SÁNG

05/07/2022 14:48 | 2 năm trước

 Cảnh báo một số chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay để người dân chủ động phòng tránh

(LSVN) - Hiện nay điện thoại di động trở thành vật dụng thiết yếu và phổ biến của mọi người dân để thực hiện các hoạt động giải trí, trao đổi thông tin, công việc, tài chính… Vì vậy, các đối tượng lừa đảo đã nắm bắt điều này để thực hiện hành vi lừa đảo qua điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản với nhiều chiêu trò, thủ đoạn khác nhau.

Ảnh minh họa.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay lực lượng Cảnh sát giao thông đang thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông qua 2 hình thức: Thứ nhất, trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm; thứ hai, xử phạt qua hình ảnh thu từ hệ thống camera giám sát của giao thông, ghi hình trực tiếp của Cảnh sát giao thông hoặc hình ảnh người dân cung cấp,…

Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương và không yêu cầu người dân cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Theo đó, ông Lê Mạnh Hà cũng lưu ý người dân cần nắm rõ thông tin là Cảnh sát giao thông không gửi biên bản xử phạt qua mail hoặc điện thoại. Cụ thể, Cảnh sát giao thông khi xử phạt sẽ có giấy thông báo, kèm theo hình ảnh vi phạm gửi đến người vi phạm. Việc gửi thông tin qua địa chỉ mail hoặc điện thoại là thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường thực hiện để tiếp cận người dân và chiếm đoạt tài sản.

Lý giải nguyên nhân của các hành vi lừa đảo qua điện thoại đang nở rộ, ông Lê Mạnh Hà cho biết, hiện nay điện thoại di động trở thành vật dụng thiết yếu và phổ biến của mọi người dân để thực hiện các hoạt động giải trí, trao đổi thông tin, công việc, tài chính… Vì vậy, các đối tượng lừa đảo đã nắm bắt điều này để thực hiện hành vi lừa đảo qua điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản với nhiều chiêu trò, thủ đoạn khác nhau.

Qua phản ánh của người dân, có thể điểm mặt một số chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay để người dân chủ động phòng tránh.

Thứ nhất, hành vi giả mạo Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án,… gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang. Theo đó, chỉ với các đầu số giả mạo, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng cho nhiều kịch bản khác nhau như: giả làm Cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn,… liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân. Tiếp đó, chúng sẽ sử dụng các thông tin này để làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an để đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ điều tra.

Thứ hai, giả danh ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn, email,… mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng. Hành vi lừa đảo được chúng thực hiện bằng cách hướng dẫn nạn nhân làm các thủ tục vay, mở tài khoản online, sau đó gửi yêu cầu xác nhận phê duyệt khoản vay và yêu cầu nộp các khoản tiền lệ phí, tiền trả góp,… để chiếm đoạt.

Thứ ba, giả danh nhân viên cửa hàng, công ty xổ số,... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó. Để nhận phần thưởng này, nạn nhân phải mua một sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc chuyển trước một số tiền đóng thuế để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt.

Thứ tư, tự giới là người nước ngoài, liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân, sau đó đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, người bị hại/người bị lừa đảo phải nộp các khoản tiền như thuế, phí, cước vận chuyển… vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để nhận quà.

Vì vậy, người dân khi nhận được những cuộc điện thoại với các tình huống như trên cần bình tĩnh, không nên hoang mang, lo sợ và phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo, không làm theo hướng dẫn chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo.

PV

TP. HCM triển khai tổ chức tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 cho người dân

Điều kiện mua nhà ở để phục vụ tái định cư

(LSVN) - Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về điều kiện mua nhà ở để phục vụ tái định cư? Bạn đọc P.L. hỏi.

Ảnh minh họa.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Nhà ở 2014, nhà ở để phục vụ tái định cư là nhà ở để bố trí cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở, bị giải tỏa nhà ở theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 30 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, có 03 đối tượng thuộc diện được thuê, thuê mua, mua nhà ở để phục vụ tái định cư bao gồm:

- Hộ gia đình, cá nhân có nhà ở hợp pháp thuộc diện bị giải tỏa khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu hồi đất ở gắn với nhà ở và phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai và không có chỗ ở nào khác;

- Hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quy định tại Điều 110 của Luật Nhà ở 2014.

Về điều kiện mua nhà ở để phục vụ tái định cư quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 99/2015/NĐ-CP như sau:

- Trường hợp đối tượng thuộc (1) và (2) mục 2,có nhu cầu mua nhà ở thương mại hoặc thuê, thuê mua, mua nhà ở phục vụ tái định cư do Nhà nước đầu tư thì phải có tên trong danh sách được bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và có đơn đề nghị bố trí nhà ở tái định cư theo mẫu do Bộ Xây dựng ban hành;

- Trường hợp đối tượng quy định thuộc (1), (2) có nhu cầu thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội thì phải có tên trong danh sách được bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, có đơn đề nghị bố trí nhà ở tái định cư bằng nhà ở xã hội theo mẫu do Bộ Xây dựng ban hành và phải thuộc diện chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở;

- Trường hợp thuộc đối tượng (3) thì được bố trí nhà ở tái định cư theo quy định tại Điều 115, Điều 116 của Luật Nhà ở 2014 và pháp luật về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Như vậy để mua nhà ở phục vụ tái định cư thì hộ gia đình, cá nhân phải thuộc điều kiện nêu trên.

TIẾN HƯNG

Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa

Hôm nay, UBTVQH sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

(LSVN) - Theo dự kiến chương trình, hôm nay (06/7), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Trước đó, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Tờ trình số 244/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 như sau:

- Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít;

- Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít;

- Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít;

- Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít;

- Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg;

- Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần (giá xăng tăng 13 lần và giảm 4 lần, trong đó có 2 lần giảm ngay sau khi thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của UBTVQH).

Trước tình hình giá xăng dầu tăng cao, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu, kiềm chế lạm phát trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, ngày 23/3/2022, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 để giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay, dầu hỏa) và giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH.

Việc thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 từ ngày 01/4/2022 đã góp phần giảm trực tiếp chi phí thuế trong cơ cấu giá xăng dầu, từ đó góp phần giảm bớt sự tăng giá xăng dầu trong nước do giá xăng dầu thế giới tăng, qua đó đã góp phần kiềm chế lạm phát. Tính chung trong tháng 4/2022, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đã làm giá xăng dầu giảm 0,59% so với tháng 3/2022 và từ đó làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng cao. Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 01/7/2022), giá xăng dầu trong nước có sự điều chỉnh giảm so với kỳ điều chỉnh ngày 21/6/2022, cụ thể:  giảm 411 đồng/lít đối với xăng E5RON92; 110 đồng/lít đối với xăng RON95; 404 đồng/lít đối với  dầu diesel; 432 đồng/lít đối với dầu hỏa và 1.013 đồng/lít đối với dầu mazut. Tuy nhiên, mức giá này vẫn tăng so với kỳ điều chỉnh ngày đầu tiên của năm (ngày 11/01/2022) và kỳ điều chỉnh ngày 01/4/2022 (giá xăng E5RON92 là 30.891 đồng/lít, tăng 7.732 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022, tăng 3.582 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 01/4/2022; giá xăng RON95 là 32.763 đồng/lít, tăng 8.887 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022, tăng 4.610 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 01/4/2022; giá dầu diesel là 29.615 đồng/lít, tăng 11.376 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022, tăng 4.535 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 01/4/2022; giá dầu hỏa là 28.353 đồng/lít, tăng 11.215 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022, tăng 4.589 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 01/4/2022; giá dầu mazut là 19.722 đồng/lít, tăng 3.360 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022, giảm 1.207 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh ngày 01/4/2022).

Với việc giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức trên 100 USD/thùng, giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng cao. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau dịch Covid-19.

Từ ngày 01/01/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

TIẾN HƯNG

Thông qua dự án Nghị quyết trình UBTVQH về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu