/ Tin tức
/ Quốc hội thảo luận dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Quốc hội thảo luận dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

14/06/2022 02:06 |

(LSVN) - Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 14/6 Quốc hội thảo luận dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Quốc hội tiếp tục thảo luận các dự án Luật quan trọng

Ảnh minh họạ. 

Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động. Biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023. Tiếp đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Sau đó Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trước đó, chiều ngày 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: Có 463 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,97% tổng số ĐBQH), trong đó có 462 đại biểu tán thành (bằng 92,77% tổng số ĐBQH); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số ĐBQH). Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận đã có 20 ý kiến đại biểu phát biểu, 2 ý kiến đại biểu tranh luận, trong đó, nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động thanh tra hiện nay, góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung sau: phạm vi điều chỉnh của Luật; hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực; tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước; các hình thức thanh tra; trình tự, thủ tục thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán; mối quan hệ giữa Luật Thanh tra với các luật khác trong hệ thống pháp luật; các hành vi bị nghiêm cấm; tính độc lập của hoạt động thanh tra; quản lý nhà nước đối với thanh tra; quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra; điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra; ban hành, thực hiện kết luận thanh tra; xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra; vấn đề hậu kiểm; giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.

Kết thúc phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

PV

Tăng cường theo dõi, bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu

Admin