/ Tin nổi bật
/ Quốc hội giám sát chuyên đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông

Quốc hội giám sát chuyên đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông

24/09/2022 11:28 |

(LSVN) - Ngày 24/9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội về "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông".

Toàn cảnh phiên họp.

Ngày 24/9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 09/2022, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội về "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông".

Trình bày kế hoạch giám sát chi tiết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội được thành lập nhằm đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó tập trung vào công tác chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2014 - 2022. Làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương.

Qua đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.

Về nội dung giám sát, Đoàn sẽ đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý Nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014 – 2022; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đánh giá về hiệu quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (kết quả bước đầu, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và hướng khắc phục).

Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức; rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp, kiến nghị triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới.

Về đối tượng giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, đối tượng giám sát là Chính phủ; Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ VH-TT&DL, Bộ LĐ-TB&XH; Chính quyền địa phương 63 tỉnh, thành phố; Các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Về phương thức hoạt động của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, Đoàn giám sát thực hiện các hoạt động giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTV Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của UBTV Quốc hội và căn cứ tình hình thực tế, tổ chức hoạt động giám sát.

Cụ thể, Đoàn giám sát sẽ tổ chức các cuộc họp của Đoàn giám sát, làm việc với một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chính phủ, các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, UBND cấp tỉnh ở các địa phương thuộc đối tượng giám sát chuẩn bị báo cáo theo đề cương của Đoàn giám sát và gửi về Đoàn giám sát để tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả giám sát. Đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề và gửi báo cáo kết quả theo yêu cầu của Đoàn giám sát.

Tại phiên họp, các thành viên UBTV Quốc hội đánh giá cao kế hoạch giám sát chi tiết đã được chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, công phu, toàn diện. Một số ý kiến đề nghị Đoàn Giám sát phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu độc lập đánh giá dư luận xã hộị, xây dựng Báo cáo kết quả điều tra xã hội học về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Một số ý kiến thảo luận đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu kế thừa các kinh nghiệm của các đoàn giám sát triển khai thời gian qua, đặc biệt trong chương trình, cần phối hợp xây dựng phóng sự, phim minh họa báo cáo kết quả chuyên đề giám sát. Ngoài ra, các thành viên UBTV Quốc hội cũng đề nghị Đoàn giám sát lưu ý hạn chế mức thấp nhất làm ảnh hưởng đến hoạt động, chương trình công tác của các bộ, ngành, địa phương; chủ động lên chương trình, dự kiến về thời gian, gửi các cơ quan, lãnh đạo các cơ quan tham gia Đoàn giám sát để vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính của cơ quan nơi công tác và tham gia hiệu quả các nội đung được phân công của Đoàn giám sát.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, UBTV Quốc hội đánh giá cao Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc chuẩn bị đầy đủ các văn bản theo quy định.

UBTV Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, tối đa các ý kiến thảo luận tại phiên họp, hoàn thành báo cáo trình xin ý kiến tại Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 tới đây, trong đó chú ý, xác định rõ phạm vi, giai đoạn, đối tượng giám sát, nghiên cứu khảo sát chọn các điển hình, đặc thù... ở các vùng kinh tế, xã hội khác nhau; làm rõ mỗi vấn đề đặc thù của mỗi bộ, ngành, địa phương; làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương; từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.

TRẦN NGUYÊN

Đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số quy định mới về hàng hóa lưu thông trên thị trường

Lê Minh Hoàng