Ảnh minh họa.
Ngày 21/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Theo đó, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2023, công tác PCTN tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023.
Những con số cụ thể minh chứng cho các kết quả trên có thể kể đến như trong kỳ báo cáo, có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng...
Các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó, khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can. Đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can. Về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 743 vụ/1.987 bị can (trong đó, án mới 699 vụ/1.920). TAND các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 747 vụ/1.800 bị cáo; đã giải quyết 699 vụ/1.800 bị cáo, trong đó, xét xử 562 vụ/1.207 bị cáo về các tội tham nhũng.
Về công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, tổng số phải thi hành có 4.879 việc, với số tiền hơn 97.261 tỉ đồng; đã thi hành xong 2.264 việc đã thi hành xong hơn 20.405 tỉ đồng.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2023; đồng thời cho rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.
Cơ bản nhất trí với những đánh giá về tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN và nguyên nhân được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp (như các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, AIC, vụ chuyến bay giải cứu...), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, quản lý KT-XH để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự trong thời gian tới.
Thảo luận tại phiên họp, các Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình các báo cáo của các cơ quan và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Tháp) bày tỏ lo lắng về tình trạng một số loại tội phạm giảm không nhiều, thậm chí tăng, như số vụ giết người tăng hơn 12%, cướp tài sản tăng hơn 44%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng hơn 61%, cho vay lãi nặng tăng hơn 67%... Đại biểu đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng đánh giá thật kỹ, khách quan, cầu thị về thực trạng, tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu những tồn tại, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm trên tất cả các lĩnh vực.
Trước diễn biến tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng, phức tạp, Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) cho rằng, cần tập trung thực hiện thật tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phạm tội. Để làm tốt công tác này, Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền các cấp vào cuộc cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý tội phạm.
Theo Đại biểu, trong phòng ngừa tội phạm, cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới, tội phạm sử dụng lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet để họ tự bảo vệ mình và tích cực đấu tranh, tố giác hành vi tội phạm. Cùng với đó, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật phục vụ công tác phòng, chống và xử lý tội phạm theo hướng khoa học, sát với yêu cầu thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn để lực lượng chuyên trách thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung tấn công, xử lý tội phạm đạt hiệu quả cao; khắc phục cho được tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm.
Tập trung góp ý về công tác PCTN, Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) kiến nghị, trong quá trình xử lý những người vi phạm, cần có sự phân loại đối tượng như đối tượng chủ mưu, đối tượng cầm đầu cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh; còn đối với những người vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên cần phải được xem xét có chính sách khoan hồng.
TRẦN QUÝ (t/h)
Hôm nay Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)