/ Pháp luật - Tiêu dùng
/ “Quyền sạc điện” được triển khai trên thế giới như thế nào?

“Quyền sạc điện” được triển khai trên thế giới như thế nào?

03/12/2024 09:30 |

(LSVN) - Kinh nghiệm tại nhiều nước cho thấy, các chính sách hỗ trợ phát triển trạm sạc, đặc biệt là tại các chung cư là chìa khóa giúp ô tô điện trở nên gần gũi với người dân.

Quyền sạc điện – động lực phát triển ô tô điện

Luật “Quyền sạc điện” là một trong những quyền lợi phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi sang các loại hình phương tiện xanh thân thiện với môi trường.

Năm 2015, California (Mỹ) là một trong những bang tiên phong áp dụng luật “Quyền sạc điện” tại Mỹ, với chủ trương chung tạo điều kiện cho cư dân, người thuê nhà lắp đặt các trạm sạc pin cho xe điện. Việc cấm cản lắp trạm sạc thậm chí được cho là sai quy định.

“Quyền sạc điện” được triển khai trên thế giới như thế nào? - 1

 

Tương tự, năm 2017,  Na Uy cũng đã ban hành luật quy định quyền sạc xe điện (Right to Charge) đối với những cư dân sống tại các khu chung cư. Điều này có nghĩa là các ban quản lý chung cư không thể từ chối việc lắp đặt các trạm sạc xe điện, giúp người dân dễ dàng sạc xe điện ngay tại nơi sinh sống. Ngoài ra, quốc gia Bắc Âu này cũng có nhiều chính sách mạnh tay để phát triển hạ tầng trạm sạc. Đơn cử, Na Uy đã ra quy định yêu cầu các khu vực đỗ xe toà nhà phải có khoảng 6% diện tích đỗ dành cho ô tô điện sạc pin.

Hiệu quả của các quy định và chương trình hỗ trợ này nhanh chóng đi vào thực tiễn. Đến tháng 9/2024, Na Uy đã chạm cột mốc lịch sử với số lượng xe điện lưu thông trên đường phố lần đầu tiên nhiều hơn xe xăng. Hiện tại, theo Statista, Na Uy đã có hơn 29.500 trạm sạc trên toàn quốc, được phân bổ tại các bãi đỗ xe, các khu dân cư và các điểm giao thông công cộng.

“Quyền sạc điện” được triển khai trên thế giới như thế nào? - 2

 

Tại nhiều quốc gia khác, hạ tầng trạm sạc cũng là điều được chính phủ ưu tiên để tiến tới đạt điểm trung hoà carbon. Đức có thể coi là một “tấm gương” về việc đặt nền móng cho lĩnh vực xe điện phát triển với những chính sách hỗ trợ rất tốt. Trong đó, điển hình là chương trình hỗ trợ hạ tầng sạc điện trong các tòa chung cư với một gói hỗ trợ kết hợp giữa các trạm sạc, hệ thống điện năng và kho lưu trữ. Theo Cleanenergywire, Chính phủ Đức đã đồng ý cấp nguồn tài chính lên tới 500 triệu EUR cho chương trình trên, bắt đầu từ mùa Thu năm 2023. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng sạc nhanh cho ô tô và xe tải thương mại sẽ được cấp thêm nguồn tài chính lên tới 400 triệu euro.

Việt Nam không đứng ngoài xu thế

Tại Việt Nam, mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 đang nhanh chóng được đưa vào thực tiễn với nhiều kế hoạch chuẩn bị cho sự phát triển bùng nổ của ô tô điện trong kỷ nguyên sống xanh. Trong đó, việc đưa trạm sạc trở nên dễ tiếp cận hơn với người dân được ưu tiên hàng đầu.

Theo Luật Nhà ở mới nhất và Nghị định 95/2024/NĐ-CP, từ 1/8/2024, nhà chung cư được phân làm ba hạng theo thứ tự hạng 1, 2 và 3. Trong đó, chung cư hạng cao nhất (hạng 1) phải có trụ sạc cho xe điện.

Song song với quy định về trụ sạc trong chung cư, hồi tháng 9/2024, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy định kể từ ngày 5/10, tất cả trạm dừng nghỉ mới xây dựng trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ hay đường tỉnh đều bắt buộc phải tích hợp trạm sạc xe điện.

Những quy định trên đã nhanh chóng nhận được phản ứng tích cực bởi sự phù hợp với xu hướng chuyển đổi sang xe điện ngày càng thể hiện rõ nét. Chỉ tính riêng doanh số của VinFast trong 10 tháng của năm 2024, đã có hơn 51.000 ô tô điện được bàn giao tới tay khách hàng. Kết quả này đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong số ít những quốc gia có thương hiệu xe điện đạt doanh số cao hơn các thương hiệu xe xăng trên thị trường.

“Quyền sạc điện” được triển khai trên thế giới như thế nào? - 3

 

Tại Việt Nam, hệ thống trạm sạc đang phát triển khá nhanh trong đó V-Green đang là đơn vị đầu tàu với mạng lưới 150.000 cổng sạc phủ khắp 63 tỉnh thành và dự kiến bổ sung thêm 10.000 tỷ đồng để đầu tư mở rộng trong 2 năm tới. Cùng đó, công ty này cũng đang triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền thông qua hợp tác cùng các đơn vị như EverSolar, Vasia, Ngân Lực (NIAD)… và các cá nhân, doanh nghiệp khác. Mới đây nhất, thỏa thuận hợp tác giữa Vingroup và nhà cung cấp điện lớn thứ hai tại Việt Nam là Tổng Công ty điện lực dầu khí (PV Power) đã nêu rõ, mạng lưới 1.000 trạm sạc xe điện do PV Power quy hoạch triển khai trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ được chuyển giao cho V-Green tiếp tục nghiên cứu và phát triển để phục vụ cho các khách hàng dùng xe điện VinFast.

Theo các chuyên gia, những nỗ lực từ khu vực tư nhân là tín hiệu tích cực cho công cuộc điện hóa giao thông. Tuy nhiên, để tăng tốc chuyển đổi xanh, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước để khuyến khích phát triển hệ thống hạ tầng sạc tại nhiều khu vực, đặc biệt là các chung cư, nơi tập trung nhu cầu lớn của người dân.

PV