Ảnh minh họa.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 1, Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ về việc xác định lại giới tính thì chỉ quy định việc xác định lại giới tính đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Mặc dù, tại khoản 2, Điều 3, Luật Hộ tịch năm 2014 cho phép: "Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn, quy định về việc chuyển đổi giới tính nên việc chuyển đổi giới tính hiện chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết.
Ngoài ra, tại Điều 12, Nghị định số 88/2008/NĐ-CP quy định các trường hợp đã xác định lại giới tính ở nước ngoài hoặc đã thực hiện ở Việt Nam trước ngày Nghị định này có hiệu lực, nếu muốn đăng ký lại hộ tịch thì phải có giấy xác nhận đã xác định lại giới tính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước đó và đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 8 Nghị định này để được khám kiểm tra và cấp giấy chứng nhận y tế.
Hiện nay, có 03 cơ sở y tế có thẩm quyền kiểm tra và cấp giấy chứng nhận y tế nêu trên là: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Hà Nội; Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội. Vì vậy, đối với các trường hợp nếu đã được 01 trong 03 cơ sở nêu trên cấp giấy chứng nhận y tế theo quy định thì đương sự có thể liên hệ cơ quan đăng ký hộ tịch để nộp hồ sơ và đề nghị công chức hộ tịch thực hiện việc ghi vào sổ hộ tịch việc xác định lại giới tính theo quy định tại khoản 2, Điều 3, Luật Hộ tịch.
Tuy nhiên, đó là trường hợp xác định lại giới tính, riêng đối với việc chuyển đổi giới tính thì chỉ được đăng ký thay đổi hộ tịch theo theo quy định tại Điều 37 Bộ Luật Dân sự năm 2015. Tuy vậy, Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 lại quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”. Trong khi đó, luật về chuyển đổi giới tính chưa được ban hành nên việc chuyển đổi giới tính chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện và việc đăng ký thay đổi hộ tịch cũng không thể có cơ sở giải quyết cho công dân khi có yêu cầu.
Do vậy, đối với trường hợp chuyển đổi giới tính nhưng không thuộc trường hợp xác định lại giới tính thì không thể giải quyết đăng ký thay đổi hộ tịch theo yêu cầu của công dân. Đây là điểm "nghẽn", bất cập, vướng mắc trong việc triển khai áp dụng pháp luật trong thực tế cuộc sống. Bởi lẽ, mặc dù pháp luật có đề cập đến việc cho phép ghi chú vào sổ hộ tịch việc xác định lại giới tính nhưng lại không quy định trình tự, thủ tục giải quyết, khi công dân chuyển đổi giới tính.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm ban hành quy định về trình tự, thủ tục giải quyết việc chuyển đổi giới tính cho các trường hợp đã thực hiện chuyển đổi giới tính, nhất là các trường hợp đương sự tự đi phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Điều này không những giải quyết điểm "nghẽn", thiếu sót của hệ thống pháp luật đảm bảo hệ thống pháp luật được đồng bộ, hoàn thiện, thông suốt; đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho công dân.
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum