Quy định về sử dụng nhà công vụ, xe công trong pháp luật thời xưa

13/05/2018 13:19 | 6 năm trước

LSVNO - Thời gian qua có không ít câu chuyện, sự việc lùm xùm liên quan đến một số sai phạm trong quản lý, sử dụng nhà công vụ, xe công vụ. Thực ra trong lịch sử cũng đã nảy sinh vấn đề này và...

LSVNO - Thời gian qua có không ít câu chuyện, sự việc lùm xùm liên quan đến một số sai phạm trong quản lý, sử dụng nhà công vụ, xe công vụ. Thực ra trong lịch sử cũng đã nảy sinh vấn đề này và cha ông ta trong hoạt động xây dựng pháp luật đã thể chế hóa thành những điều luật mà nội dung của nó, dù đến nay đã trải qua hàng trăm năm nhưng vẫn còn giá trị tham khảo nhất định.

Lê Thánh Tông quy định việc sử dụng “nhà công vụ”

Nhà công vụ hiểu một cách đơn giản là nhà ở thuộc tài sản công được dành cho quan chức (và gia đình họ) sử dụng trong thời gian nhất định khi đảm nhiệm một vị trí cụ thể tại một địa phương. Đến lúc không còn làm quan hoặc được chuyển đổi đi nhận vị trí khác thì người đó phải trả lại nhà công vụ để bố trí cho người mới.

Thời gian vừa qua, dư luận xã hội rất bất bình trước một số hành động biến nhà công vụ thành nhà tư; các cơ quan chức năng, các nhà quản lý và hoạch định chính sách thì coi đó là một hình thức tham nhũng mới. Để tìm biện pháp khắc phục tình trạng này, các vấn đề liên quan đến nhà công vụ như định nghĩa nhà công vụ là gì, chức năng, nhiệm vụ, ai được sử dụng và sử dụng đến khi nào là xong… đã được đưa ra bàn thảo.

Điều thú vị, đây không phải là vấn đề mới mà cách nay hơn 500 năm, Hoàng đế Lê Thánh Tông đã có các cách thức xử lý cụ thể, ông trở thành nguyên thủ đầu tiên quy định chế độ sử dụng “nhà công vụ” và tài sản công. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, tháng 4 năm Bính Tuất (1466), vua ban lệnh “cấm các quan đổi đi chỗ khác không được lấy các thứ đồ dùng ở nhà công”. Đến tháng 2 năm Canh Tuất (1490) Lê Thánh Tông “định lệ quan đổi đi nơi khác phải giao lại nhà công. Từ nay trở đi, quan các nha môn nào đổi thăng đi, về nghỉ để tang hay ốm chết… thì chỗ nhà ở và các đồ vật giao cho quan lại sai người coi giữ, đợi khi quan mới đến dùng” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Ngược lại, đối với những quan chức được bố trí “nhà công vụ” để ở nhưng lại không ở mà ra nơi khác ở, như vậy là trái quy định, bị xử phạt khá nặng. Theo bộ sách Thiên Nam dư hạ tập, vào năm Ất Dậu niên hiệu Quang Thuận thứ 6 (1465) đời Lê Thánh Tông có ban hành quy định “Quan ty làm việc ở trấn ngoài không ở trị sở”, nội dung cụ thể như sau: “Các quan ty làm việc ở trấn ngoài, không ở trị sở mà đi ở chỗ khác thì bị phạt đánh 80 trượng, biếm hoặc bãi chức”.

 

Xét xử. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet. 

Trong bộ Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức), tại Điều 223 cũng có quy định: “Những quan chức làm việc ở sảnh ngoài, không ở trong dinh thự mà ở riêng tại nơi khác thì bị phạt đánh 80 trượng và bị tội biếm, bãi chức hay tội đồ”.

Với các đồ vật trong “nhà công vụ” đã “được niêm phong, đóng dấu, người coi giữ không xin phép quan ty phụ trách mà tự tiện mở ra thì phải tội trượng, hay tội biếm. Nếu thay đổi hay làm tổn thất thì phải khép vào tội trộm của công” (Điều 562 Bộ luật Hồng Đức). Nếu “người giữ của công mà đánh mất sổ sách, để số mục nhầm lẫn thì tính số nhầm lẫn mà bắt tội và bắt bồi thường tùy theo tội nặng nhẹ” (Điều 564 Bộ luật Hồng Đức).

Trường hợp “người giấu những đồ vật của công từ 1 quan tiền trở lên thì bị xử tội biếm; từ 10 quan trở lên thì bị xử tội đồ; 20 quan trở lên thì bị xử tội lưu; 50 quan trở lên thì phải xử tử. Nếu giấu mà chưa chiếm hẳn là của mình thì được giảm tội 2 bậc” (Điều 594 Bộ luật Hồng Đức).

Sử dụng phương tiện công trái quy định

Phương tiện dùng vào việc công có thể là xe, ngựa, thuyền. Trong lịch sử, mặc dù đã có lệnh răn cấm nghiêm ngặt nhưng vẫn có những quan lại tuy biết sai vẫn cố tình vi phạm, hậu quả là phải chịu hình phạt thích đáng. Có người ranh ma hơn, khi vận chuyển đồ đạc, hàng hóa dùng vào việc công, bằng xe công nhưng lại “nhân tiện” kèm theo đồ riêng của mình mưu cầu lợi ích. Để đối phó với việc này, tại Điều 224 Bộ luật Hồng Đức có quy định như sau: “Những quan chức coi đốc việc chở đồ vật công mà chở lẫn đồ vật riêng để buôn bán thì xử tội đồ; nếu mang những vật cấm thì xử tội lưu”.

Không chỉ vậy, mà để đề phòng những kẻ “to gan lớn mật” dùng cả phương tiện dành riêng cho vua, Bộ luật Hồng Đức còn có quy định rằng: “Thuyền đi mà lạm dụng thuyền dẫn hay lạm dụng xe ngựa, đồ ngự dụng thì xử tội lưu hay tội chết” (Điều 141).

 

Đoàn rước một viên quan. Nguồn: Internet.

 

Kế thừa những thành tựu lập pháp thời Hậu Lê, triều Nguyễn trong quá trình xây dựng bộ luật riêng của vương triều mình đã tiếp thu nhiều quy định của pháp luật triều Hậu Lê. Thí dụ như quy định về việc xử lý tội lạm dụng phương tiện của công vào mục đích riêng. Trong bộ Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long) có quy định về việc “Ngồi xe, thuyền, cưỡi ngựa công chở kèm đồ đạc riêng” với nội dung rất chi tiết, cụ thể như sau:

“Súc vật, thuyền, xe của công tuy không giống như ngựa trạm, tuy nhiên chỉ đủ phục vụ cho công vụ, không phải để thồ chở đồ đạc riêng. Phàm kẻ nào được sai phái đi làm công vụ được sử dụng trâu, ngựa công thì ngoài quần áo, vũ khí tùy thân, còn đồ đạc riêng mang theo không được quá 10 cân. Kẻ nào vi phạm điều này, ngoài số 10 cân, mang quá 5 cân thì bị phạt đánh 10 roi, tăng bậc đến 65 cân trở lên tội chỉ phạt đối đa là 60 trượng.

Người nào ngồi thuyền, xe công, đồ đạc riêng mang theo không được quá 30 cân. Kẻ nào vi phạm, ngoài 30 cân đó, mang quá 10 cân thì phạt đánh 10 roi, tăng bậc đến 160 cân trở lên tội chỉ phạt tối đa là 70 trượng; gia nhân mang theo thì không hạn chế số người đều không xử tội. Nếu nhận đồ đạc riêng của người khác gửi thì người gửi cũng bị xử tội tính theo cân và tăng bậc như vậy. Đồ đạc của bản thân ngoài tiêu chuẩn ngựa xe, thuyền công nếu thồ chở đồ đạc riêng của người khác gửi đều tịch thu sung công.

Quan ty cai quản, phụ trách biết việc thồ chở quá quy định và nhận đồ của người khác gửi mà dung túng không xét xử thì cũng bị xử tội như vậy, không biết thì không bị xử tội. Nếu phải kết hợp vận chuyển gia đình thì đồ đạc của gia đình mang theo đều phải vận chuyển, khác với đồ đạc riêng của các viên công sai cho nên không nằm trong giới hạn 10 cân và 30 cân”.

Bên cạnh đó còn có điều luật về việc “Tự tiện mượn xe thuyền của công” được quy định như sau: “Phàm giám lâm chủ thủ kẻ nào tự tiện mượn xe thuyền của công, đồ dùng trong điếm xe để dùng hoặc chuyển cho người khác mượn thì kẻ mượn và người cho mượn đều bị phạt đánh 50 roi, kiểm tra số ngày truy thu số tiền thuê mượn sung công, nhưng không được quá giá trị của đồ vật. Nếu tính số tiền thuê mướn nặng hơn 50 roi thì đều xử theo tang vật và tăng thêm 1 bậc”.

Trong trường hợp “mượn riêng đồ vật của công” thì có quy định: “Các vật nhà nước đã chuẩn bị sẵn để dùng vào việc công (không chỉ có quần áo, chăn đệm, đồ dùng) đều gọi là các loại đồ vật công. Giám lâm chủ thủ lấy các đồ vật công tự ý cho mượn riêng để dùng hoặc cho người khác mượn thì các giám lâm chủ thủ đó, bất kể là vật cho mượn lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, trong vòng 10 ngày đều đánh 50 roi. Nếu quá 10 ngày chưa nạp trả thì kê khai giá trị các vật đã mượn, giảm 2 bậc xử theo tội ăn trộm. Nếu tội đó nhẹ hơn 50 roi thì vẫn y theo luật xử đánh 50 roi. Nếu mượn dùng mà làm hư hỏng, mất mát thì theo luật phá hủy đồ vật công mà xử tội. Nếu vô ý làm hỏng hoặc đánh mất thì giảm 2 bậc xử tội và bắt bồi thường đồ vật đã làm hỏng”.

Trên đây chỉ là một số điều luật áp dụng trong việc xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng “nhà công vụ”, tài sản công và phương tiện công trong văn bản điển chế pháp luật thời Lê - Nguyễn. Mặc dù có những hạn chế nhất định nhưng qua đó cũng cho thấy những cố gắng, nỗ lực của chính quyền phong kiến thời xưa nhằm hạn chế những hành vi lạm dụng, xâm phạm đến tài sản quốc gia, điều mà đến nay chúng ta vẫn đang tiếp tục thực hiện.

Luật gia Lê Thái Dũng