/ Góc nhìn
/ Hậu quả của tham nhũng nhìn từ góc độ nhân quyền

Hậu quả của tham nhũng nhìn từ góc độ nhân quyền

05/01/2021 17:51 |4 năm trước

LSVNO - Thời gian qua, "chiến dịch" đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, tình trạng tham nhũng vẫn còn tồ...

LSVNO - Thời gian qua, "chiến dịch" đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, tình trạng tham nhũng vẫn còn tồn tại ở bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên với những biểu hiện ngày càng đa dạng, tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong đời sống xã hội, cản trở việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tham nhũng là hành vi xã hội tiêu cực, nảy sinh khi xuất hiện nhà nước, có thể tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào và gây ra những hệ lụy xấu trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho tới an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Theo nghĩa rộng, tham nhũng có thể được hiểu là hành vi của người được nhà nước giao nhiệm vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ của mình để thực hiện mục đích vụ lợi. Theo nghĩa hẹp, “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”[1].

Ở nước ta, tham nhũng thường gắn liền với hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương[2]. Thực tiễn công tác thanh tra, xử lý các vụ án tham nhũng thời gian qua cho thấy, tình trạng tham nhũng diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau; trong đó, thường tập trung vào một số lĩnh vực như: quản lý kinh tế; quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công; quản lý, sử dụng ngân sách, vốn đầu tư nước ngoài; tín dụng, ngân hàng; đầu tư, xây dựng cơ bản; y tế, giáo dục - đào tạo... Có thể thấy tình trạng tham nhũng ở nước ta đang có nhiều diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, phổ biến với những hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó nhận biết, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Cá biệt hơn, ngày càng xuất hiện nhiều cán bộ, đảng viên giữ chức vụ cao cấp trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức đoàn thể thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc bao che cho tham nhũng đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, gây thất thoát lớn đối với ngân sách Nhà nước, làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta (điển hình như trường hợp Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh...). Chính vì vậy, nếu không kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng tham nhũng thì có thể dẫn đến những hậu quả hết sức khó lường.

Ảnh minh họa.

Từ lâu, tham nhũng luôn được xem là căn bệnh trầm kha của bộ máy quyền lực, là nhân tố bên trong gây mất ổn định chính trị - xã hội của mọi quốc gia, là nguyên nhân “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ trong nội bộ. Tiếp cận dưới góc độ nhân quyền cho thấy, tham nhũng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Cụ thể:

Trước hết, dù thực hiện hành vi tham những dưới hình thức nào thì suy cho cùng đó cũng chính là hành vi xâm hại trực tiếp tới tài sản của Nhà nước, tập thể và công dân. Tài sản đó chính là ngân sách, nguồn thu chủ yếu từ thuế và sự đóng góp mồ hôi, công sức, thậm chí cả sức khỏe, tính mạng của người dân. Nếu như ngân sách được sử dụng đúng mục đích vào quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nâng cao chất lượng đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân (như phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, ô nhiễm, bảo đảm môi trường sinh thái...) thì sẽ phục vụ hữu ích cho con người, bảo đảm những quyền lợi cơ bản của công dân. Ngược lại, nếu nguồn ngân sách được quản lý và sử dụng sai mục đích thì sẽ dẫn đến sự vi phạm các quyền, như: quyền có chỗ ở, quyền được chăm sóc, giáo dục, hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần.... Vì vậy, xét trên khía cạnh này, tham nhũng đã trực tiếp xâm hại nhân quyền và làm cho nhân quyền không được thực thi.

Đồng thời, thực tiễn cũng cho thấy tham nhũng thường gắn liền với các biểu hiện tiêu cực của xã hội, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Những biểu hiện tiêu cực đó thường là cửa quyền, hách dịch, bề trên, đưa, nhận hối lộ, chạy chức, chạy quyền, bè phái, kết cánh, nhóm lợi ích, đam mê quyền lực... Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ“...nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở..., tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty... Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.

Nói cách khác, tình trạng tham nhũng đã gây chia rẽ nội bộ, giảm sút sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, quần chúng nhân dân mất niềm tin vào tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Hệ quả là sẽ dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Song, thật đáng tiếc khi nhiều trường hợp công dân thực hiện đúng quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật thì lại bị cán bộ cấp cơ sở “phớt lờ”, không giải quyết, thậm chí là bao vây, cô lập hoặc trù dập. Điển hình như trường hợp Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận bị cách chức vì dám đấu tranh với tiêu cực của lãnh đạo Sở Công thương xảy ra vào năm 2015; hay vụ việc một nữ giáo viên trung học phổ thông bị chính hiệu trưởng trù dập vì dám tố cáo các hành vi tiêu cực xảy ra năm 2017 ở thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước... Như vậy, có thể thấy hệ quả của tham nhũng đã xâm hại tới nhân quyền, mà trước hết là quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.

Bên cạnh đó, đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng cũng có thể móc ngoặc, cấu kết với các loại tội phạm, bao che cho các hành vi tiêu cực nảy sinh, tồn tại... Thực tế, vì mục đích tham nhũng mà nhiều cán bộ, đảng viên đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, gây ra những hậu quả xấu đến an sinh xã hội, như: xử lý không nghiêm minh những đối tượng vi phạm pháp luật (buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hóa chất độc hại, hàng hóa không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, môi giới mại dâm, buôn bán ma túy, buôn người, tổ chức cá cược, đánh bạc...); thờ ơ, để mặc cho các trường hợp gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ tồn tại và phát triển; chậm chễ trong cung ứng dịch vụ công... Những hành vi nói trên, ít nhiều đã xâm hại tới quyền được hưởng an sinh xã hội và quyền được bảo vệ những lợi ích vật chất, tinh thần của công dân.

Ngoài ra, khi thực hiện hành vi tham nhũng, đối tượng tham nhũng cũng thường tìm cách móc ngoặc, tạo “bè phái”, “vây cánh” trong nội bộ nhằm bao che cho hành vi tham nhũng, tìm cách tác động chính sách, pháp luật theo hướng có lợi cho “phe nhóm” của mình. Hệ quả tất yếu là nhiều cán bộ, đảng viên liêm khiết sẽ phải chịu sức ép, cạnh tranh thiếu công bằng, thậm chí là bị “bao vây”, “cô lập”,“đánh bật”ra khỏi nội bộ. Một số vụ án tham nhũng thời gian qua đã cho thấy biểu hiện của tình trạng “phe phái”, “vây cánh” trong nội bộ, như vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC), vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines)... Ở khía cạnh này, hệ quả của tham nhũng đã xâm hại tới quyền được bình đẳng trước pháp luật của công dân.

Từ những phân tích nói trên có thể thấy, hậu quả của tham nhũng là rất nghiêm trọng, xảy ra ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, một mặt gây thất thoát về kinh tế, tác động trực tiếp tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của Đảng, Nhà nước ta; mặt khác xâm hại trực tiếp hoặc gián tiếp tới các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Vấn nạn tham nhũng, nếu không được phát hiện, đấu tranh, xử lý kịp thời thì có thể tiếp tục cản trở việc thực hiện và bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây ra tiêu cực, bức xúc trong đời sống xã hội. Đặc biệt, các vụ án tham nhũng cũng chính là cơ hội hết sức thuận lợi để các thế lực bên ngoài lợi dụng can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta thông qua các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, từng bước gây ra những bất ổn về chính trị - xã hội, âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” như đã từng thực hiện ở các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi.

Nguyễn Ngọc Long

[1] Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).

[2] Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong năm 2017, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với hơn 300 tổ chức cơ sở đảng, 18.600 đảng viên, trong đó có tới 700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái.