Ảnh minh họa.
Vi phạm dân sự là gì?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, để biết vi phạm dân sự là gì, trước tiên cần hiểu vi phạm pháp luật là gì. Theo đó, vi phạm pháp luật được hiểu là hành vi trái pháp luật, có lỗi và do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, làm xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.
Vi phạm pháp luật gồm:
- Vi phạm hành chính;
- Vi phạm dân sự;
- Vi phạm hình sự;
- Vi phạm kỷ luật.
Trong đó, vi phạm dân sự diễn ra tương đối phổ biến trong đời sống hàng ngày. Đây là hành vi trái pháp luật và có lỗi do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm phạm quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân gắn với tài sản, quan hệ nhân thân phi tài sản.
Cụ thể, chủ thể vi phạm trong trường hợp này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của họ trong một quan hệ pháp luật dân sự.
Các hành vi vi phạm dân sự phổ biến
Như đã nói ở trên, vi phạm dân sự là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trong quan hệ dân sự. Các hành vi vi phạm dân sự gồm:
- Vi phạm nguyên tắc, điều cấm của Bộ luật Dân sự;
- Vi phạm nghĩa vụ dân sự;
- Vi phạm hợp đồng dân sự;
- Vi phạm pháp luật dân sự ngoài hợp đồng;
- Vi phạm khác đối với quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức….
Dưới đây là một số ví dụ cụ thể về vi phạm dân sự:
- A. cho B. vay một khoản tiền (có giấy tờ vay nợ), trong đó thỏa thuận rõ thời hạn trả nợ là 02 tháng. Tuy nhiên, khi đến hạn trả nợ, bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ và khất hết lần này đến lần khác.
- Công ty A. ký kết hợp đồng mua bán với công ty B. hàng hóa là 02 tấn bột mỳ. Theo thỏa thuận bên A. có trách nhiệm giao hàng cho bên B. vào ngày 24/8/2022. Tuy nhiên, đến ngày giao hàng mà A. đã mang thiếu số lượng hàng hóa theo thỏa thuận, điều này đã làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của bên B.
Trách nhiệm vi phạm dân sự thế nào?
Luật sư cho biết, trách nhiệm vi phạm dân sự (trách nhiệm dân sự) là trách nhiệm của một chủ thể phải gánh chịu các biện pháp cưỡng chế Nhà nước khi có hành vi xâm phạm đến sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm… của chủ thể khác hoặc khi vi phạm nghĩa vụ dân sự đối với bên có quyền. Trong đó, bồi thường thiệt hại là biện pháp cưỡng chế phổ biến nhất trong vi phạm dân sự.
Cụ thể, tại Điều 351, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ như sau:
Điều 351. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ 1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ. 2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. 3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền. |
Các trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ khi vi phạm dân sự gồm:
- Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ;
- Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật;
- Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền;…
TRẦN QUÝ