(LSVN) - Thực tiễn truy tố xét xử trong thời gian gần đây cho thấy tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính có chiều hướng gia tăng, với tính chất, mức độ của các hành vi ngày càng tinh vi, nguy hiểm, đặc biệt là tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi trái pháp luật. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử loạt tội này vẫn còn những hạn chế bất cập. Hành vi sử dụng giấy tờ giả đăng ký hộ tịch, công chứng trái luật phải xử lý hành chính hay hình sự? Ranh giới giữa oan sai hay bỏ lọt tội phạm rất mong manh.
Ảnh minh họa.
Liên quan đến vụ “hô biến” người Trung Quốc thành người Việt Nam tại Khánh Hòa đã được báo chí phản ánh, đó là vụ án hình sự “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức" do nhiều đối tượng (gồm người Trung Quốc và Việt Nam) đã có hành vi làm tài liệu giả, để bán cho các đối tượng sử dụng để đăng ký hộ tịch, cấp hộ khẩu, CMND, Hộ chiếu trái pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan điều tra, truy tố chỉ khởi tố, truy tố các đối tượng đồng phạm thực hiện hành vi làm giả giấy tờ, đề nghị xét xử về tội “Làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 và chuyển cơ quan thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với nhóm đối tượng sử dung tài liệu giả đăng ký cấp hộ khẩu, CMND, Hộ chiếu,...
Việc xử lý hình sự và hành chính như trên dẫn đến tại phiên tòa có bị cáo tự bào chữa cho rằng bị cáo không có hành vi làm giả chỉ có hành vi sử dụng giấy tờ giả không phải tội phạm, chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính như các đối tượng khác. Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đưa vụ án này xét xử nhiều lần nhưng đều trả hồ sơ cho VKS yêu cầu điều tra bổ sung, do còn nhiều chứng cứ buộc tội chưa được làm rõ.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra, truy tố xác định nhóm đối tượng đã sử dụng giấy tờ giả là vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nên đã đề nghị xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh; Chủ tịch UBND phường đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng với mức phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 35 triệu đồng;áp dụng hình phạt bổ sung trục xuất khỏi Việt Nam.
Cụ thể, tháng 01/2020, Chủ tịch UBND phường Phương Sài (TP. Nha Trang) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Phạm V. Tr. và Đỗ Thị Th. D. về hành vi “Sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục đăng ký kết hôn” theo Nghị định 110/2013/NĐ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hôn nhân gia đình. Tháng 4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Ou Yang Chumbo về hành vi “Giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu” quy định tại điểm a khoản 6 Điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, với hình thức phạt tiền 35 triệu đồng, áp dụng hình phạt bổ sung: Trục xuất khỏi Việt Nam đối với Ou Yang Chumbo; quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với You Hai Quan về hành vi “Giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu” quy định tại điểm a khoản 6 Điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP với hình thức phạt tiền 35 triệu đồng. Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành.
Hành chính hay hình sự?
Có ý kiến cho rằng việc xử lý hành chính đối với hành vi trên là đúng vì các Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, Nghị định 138/2013/NĐ-CP cho đến nay vẫn còn hiệu lực thi hành. Do đó, việc xử lý hành chính đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. tài liệu giả theo quy định tại các Nghị định này là phù hợp. Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm vụ án này đã xử lý theo quan điểm này.
Ý kiến khác cho rằng: Việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng văn bằng chứng chỉ giả để đăng ký hộ tịch, làm hộ chiếu,... trái pháp luật được xử lý theo Nghị định số167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc Nghị định 138/2013/NĐ-CP trong lĩnh vực giáo dục chỉ phù hợp đối với hành vi vi phạm được thực hiện trước ngày 01/01/2018 (ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực).
Theo đó, hành vi sử dụng sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật được thực hiện kể từ ngày 01/01/2018 trở đi đủ yếu tố cấu thành cơ bản của tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả” theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, bởi tại khoản 1 điều này quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm”.
Ngoài ra, tại Điều 29, Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 có quy định đối với những công chức làm trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính nếu thực hiện hành vi “Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính” sẽ bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.
Tiếp đó, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (có hiệu lực từ ngày 01/09/2020) quy định: Khi phát hiện hành vi làm giả tài liệu hoặc sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức trong hồ sơ đề nghị: cấp, cấp lại, gia hạn, thay đổi các loại giấy phép; chứng chỉ hành nghề; thẻ; đăng ký hoặc đăng ký lại hoạt động; đăng ký tập sự; bổ nhiệm; miễn nhiệm; xin phép thành lập và các loại giấy tờ, tài liệu khác trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định này không phân định vi phạm mức độ nào thì phạt hành chính mà chỉ quy định về thủ tục xử lý trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không truy cứu trách nhiệm hình sự, thì chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 62 của Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các khoản 2,3 và 4 Điều 81 Nghị định 82/NĐ-CP.
Như vậy, pháp luật về xử vi phạm hành chính và pháp luật hình sự đã có thay đổi. Các Nghị định số 167/2013/NĐ–CP; Nghị định 138/2013/NĐ-CP là mâu thuẫn với Bộ luật Hình sự năm 2015. Các nghị định này không còn phù hợp trong việc xử lý nhưng hành vi vi phạm đồng thời được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Để việc áp dụng pháp luật thống nhất, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi, bổ sung các Nghị định xử lý vi phạm hành chính có liên quan đến việc xử lý hành vi mua, sử dụng giấy tờ, tài liệu, con dấu giả của cơ quan tổ chức. Người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 khoản 2 và khoản 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định không khởi tố vụ án hình sự; quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự; quyết định đình chỉ điều tra bị can; quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can; quyết định đình chỉ vụ án; quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và trả lại hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạ đã chuyển hồ sơ đến, thì chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 62, Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
ĐẠI HƯNG
Không được từ chối tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 cho ngươi đã tiêm mũi 1 ở địa phương khác