Luật sư Phan Văn Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.
Dịch bệnh Covid-19 có được xem là sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không?
Theo Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo định nghĩa trên thì một sự kiện sẽ được coi là bất khả kháng nếu: (i) xảy ra một cách khách quan, (ii) không thể lường trước được và (iii) không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, và (iv) sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân dẫn đến việc bên bị ảnh hưởng không thực hiện được nghĩa vụ.
(i) Xảy ra một cách khách quan:
Covid-19 là một dịch bệnh toàn cầu nó xảy ra một cách khách quan vì không phải do các bên tạo ra hoặc phát sinh do lỗi của các bên trong hợp đồng.
(ii) Không thể lường trước được:
Luật không quy định thế nào là “không thể lường trước được”. Tuy nhiên, theo logic thông thường, tiêu chuẩn “không thể lường trước được” có thể đánh giá thông qua việc các bên có biết được dịch bệnh Covid-19 xảy ra tại thời điểm ký kết hợp đồng hay không.
Trong trường hợp các bên ký kết hợp đồng trước khi dịch bệnh Covid-19 được công bố thì có thể xem là sự kiện “không lường trước được” khi ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, nếu các bên ký kết hợp đồng sau khi có cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã công bố dịch bệnh Covid-19 thì không thể nói rằng các bên biết, không lường trước được Covid-19 sẽ xảy ra hay không lường trước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Mặc dù vậy, việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách lý, giãn cách xã hội… làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng vẫn có thể xem là sự kiện “xảy ra một cách khách quan” và “không thể khắc phục được”.
Trên thế giới, ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu.
Ở Việt Nam, ngày 01/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu (theo Quyết định 447/QĐ-TTg năm 2020). Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh (khoản 1 Điều 3 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007).
(iii) Sự kiện xảy ra không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép:
Các sự kiện bất khả kháng thường là các sự kiện khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát của các bên cho nên bên bị ảnh hưởng trong nhiều trường hợp không có khả năng khắc phục được. Và luật chỉ yêu cầu bên bị ảnh hưởng dụng các biện pháp ở mức độ “cần thiết” và trong “khả năng cho phép”. Trong nhiều trường hợp bên bị ảnh hưởng khổng hẳn là không khắc phục được theo nghĩa đen mà chỉ đơn thuần là chi phí bỏ ra để khắc phục lớn hơn lợi ích mà họ có thể nhận được từ việc thực hiện hợp đồng.
Đối với dịch bệnh Covid-19, để được miễn trừ trách nhiệm, bên bị ảnh hưởng phải chứng minh là đã áp dụng “mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” để ngăn chặn ảnh hưởng của dịch bệnh trong việc thực hiện hợp đồng nhưng vẫn không thể khắc phục được. Trong trường hợp bên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn có thể khắc phục được hoặc không chứng minh được mình đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép để khắc phục các tác động của dịch Covid-19 thì có thể sẽ không được miễn trách với lý do Covid-19 là sự kiện bất khả kháng.
(iv) Sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân dẫn đến việc bên bị ảnh hưởng không thực hiện được nghĩa vụ:
BLDS 2015 không quy định cụ thể về mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện bất khả kháng và việc thực hiện hợp đồng. Có thể hiểu một cách ngầm định rằng sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp làm bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng. Nếu tiếp cận như vậy, việc không thực hiện được đúng nghĩa vụ hợp đồng căn cứ vào sự kiện bất khả kháng chỉ có thể được chấp nhận nếu sự kiện bất khả kháng đó trên thực tế là nguyên nhân trực tiếp ngăn cản bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ. Khó khăn về tài chính phát sinh từ sự đình trệ hay suy thoái hoạt động kinh doanh dẫn đến một bên không có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng là nguyên nhân gián tiếp và không nên được coi là lý do cho việc không thể thực hiện nghĩa vụ. Nếu tính đến cả sự kiện là nguyên nhân gián tiếp làm bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện nghĩa vụ thì sự kiện bất khả kháng có thể giải thích rất rộng dẫn đến việc bên bị ảnh hưởng dễ dàng sử dụng để miễn trừ trách nhiệm [1]. Các ảnh hưởng gián tiếp chỉ nên xem là trường hợp được miễn trừ trách nhiệm nếu trong hợp đồng các bên có thỏa thuận.
Không có một câu trả lời chính xác cho tất cả các trường hợp đối với câu hỏi dịch bệnh Covid-19 có được xem là sự kiện bất khả kháng hay không mà phải đánh giá xem xét theo bản chất, hoàn cảnh và bối cảnh của từng giao dịch để xác định xem dịch bệnh Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng đối với các bên trong hợp đồng.
Tòa án nên đánh giá và có cách tiếp cận thận trọng đối các yêu cầu, tuyên bố chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng với lý do dịch bệnh Covid-19 như là một sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn cảnh thay đổi cơ bản để tránh việc lợi dụng Covid-19 nhằm chấm dứt hoặc hỷ bỏ hợp đồng tràn lan. Vì điều này sẽ gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân tổ chức khác cũng như gây ra bất ổn và rủi ro cho thị trường vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19.
Hệ quả pháp lý của sự kiện bất khả kháng
Hệ quả pháp lý của sự kiện bất khả kháng đối với giao dịch dân sự và thương mại là khác nhau:
Theo khoản 2 Điều 351 BLDS 2015: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Có thể hiểu rằng nếu Covid-19 thỏa mãn các điều kiện để được xem là sự kiện bất khả kháng như phân tích nêu trên thì BLDS 2015 cho phép bên có nghĩa vụ ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng có quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phải thông báo hay bồi thường thiệt hại.
Theo khoản 1, khoản 4 Điều 296 Luật Thương mại 2005: Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn: 05 tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng; 08 tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.
Việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng nêu trên không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ.Trường hợp kéo dài quá các thời hạn quy định trên, các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, theo Điều 295 Luật Thương mại 2005, để được miễn trách nhiệm bên vi phạm phải phải thông báo ngay cho bên kia về sự kiện bất khả kháng và hậu có thể xảy ra, đồng thời có nghĩa vụ chứng minh sự kiện bất khả kháng.
Như vậy, không phải trong mọi trường hợp khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì bên có nghĩa vụ đều có quyền chấm dứt hợp đồng mà phải xét hợp đồng họ ký kết là hợp đồng dân sự hay hợp đồng thương mại, vì Luật Thương mại 2005 quy định khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì hợp đồng không đương nhiên chấm dứt, mà thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả đồng thời bên bị ảnh hưởng phải thông báo ngay cho bên kia biết về sự kiện bất khả kháng, hết thời hạn này thì bên bị ảnh hưởng mới có quyền chấm dứt hợp đồng.
Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần làm gì để giảm thiểu rủi ro pháp lý khi ký và thực hiện hợp đồng trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 như hiện nay?
Thứ nhất, khi có ý định viện dẫn Covid-19 như là sự kiện bất khả kháng để chấm dứt hợp đồng, bên chấm dứt hợp đồng cần xem xét bối cảnh giao dịch và đối chiếu với các yếu tố cấu thành của sự kiện bất khả kháng để xem Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng hay không? Vì không phải mọi trường hợp Covid-19 đều được xem là sự kiện bất khả kháng.
Thứ hai, đánh giá hợp đồng đã ký kết là hợp đồng dân sự hay thương mại vì như phân tích trên hậu quả của sự kiện bất khả kháng là khác nhau.
Thứ ba, để tránh các tranh chấp, tranh cãi và rủi ro đến câu hỏi Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng hay không và việc giải quyết hệ quả và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhất là các ảnh hưởng gián tiếp của dịch bệnh như giảm sút doanh thu, phải đóng cửa và tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sự gián đoạn của nguốn cung ứng nguyên vật liệu… thì điều khoản bất khả kháng phải được thiết kế và xây dựng một cách chặt chẽ, bao quát được các tình huống có thể xảy ra và cách giải quyết các tình huống đó.
Thứ tư, đàm phán lại, sửa đổi bổ sung các điều khoản của hợp đồng đã ký vì lý do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều công ty đã phải yêu cầu đối tác đàm phán lại các điều khoản hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Vụ việc nổi tiêng nhất gần đây là Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (CGV) đề nghị Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Lapen (Lapen). Theo đó, CGV đề nghị điều chỉnh cách tính tiền thuê từ ngày 01/12/2020 đến 28/02/2021, tiền thuê được cố định ở mức 8% doanh thu phòng vé để CGV vượt qua khó khăn hiện tại. Sau 3 tháng, các bên sẽ tiếp tục đàm phán lại về cách thức tính tiền thuê và trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thì bất cứ bên nào cũng được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phải chịu bồi thường hoặc khoản phạt nào, kể cả tiền cọc. Tuy nhiên, các bên không thỏa thuận được. Do đó, VCG đã kiện Lapen để yêu cầu chấm dứt hợp đồng với lý do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Theo quy định của khoản 2, 3 Điều 420 BLDS 2015 thì trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án: (i) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định; (ii) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Theo khoản 1 Điều 420 BLDS 2015 Được xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau: (i) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng; (ii) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh; (iii) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác; (iv) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; (v) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
Thứ năm, trong trường hợp các bên không am hiểu pháp luật, các bên nên tham vấn ý kiến của các luật sư có kinh nghiệm trước khi tiến hành ký kết, sửa đổi, hoặc chấm dứt hợp đồng.
[1] Xem Trương Nhật Quang “Vấn đề miễn trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong trường hợp bất khả kháng – Covid-19” http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210450 truy cập vào ngày 11/6/2021. |
Luật sư PHAN VĂN THANH
Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng