trường như sự thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử, ảnh hưởng của kinh tế thị trường... là nguyên nhân tạo ra các đặc điểm nhân thân xấu như bi quan, chán nản, chán học, coi thường tri thức; bất mãn, thiếu tôn trọng thầy cô giáo và bạn bè, thờ ơ, lãnh đạm đối với việc học tập... Những hoạt động vui chơi, giải trí không lành mạnh cũng có tác động rất lớn đến sự hình thành các đặc điểm nhân thân xấu. Do đó, việc đề ra những biện pháp giáo dục nhằm hạn chế, ngăn ngừa tác động tiêu cực từ môi trường giáo dục là một trong những nhiệm vụ quan trọng:

- Cần xác định nhà trường không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn là nơi giáo dục nhân sinh quan và hoàn thiện nhân cách cho trẻ; ngoài việc truyền dạy kiến thức phổ thông cần phải đưa pháp luật, giáo dục giới tính thành những môn học chính khóa bắt buộc để giảng dạy trong các cấp học. Thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa chuyên đề về nâng cao nhận thức và kỹ năng sống. Tài liệu giáo dục chuyên đề cần sinh động, thiết thực, đưa ra các tình huống giả định bị xâm phạm trên thực tế cuộc sống và cách ứng phó để phòng ngừa.

- Nhà trường cần tổ chức các biện pháp quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh. Làm tốt công tác này sẽ tạo điều kiện cho các em chấp hành kỷ luật với ý thức từ thấp đến cao, tạo thành ý thức tự giác cho các em ngay từ khi còn nhỏ, giúp các em hình thành thói quen, chấp hành nghiêm nội quy của nhà trường. Chú trọng công tác giáo dục kỹ năng sống cho các em, tạo cho các em sân chơi lành mạnh, phong phú, đa dạng như mô hình đội, nhóm, câu lạc bộ, trung tâm sinh hoạt thể thao, văn hóa... giúp các em giao lưu, học hỏi lẫn nhau nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc giao lưu với những nhóm tiêu cực ngoài xã hội và tránh xa những thói quen xấu.

- Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Ngoài ra, phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với gia đình trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý, giáo dục các em phát triển toàn diện; kịp thời phát hiện và có những biện pháp tác động phù hợp đối với những em có biểu hiện lười học, bỏ tiết, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, nghiện ma túy, cờ bạc, chơi games, tụ tập nhóm không lành mạnh…

- Hình ảnh của các thầy, cô giáo có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách, trạng thái tâm lý của học sinh. Cần xây dựng hình ảnh người thầy cao đẹp, là tấm gương về đạo đức và trí tuệ cho học sinh noi theo. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những giáo viên có phẩm chất đạo đức không tốt, tránh những tư tưởng phân biệt đối xử, sử dụng bạo lực để giáo dục học sinh…

 Hạn chế các tác động tiêu cực từ môi trường bạn bè

Con người sống trong xã hội, ngoài mối quan hệ với gia đình, nhà trường thì mối quan hệ với bạn bè cũng diễn ra hàng ngày và thường xuyên trong suốt cuộc đời của mỗi người, bởi con người không thể sống một mình mà cần có sự giao lưu, kết bạn với các thành viên khác. Trong một số trường hợp, việc tiếp xúc với bạn bè hàng ngày còn nhiều hơn tiếp xúc với cha mẹ trong xã hội hiện đại. Việc giao lưu, tiếp xúc với bạn bè có ý nghĩa trong việc định hình đặc điểm nhân thân tích cực nhưng song song đó cũng ảnh hưởng những đặc điểm nhân thân tiêu cực.

Đối với gia đình khiếm khuyết như cha mẹ ly hôn, ly thân, chỉ có cha hoặc mẹ thì thời gian người phạm tội tiếp xúc với bạn bè xấu do bất mãn gia đình, bất mãn xã hội càng dễ xảy ra và phổ biến. Vì vậy, các bậc cha mẹ phải thường xuyên theo sát con cái để định hướng, động viên, khuyên bảo tránh xa những bạn có lối sống tiêu cực.

Với sự phát triển internet và các mạng xã hội tràn lan, việc người phạm tội giao lưu kết bạn không chỉ dừng ở chỗ tiếp xúc với bạn bè xấu hàng ngày trong cuộc sống mà còn cả những bạn bè trong thế giới ảo. Qua việc trò chuyện, trao đổi với bạn bè xấu trên internet, gia đình thường xuyên kiểm tra, theo dõi và có những biện pháp, cách thức ngăn ngừa hiệu quả. Gia đình, thầy cô giáo cần phải thực sự là những người bạn thân thiết, hiểu rõ và chia sẻ mọi khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống cũng như trong các mối quan hệ bạn bè phức tạp của các thành viên khác thì mới giúp họ tránh khỏi những tác động xấu từ bạn bè, cần phát huy được lợi thế của nhóm bạn thân, bạn tốt trong việc hình thành nhân cách con người.

Hạn chế các tác động tiêu cực từ môi trường kinh tế - xã hội

Giải pháp đặt ra là thu hẹp khoảng cách về mức sống, về thu nhập của người lao động giữa các vùng miền; góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở vùng nông thôn, miền núi, vùng còn nhiều khó khăn. Sự chênh lệch về thu nhập, về mức sống giữa nông thôn và miền núi và thành thị hiện nay rất lớn. Vì vậy, phát triển kinh tế xã hội vùng, miền sẽ thu hẹp dần sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa nông thôn và thành thị, qua đó cũng hạn chế tội phạm do sự tác động của các yếu tố lạc hậu, đói nghèo và điều kiện kinh tế khó khăn của người dân ở những vùng nông thôn, miền núi như hiện nay.

- Công tác quản lý cư trú không dừng lại ở việc đăng ký hộ khẩu mà vấn đề quan trọng là chất lượng, cần phải làm cho người dân hiểu rằng khai báo tạm trú là nghĩa vụ của mỗi công dân. Kiểm soát chặt chẽ số người đến tạm trú và lưu trú trên địa bàn tỉnh; rà soát lập hồ sơ quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự tập trung ở địa bàn có nhiều khu công nghiệp, nhà trọ, nhà nghỉ, khu đông dân cư sinh sống. Xây dựng, nhân rộng và phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh. Triển khai thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự gia tăng các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tránh tái phạm tội.

- Lực lượng công an các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý các hoạt động dịch vụ như massage, khách sạn, nhà nghỉ, tiệm cầm đồ… Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để người hành nghề chấp hành đúng quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện sớm những nơi có biểu hiện vi phạm, tiếp tay cho tội phạm để xử lý. Đối với dịch vụ internet, cần tuyên truyền phổ biến cho những người hành nghề này có ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời sử dụng biện pháp nghiệp vụ để phát hiện các mối quan hệ bất minh, liên lạc trong quá trình chuẩn bị gây án hoặc sau khi gây án.

- Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của các cấp chính quyền về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hàng năm, các cấp chính quyền phải có nghị quyết, chương trình hành động, đề ra chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực công tác để triển khai thực hiện. Củng cố, duy trì phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh tổ quốc, đặc biệt là quản lý, giáo dục số đối tượng mới nổi, các đối tượng có nguy cơ cao phạm tội, các đối tượng tù tha, đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng nghiện ma túy. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đoàn thể trong công tác phát hiện, xử lý, trình báo người phạm tội.

Hạn chế các tác động tiêu cực từ môi trường văn hóa

- Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống. Khuyến khích, tạo điều kiện để nhân dân tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên; đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học. Có chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở sinh hoạt văn hóa, thể thao của tư nhân, của cộng đồng như: câu lạc bộ văn hóa, câu lạc bộ thể thao, trung tâm tập luyện thể thao... Thực hiện tốt công tác nêu trên sẽ xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao hiệu quả ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống, phát triển con người toàn diện thấm nhuần truyền thống văn hóa và hạn chế tác động tiêu cực đến việc hình thành các đặc điểm nhân thân xấu.       

- Tăng cường phòng chống văn hóa phẩm độc hại, các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Thường xuyên tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh của các cơ sở kinh doanh internet, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lập trang web, phát tán, chia sẻ phim ảnh, bài viết có nội dung vi phạm pháp luật. Mặc khác, cần tăng cường các biện pháp giải quyết tình trạng nhập khẩu, tiếp thu thiếu chọn lọc những sản phẩm văn hóa nước ngoài, tình trạng các văn hóa phẩm độc hại, bạo lực được bày bán và sử dụng công khai như hiện nay; phải quản lý chặt chẽ việc kiểm duyệt truyện, sách, báo, game online, băng đĩa, phim ảnh… Ngăn chặn các trang web có nội dung không lành mạnh từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam qua mạng internet hoặc hạn chế khả năng truy cập của người dùng đối với những trang web không lành mạnh.

Các giải pháp nhằm ngăn chặn tái phạm tội

Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự

Công tác thi hành án hình sự có vị trí quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đồng thời cũng là biện pháp ngăn ngừa người phạm tội tiếp tục phạm tội, giáo dục, động viên, khuyến khích, giúp cho người phạm tội hiểu, nhận thức, biết ăn năn hối hận về hành vi mình gây ra và cố gắng sửa chữa. Vì vậy cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các cấp chính quyền thực thi pháp luật về thi hành án hình sự, qua đó kịp thời nắm tình hình thi hành án ở cơ sở, phát hiện những hạn chế, vi phạm trong thi hành án để có kiến nghị khắc phục, sửa chữa kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án tại cơ sở. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về thi hành án hình sự tại cơ sở để chính quyền, các cơ quan, ban ngành đoàn thể, cộng đồng dân cư nâng cao ý thức, trách nhiệm, tích cực có biện pháp tham gia quản lý, giám sát, cảm hóa, giáo dục người chấp hành án tại cộng đồng dân cư, nơi làm việc.

- Để công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân đạt hiệu quả, trại giam nơi người bị kết án chấp hành hình phạt cần phải căn cứ vào tính chất của tội phạm, mức án người chấp hành hình phạt… thực hiện phân loại phạm nhân để biết được đặc điểm nhân thân, lai lịch, thái độ chấp hành án của từng phạm nhân mà áp dụng các biện pháp, tuyên truyền, quản lý, giáo dục, cải tạo cho phù hợp.

- Cần có chương trình đào tạo nghề ở các trại giam trên địa bàn tỉnh để dạy nghề cho người chấp hành án,có định hướng đào tạo cho phạm nhân những ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội và khả năng của họ, bảo đảm sau khi chấp hành xong hình phạt tù họ có thể kiếm sống lương thiện bằng nghề đã được học. Điều này có ý nghĩa lớn quan trọng trong việc giáo dục cải tạo người phạm tội, giúp họ hiểu rõ được giá trị của lao động và khi chấp hành xong hình phạt về địa phương, họ có thể dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng.

Thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cho người chấp hành xong hình phạt

Người phạm tội là gánh nặng cho gia đình và cộng đồng xã hội, nhưng sẽ càng đáng buồn hơn nếu gia đình và xã hội kỳ thị, không cho họ một cơ hội hoàn lương. Điều này dễ đẩy họ vào con đường tái phạm, không còn niềm tin và ý chí làm lại cuộc đời. Chính vì vậy, các chương trình giúp người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng đã và đang được các cấp, ngành, xã hội đặc biệt quan tâm. Để công tác tái hòa nhập cộng đồng đi vào chiều sâu và có hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp sau:

- Các cấp chính quyền địa phương cần có kế hoạch rà soát, lập hồ sơ theo dõi, quản lý số người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú tại địa phương; thực hiện công tác điều tra, phân loại cơ bản, nắm tình hình về đối tượng trong diện cần thiết tổ chức công tác tái hòa nhập cộng đồng để có chủ trương phù hợp và tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, không tái phạm tội. 

- Các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa bàn cần phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức dạy nghề, nâng cao tay nghề, quan tâm giúp đỡ về vật chất, thông qua các hội, đoàn thể bảo lãnh cho vay vốn để tạo việc làm hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh tăng thu nhập; phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn giới thiệu và tiếp nhận lao động đối với số người chấp hành xong án phạt tù để họ có việc làm, bảo đảm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

- Cần tăng cường công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ thông qua việc tiếp nhận, phân công trách nhiệm quản lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý như đăng ký hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân, xóa án tích… Đồng thời các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội phải thường xuyên nắm tình hình, hoạt động, diễn biến, tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn của người chấp hành xong hình phạt tù để có biện pháp quản lý, giáo dục, động viên giúp đỡ, để họ xóa bỏ mặc cảm, tích cực lao động, tham gia các hoạt động xã hội chung tại cộng đồng dân cư và tự giác chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Cấp cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi về tái hòa nhập cộng đồng với nội dung phù hợp, bằng nhiều phương pháp, hình thức phong phú, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong án phạt tù, quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ để họ ổn định cuộc sống, góp phần phòng ngừa, chống tái phạm tội và hành vi vi phạm pháp luật khác. Tuyên truyền những mô hình tiên tiến, cách làm sáng tạo có hiệu quả thiết thực giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

- Chủ động thực hiện các biện pháp giúp phạm nhân chuẩn bị tái hòa nhập ngay trong quá trình chấp hành án, đồng thời thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Để công tác tái hòa nhập cộng đồng thật sự hiệu quả thì trước tiên bản thân người chấp hành xong án phạt tù phải có ý thức nỗ lực vươn lên xây dựng niềm tin với chính quyền, cộng đồng. Bên cạnh đó thì gia đình và cộng đồng phải có sự bao dung trong việc giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa để họ có điểm tựa vững chắc trở lại cuộc sống bình thường.

Kết luận

Nhân thân người phạm tội là tổng hợp các đặc điểm, dấu hiệu, các đặc tính thể hiện bản chất xã hội của con người khi vi phạm pháp luật hình sự, mà trong sự kết hợp với các điều kiện bên ngoài đã ảnh hưởng đến việc thực hiện hành vi phạm tội của người đó. Trên cơ sở các đặc điểm nhân thân của người phạm tội, tác giả đưa ra một số giải pháp phòng ngừa tội phạm. Đó là sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các giải pháp kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, tạo việc làm cho người lao động, cùng với các giải pháp cải thiện môi trường gia đình, văn hóa giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng, tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao ý thức phòng ngừa tội phạm trong người dân.

Các giải pháp phòng ngừa tội phạm phải được tiến hành một cách đồng bộ, tùy từng thời điểm mà có sự ưu tiên nhất định. Mỗi giải pháp có vị trí, vai trò quan trọng riêng, chúng chỉ thực sự phát huy hết hiệu quả khi đặt trong mối liên hệ tác động hỗ trợ lẫn nhau để tạo thành một hệ thống đồng bộ. Công tác phòng ngừa tội phạm phải được tiến hành lâu dài, liên tục và thường xuyên trong sự kết hợp với các nhiệm vụ xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội...

Trần Tuyết Trinh

[1]: C.Mác và Ph.Ăngghen. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 42, tr.169.

[2]: Trường Đại học Luật Hà Nội (2015), Giáo trình Tội phạm học, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.149.

[3]: Võ Khánh Vinh (2008), Giáo trình tội phạm học, Trường Đại học Huế, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.131.