Chiều tối ngày 06/11, tại Nhà Quốc hội, ngay sau phiên họp buổi chiều của Kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Trình bày Tờ trình về dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều ý kiến kết luận về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; trong đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XIII đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến, tốc độ 350km/h và giao các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8 xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án.
Về bối cảnh của dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đã đánh giá bối cảnh trong nước, quốc tế và tình hình phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; đồng thời đã nêu rõ lý do tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam chưa được Quốc hội thông qua vào năm 2010 do còn có ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn lực đầu tư trong bối cảnh quy mô nền kinh tế tại thời điểm năm 2010 thấp.
Với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỉ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP; dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỉ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, mục tiêu của Dự án là xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc-Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại TP. Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP. Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541km.
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Đường sắt chạy trên ray, đoàn tàu khách sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán, tàu hàng sử dụng động lực tập trung; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao trên thế giới.
Đề xuất lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm tàu tốc độ thiết kế 350 km/h. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 10.827ha, số dân tái định cư khoảng 120.836 người.
Cơ quan trình đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công, việc phân chia dự án thành phần được thực hiện khi phê duyệt dự án đầu tư. Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 1.713.548 tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ USD).
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết về sự đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia và hồ sơ Dự án, Dự án phù hợp các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia và cơ bản đáp ứng yêu cầu về hồ sơ Dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.
Có ý kiến đề nghị bổ sung hồ sơ đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Về sự cần thiết của Dự án, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất sự cần thiết đầu tư Dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và lý do đã được nêu tại Tờ trình số 685/TTr-CP.
Về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, có ý kiến đề nghị bổ sung, thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến của Dự án theo đề xuất của Chính phủ, đồng thời làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc “thẳng nhất có thể”, nhất là đoạn đi qua tỉnh Nam Định, để bảo đảm hiệu quả cho Dự án.
Bên cạnh đó, các ga hành khách tại một số địa phương được bố trí cơ bản không nằm trong các vị trí trung tâm đô thị, trong khi đó để bảo đảm tối đa hiệu quả cho dự án, các vị trí ga phải được bố trí thuận lợi thu hút được nhiều hành khách nhất, do đó đề nghị làm rõ việc lựa chọn các vị trí ga của Dự án.
Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn phương án kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông khác; kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.
Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết đây là dự án có quy mô chưa từng có ở nước ta, chưa có tiền lệ thực hiện, đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến. Đây cũng là dự án tác động đến nhiều mặt kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, nợ công trong điều kiện Việt Nam chưa có công nghệ, chưa có nguồn nhân lực, chưa chủ động được về nguồn vốn. So với thực trạng ngân sách như hiện nay, vốn đầu tư dự án chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án, trong đó lưu ý tiếp tục rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; bổ sung thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến của dự án theo đề xuất của Chính phủ; đánh giá thêm về diện tích trồng lúa, diện tích rừng phải chuyển đổi, các giải pháp để đảm bảo các chỉ tiêu về đất trồng lúa, tỉ lệ che phủ rừng mà cấp có thẩm quyền đã quyết định; đánh giá tác động của dự án đến môi trường; nghiên cứu thêm về việc bố trí số lượng các ga.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ yếu tố tác động đến tiến độ thực hiện dự án để có giải pháp phấn đấu đến năm 2035 cơ bản hoàn thành toàn tuyến; lưu ý việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư, việc lựa chọn nhà đầu tư, việc đáp ứng công nghệ, nhân lực, vật liệu, nhu cầu điện trong quá trình xây dựng và triển khai, khai thác dự án.
Về nguồn vốn thực hiện dự án, tổng vốn đầu tư cho dự án đặc biệt lớn, kể cả về chi phí xây dựng và chi phí vận hành, khai thác. Do đó, để đảm bảo khả thi, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn, đặt trong điều kiện đất nước đang triển khai nhiều dự án hạ tầng cấp thiết, cấp bách trong lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng để có giải pháp kiểm soát rủi ro, đặc biệt là tránh rủi ro do không hoàn thành, đưa vào sử dụng do thiếu vốn, rủi ro mất cân đối ngân sách trong trung hạn khi các khoản nợ đến hạn trả và trả lại lớn, rủi ro phụ thuộc quá lớn vào nợ vay nước ngoài, ảnh hưởng đến sự chủ động về tài chính, ngân sách của quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần có những chính sách vượt trội, đặc biệt để thực hiện dự án, tuy nhiên, để đảm bảo khả thi và tăng tính thuyết phục, đề nghị Chính phủ rà soát lại 19 chính sách thuyết minh cụ thể hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, chỉ đưa vào nghị quyết những chính sách thực sự cần thiết, tác động tiêu cực ít, đảm bảo được cơ chế phân công phối hợp kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, đơn vị, cơ chế kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Lưu ý đến các chính sách, cơ quan thẩm tra đề nghị không nên quy định chỉnh sửa hoặc đánh giá kỹ tác động khi quy định.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, hoàn thiện về các tiêu chuẩn, định mức liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi triển khai thực hiện. Tính toán thuyết minh thêm về công nghệ và chuyển giao công nghệ, đảm bảo làm chủ công nghệ đường sắt, làm chủ về nguyên vật liệu.
Các điều kiện đảm bảo trong quá trình xây dựng và quá trình đưa dự án vào khai thác, sử dụng cũng như ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp đường sắt.
Làm rõ cơ sở tính toán, dự báo về nhu cầu vận tải của dự án; rà soát, thuyết minh thêm về hiệu quả kinh tế-xã hội, hiệu quả tài chính của dự án.
Nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án và dự thảo nghị quyết về sự phù hợp ở các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam gửi Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét.