/ Luật sư - Bạn đọc
/ Rủi ro pháp lý và hệ lụy từ các App vay tiền online

Rủi ro pháp lý và hệ lụy từ các App vay tiền online

25/06/2021 07:51 |

(LSVN) - Các hoạt động cho vay tiêu dùng qua App, vay tiền online hiện nay mang tính rủi ro khá cao cho cả bên vay và bên cho vay. Đồng thời, đã và đang phát sinh nhiều hệ lụy như tín dụng đen, đòi nợ thuê, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ảnh hưởng và bức xúc trong dư luận xã hội.

Luật sư Phan Văn Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh. 

Ứng dụng vay tiền trực tuyến (App vay tiền online) thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản bảo đảm và người cho vay dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động thông minh. Số lượng App vay tiền online ngày càng nhiều điển hình như Doctor Đồng, Cash 24, F88… Việc vay và cho vay tiền qua App rất thuận lợi, người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản trên máy tính như: Tải App, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, đồng ý cho App truy cập danh bạ cá nhân.

Trường hợp bên cho vay qua App vay tiền online không phải là các tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với quan hệ cho vay trực tiếp không phải hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức, cá nhân (không được thực hiện bởi các tổ chức tín dụng) thông qua việc sử dụng kết nối dựa trên ứng dụng Internet như một số hoạt động P2P Lending có thể coi là các giao dịch dân sự và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, xây dựng khung pháp lý và điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ kinh doanh App vay tiền online.

Cho vay ngang hàng - P2P Lending (P2P) đã xuất hiện ở Việt Nam một cách rầm rộ khoảng 5 năm gần đây, nhưng do chưa có quy định pháp lý cụ thể dẫn đến các biến tướng như lừa đảo, tín dụng đen khi nhiều App cho vay với lãi suất cho vay vượt mức quy định hàng trăm lần. Thủ đoạn đòi nợ của nhiều App vay tiền online rất tàn khốc, từ dọa nạt, bắt cóc, đánh đập con nợ, đến cưỡng đoạt nhà cửa, đất đai, xe cộ của con nợ gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Trường hợp bên cho vay qua App vay tiền online là các tổ chức tín dụng hợp pháp

Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính được quy định tại Điều 9 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Thông tư số 18/2019/TT-NHNN như sau:

1. Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

2. Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.

3.Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung khung lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi công ty tài chính đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ báo cáo về khung lãi suất cho vay tiêu dùng theo Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa của hình thức cho vay này. Tuy nhiên, lãi suất cho vay tiêu dùng do Công ty tài chính tự điều chỉnh phải được Ngân hàng Nhà nước thông qua và cho phép áp dụng.

Như vậy, mặc dù trên thực tế các công ty tài chính thường cho vay tiêu dùng với lãi suất khá cao, trên mức lãi suất tối đa Bộ luật Dân sự quy định (20%/năm) nhưng điều đó không được coi là vi phạm pháp luật.

Trên lý thuyết mức lãi suất cho vay tiêu dùng dựa trên thỏa thuận giữa công ty tài chính/ngân hàng và khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế các công ty tài chính/ngân hàng thường là bên đưa ra mức lãi suất vay và khách hàng chỉ có thể chấp nhận vay hoặc không vay chứ không thể yêu cầu công ty tài chính hoặc ngân hàng điều chỉnh mức lãi suất. Do đó, thiết nghĩ Ngân hàng Nhà nước cần phải sớm xây dựng cơ chế bảo vệ bên yếu thế là bên vay nhất là trong các giao dịch cho vay tiêu dùng đồng thời xử lý các hành vi vi phạm của các công ty tài chính đối với hoạt động cho vay tiêu dùng chứ không thể để tình trạng các công ty tài chính cho người dân vay tiền với mức lãi suất “cắt cổ” như hiện nay.

Đối với vấn đề đòi nợi, nhắc nợ, theo khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước thì việc đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/1 ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7h đến 21h; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật. 

Thực tế, việc vi phạm quy định về nhắc nợ, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng là khá phổ biến. Tuy nhiên, chế tài đối với việc vi phạm này luật vẫn còn để ngỏ. Điều này cũng chính là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng người vay nếu không trả được sẽ liên tục bị quấy rối, đe dọa gây hoang mạng lo sợ cho người vay. Nếu người dân có khiếu nại thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng thiếu cơ sở pháp lý để xử lý.

Người vay tiền qua App vay tiền online có thể làm gì khi bị khủng bố, đe dọa, quấy rối?

Đối với việc vay tiền qua App vay tiền online do các cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng hợp pháp phát hành

Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Việc thỏa thuận mức lãi suất vượt quá 20%/ năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Do đó, bên vay tiền có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu đối với phần lãi suất vượt quá quy định theo Bộ luật Dân sự 2015.

Ngoài ra, Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 cũng quy định rõ người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự và thu lợi bất chính sẽ bị xử phạt tiền và phạt tù đến 3 năm. Nếu mức lãi suất cho vay vượt quá 100%/ năm đối với số tiền vay thì người vay có thể yêu cầu cơ quan công an xử lý hình sự về tội "Cho vay nặng lãi".

Đối với hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ người vay chưa trả đúng hạn lên mạng xã hội… tùy theo hành vi và mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hoặc nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan công an kèm theo các tài liệu chứng minh để cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý đối với tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.

Đối với việc vay tiền qua App vay tiền online do tổ chức tín dụng phát hành

Hiện nay nhiều ngân hàng và công ty tài chính cũng thực hiện việc cho vay tiêu dùng qua App vay tiền online như MB Bank (Ngân hàng quân đội MB Bank), FE Credit… Như đã phân tích ở trên, luật không quy định mức lãi suất trần cố định mà lãi suất cho vay tiêu dùng do các bên tự thỏa thuận nên người vay khó có thể khởi kiện các ngân hàng hoặc công ty tài chính để yêu cầu tuyên vô hiệu đối với phần lãi suất vượt quá quy định về lãi suất tối đa (20%/năm) theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 hoặc xử lý hình sự về tội "Cho vay nặng lãi" theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Một số lưu ý khác đối với người vay tiền qua App vay tiền online

Trước hết người vay tiền qua App vay tiền cần cần lưu ý rằng việc vay tiền qua App vay tiền online luôn đi kèm với lãi suất cao và nhiều rủi ro, hệ lụy đối với người vay và nên cân nhắc thận trọng trước khi vay.

Trong trường hợp người vay không trả nổi tiền vay và lãi suất vay, nếu chủ nợ sử dụng các biện pháp đòi nợ tiêu cực và trái pháp luật như đe dọa, khủng bố, quấy rối, tịch thu tài sản, đánh đập, đăng thông tin cá nhân, nói xấu người vay tiền trên mạng xã hội…thì người vay tiền có thể khiếu nại tố cáo đến cơ quan chức năng để yêu câu xử lý các đối tượng này theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, nhiều chủ nợ cũng sẽ sử dụng các biện pháp đòi nợ hợp pháp như khởi kiện người vay tiền ra tòa án có thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan công an khởi tố người vay tiền về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 và Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Trong trường hợp này, người vay tiền cần liên hệ ngay với Luật sư hoặc các trung tâm trợ giúp pháp lý để được hỗ trợ.

Một số kiến nghị để hoàn thiện quy định pháp luật đối với dịch vụ cho vay tiền qua App vay tiền online

Các hoạt động cho vay tiêu dùng qua App vay tiền online hiện nay mang tính rủi ro khá cao cho cả bên vay và bên cho vay đồng thời đã và đang phát sinh nhiều hệ lụy như tín dụng đen, đòi nợ thuê, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ảnh hưởng và bức xúc trong dư luận xã hội.

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần sớm xây dựng hành lang pháp lý (i) quy định chặt chẽ điều kiện và cách thức hoạt động đối với dịch vụ cho vay tiền qua App vay tiền online, (ii) xây dựng và công bố công khai danh sách các App vay tiền online hợp pháp để người dân nắm rõ App nào hợp pháp App nào không hợp pháp trước khi quyết định vay tiền, đồng thời (iii) xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh cho vay tiền qua App vay tiền online bất hợp pháp, cho vay nặng lãi, đe dọa quấy rối hoặc có các hành vi xúc phạm uy tin, danh dự, nhân phẩm của người vay tiền và (iv) xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động cho vay tiêu dùng nói chung và vay tiêu dùng qua các App vay tiền online nói riêng.

Luật sư PHAN VĂN THANH

Công ty Luật VCI Legal

Dịch Covid-19 có được xem là sự kiện bất khả kháng không?

Lê Minh Hoàng