Theo luật hiện hành, việc xác định cha cho con trong trường hợp không có tranh chấp nhưng cũng không có thỏa thuận thì được giải quyết theo thủ tục việc hôn nhân và gia đình. Đó là trường hợp chủ thể được yêu cầu xác định là cha, là mẹ, là con đã chết quy định tại khoản 10, Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015. Pháp luật quy định rất cụ thể là vậy, nhưng Tòa án vẫn xác định người đã chết là bị đơn để xét xử. Bản án phúc thẩm có hiệu lực này cần phải được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm.
Từ việc thụ lý trái thẩm quyền lãnh thổ...
Ngày 14/01/2021, anh Đ. (SN 2001) cư trú tại huyện L., tỉnh Vĩnh Long có đơn yêu cầu TAND TP. Tuy Hòa giải quyết công nhận ông K., sinh năm 1963 (đã chết vào tháng 7/2020 tại TP. Tuy Hòa) là cha ruột của anh Đ. Lẽ ra, khi nhận đơn của anh Đ., TAND TP. Tuy Hòa cần trả lại đơn hoặc chuyển đơn cho Tòa án huyện L., tỉnh Vĩnh Long giải quyết (vì theo điểm t, Điều 39 BLTTDS năm 2015 thẩm quyền giải quyết việc này thuộc Tòa án nơi người có đơn yêu cầu cư trú). Tuy nhiên, ngày 18/01/2021, TAND TP. Tuy Hòa đã ban hành Thông báo thụ lý việc hôn nhân dân gia đình theo Điều 29 BLTTDS “Yêu cầu xác định cha cho con theo yêu cầu của anh Đ.". Việc thụ lý việc hôn nhân này là trái thẩm quyền về lãnh thổ.
… đến việc đình chỉ chuyển sang vụ kiện người đã chết
Quá trình giải quyết việc hôn nhân gia đình “xác định cha cho con”, Thẩm phán được phân công giải quyết cho rằng, người yêu cầu là anh Đ. và người có quyền lợi liên quan là bà L., mẹ ruột của ông K. (đã chết) đều có yêu cầu xét nghiệm AND để xác định quan hệ huyết thống giữa anh Đ. với người bị yêu cầu là ông K., nên xác định đây không phải việc hôn nhân mà là vụ án hôn nhân gia đình về “Tranh chấp về xác định cha con” quy định tại khoản 4 Điều 28 BLTTDS. Do đó, ngày 15/10/2021, Thẩm phán đã ban hành quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự, chuyển sang thụ lý vụ án hôn nhân gia đình. Về án phí được xem xét giải quyết trong vụ án thụ lý giải quyết vụ án.
Quyết định đình chỉ việc dân sự này không ghi quyền kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm và cũng không gửi cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Cùng ngày, Thẩm phán thụ lý giải quyết vụ kiện “Tranh chấp xác định cha cho con” giữa nguyên đơn là anh Đ. và xác định bị đơn là ông K. (đã chết), nội dung này được ghi rõ trong quyết định tố tụng của Tòa án.
“Xử người đã chết", luật nào?
Ngày 23/11/2021, TAND TP. Tuy Hòa mở phiên tòa xét xử vụ kiện hy hữu này. Tại phiên tòa, phát biểu về thủ tục tố tụng, đại diện VKSND TP. Tuy Hòa cho rằng: Ngày 18/01/2021, Tòa án thụ lý việc hôn nhân không đúng thẩm quyền vì anh Đ. cư trú tại huyện L., tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, quá trình giải quyết việc, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có tranh chấp nên Tòa án TP. Tuy Hòa chuyển sang thụ lý vụ án là đúng thẩm quyền.
Tại Bản án hôn nhân gia đình số 81/2021/HNGĐ- ST của TAND TP. Tuy Hòa đã nhận định: "Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu xác định ông K. là cha ruột của anh Đ., anh Đ. và bà nội (mẹ ruột ông K.) là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định AND để xác định quan hệ huyết thống, nên xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp xác định cha cho con” theo quy định tại khoản 4 Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Bị đơn ông K. trước khi chết có địa chỉ tại phường X. TP Tuy Hòa, nên theo quy định tại khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP. Tuy Hòa”. Bản án sơ thẩm tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác định ông K. là cha ruột của nguyên đơn.
Sau đó, bà U. (con ruột của ông K.) là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, cho rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý xét xử đối với cha bà (ông K. người đã chết) là vi phạm pháp luật tố tụng, đề nghị cấp phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm để giải quyết lại cho đúng thủ tục vì bản chất chỉ là việc hôn nhân gia đình (không có bị đơn).
Càng xử càng sai!
Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người kháng cáo nêu rõ những tài liệu chứng cứ và căn cứ pháp lý chứng minh Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng đã được quy định tại BLTTDS và Luật Hôn nhân và gia đình.
Đối với vụ việc này, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định xác định sai thẩm quyền giải quyết. Vi phạm cơ bản nghiêm trọng nhất là đưa người đã chết vào tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn để xét xử là trái pháp luật. Theo quy định của BLTTDS, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (xác định sai loại việc, sai tư cách đương sự là căn cứ để cấp phúc thẩm hủy án). Theo đó, những vấn đề kháng cáo liên quan đến nội dung yêu cầu xác định cha cho con theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình tại khoản 10 Điều 29 BLTTDS năm 2015 sẽ được giải quyết khi việc được thụ lý giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền.
Đại diện VKS tỉnh Phú Yên phát biểu quan điểm cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm về thủ tục tố tụng trong việc xác định các đương sự, khi ông K. chết đáng ra phải xác định bà L., bà Q., bà Y. (mẹ, vợ, con ông K.) là người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông K., nhưng Tòa án xác định họ là người có quyền nghĩa vụ liên quan. Bản án sơ thẩm có vi phạm thủ tục tố tụng nhưng không cần thiết hủy án để giải quyết lại vì “bản chất nội dung vụ án không thay đổi đường lối giải quyết, “đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm”.
Đồng quan điểm VKS, Tòa án cấp phúc thẩm nhận định như sau: "Người bảo vệ quyền lợi cho rằng, TAND TP. Tuy Hòa đình chỉ việc dân sự và thụ lý vụ án xác định cha cho con là không đúng và giải quyết không đúng thẩm quyền. Trong quá trình giải quyết việc dân sự xác định cha cho con thì bà L. là mẹ ruột của ông K. (bị đơn đã chết), có đơn yêu cầu tiến hành giám định AND để xác định anh Đ. (nguyên đơn) có huyết thống cha con hay không? Như vậy, vụ việc đã phát sinh tranh chấp, nên TAND TP. Tuy Hòa đã ra quyết định đình chỉ giải quyết việc hôn nhân gia đình và chuyển sang thụ lý giải quyết vụ án hôn nhân gia đình theo quy định tại khoản 4 Điều 28, khoản 5 Điều 393 BLTTDS là có căn cứ".
Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên giữ nguyên án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, xác định bị đơn ông K. đã chết là cha ruột của nguyên đơn.
Các điều luật liên quan đến giải quyết yêu cầu xác định cha cho con Theo khoản 2, Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, đối với trường hợp người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án. Về thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết đối với yêu cầu xác định cha, mẹ, con được BLTTDS quy định như sau: “Điều 28: Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. […] 4 . Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ”. “Điều 29. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. […] 10. Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”. Như vậy, trường hợp chủ thể được yêu cầu xác định là cha, là mẹ, là con đã chết được giải quyết theo thủ tục việc hôn nhân và gia đình quy định tại khoản 10 Điều 29 BLTTDS. Tòa án có thẩm quyền thụ lý việc hôn nhân và gia đình về việc “Yêu cầu xác nhận cha cho con” khoản 10 Điều 29, Điều 361, Điều 367, Điều 371, Điều 372 Bộ luật Tố tụng dân sự; căn cứ khoản Điều 90, khoản 2 Điều 101, Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Thẩm phán được phân công giải quyết là người chủ trì phiên họp giải quyết việc hôn nhân gia đình thành phần gồm và ban hành quyết định giải quyết việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của người yêu cầu. Các đương sự có quyền kháng cáo quyết định này trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. |
ĐẠI HƯNG
Lời nói ‘cuối cùng’ của cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa - Lời cảnh tỉnh cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp