Thực trạng giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức có mục đích lợi nhuận

14/07/2022 14:54 | 2 năm trước

(LSVN) - Gần 20 năm nhìn lại kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ đầu tiên của nước ta được thông qua (năm 2005), các quan hệ kinh tế, thương mại có xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ ngày một phát sinh đa dạng và phức tạp hơn so với những gì mà chúng ta có thể mường tượng ra cách đây 20 năm. Cũng chính vì vậy, việc đảm bảo một cơ chế rõ ràng, minh bạch trong giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Ảnh minh họa. 

Trong một nền kinh tế phát triển và hướng đến toàn cầu hóa, quyền sở hữu trí tuệ cũng chính là thứ tài sản có giá trị vô cùng to lớn quyết định đến sự phát triển nội tại của bản thân doanh nghiệp cũng như mỗi một cá nhân đóng góp nên thứ tài sản vô hình đó. Trước khi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra thiệt hại thực tế và nghiêm trọng, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể chủ động bảo vệ quyền của mình bằng các biện pháp: Áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm; Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm; và Khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Tổ chức cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc cạnh tranh không lành mạnh có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp đụng các biện pháp xử lý hành chính, hình sự hoặc dân sự tùy thuộc vào từng trường hợp. Trong bài viết này, tác giả nhìn nhận tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ dưới góc độ của một tranh chấp kinh doanh thương mại.

Thực trạng tình hình giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ

Các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng diễn ra rất phổ biến, Riêng trong năm 2020, các lực lượng chức năng đã xử phạt hơn 1460 vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó, khoảng 1.300 vụ được xử lý thông qua các biện pháp hành chính, tổng số tiền xử phạt trên 25 tỷ đồng [1]. Báo cáo từ Chương trình hợp tác phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Chương trình 168), khoảng 158 vụ việc được khởi tố, điều tra xét xử với hơn 260 bị can.

Trên thực tế, việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ hiện nay, chủ yếu lại thông qua biện pháp thương lượng. Theo một kết quả nghiên cứu của Hội Luật gia Hà Nội năm 2015, số lượng doanh nghiệp lựa chọn hình thức thương lượng để giải quyết tranh chấp chiếm tới 57,83%. Hình thức giải quyết tranh chấp này, tuy đáp ứng được nhu cầu tức thời của các chủ thể tranh chấp, song chưa được điều chỉnh bởi bất kỳ một khung pháp lý nào, từ đó gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận, quản lý và xử lý những vi phạm về sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, hòa giải thương mại và trọng tài thương mại tuy đem lại cho các chủ thể tranh chấp nhiều lợi thế về mặt thời gian, hiệu quả và chi phí giải quyết, song số lượng các tổ chức, cá nhân tiếp cận với các hình thức này còn hạn chế. Các vụ án về sở hữu trí tuệ được giải quyết thông qua hòa giải thương mại và trọng tài thương mại ở Việt Nam chưa có nhiều. Bức tranh về trọng tài thương mại tại Việt Nam vẫn chưa thật sự khởi sắc khi phương thức này chỉ giải quyết khoảng 11% tổng số tranh chấp thương mại. Số vụ tranh chấp mà VIAC thụ lý trong năm 2011 là 83, vẫn rất khiêm tốn nếu so với 188 vụ mà Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) giải quyết… [2]. 

Tương tự, các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xử lý tại Tòa án cũng chiếm số lượng không đáng kể. Những con số ấy đã phần nào phản ánh được thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan tới kinh doanh, thương mại nói chung và sở hữu trí tuệ nói riêng ở Việt Nam.

Có thể nhận thấy, xuất phát từ bản chất của các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao công nghệ, việc các chủ thể chọn ra phương thức phù hợp để giải quyết tranh chấp cũng chịu không ít ảnh hưởng dựa trên những ưu, nhược điểm của mỗi phương thức. Cụ thể: 

Thương lượng giữa các bên

Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không có sự trợ giúp của bên thứ ba. Với ưu điểm là thuận tiện, đơn giản, linh hoạt, hiệu quả và ít tốn kém, thương lượng là hình thức được đa số các chủ thể lựa chọn để giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, đây là hình thức đề cao tính tự nguyện của các bên tranh chấp và không mang tính cưỡng chế. Cuộc thương lượng có thành công hay không phụ thuộc vào thiện chí, thái độ của các bên tham gia. Bên cạnh đó, kết quả của cuộc thương lượng cũng phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên có nghĩa vụ thi hành chứ không có tính bắt buộc phải thực hiện. Vì vậy, trên thực tế, dễ xảy ra trường hợp các bên không thể thỏa thuận, thương lượng được với nhau và lại phải tìm đến các hình thức giải quyết có sự tham gia của một bên khác.

Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải

Tranh chấp chỉ được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Tương tự như thương lượng, hòa giải là hình thức giải quyết tranh chấp mang tính linh hoạt với thủ tục đơn giản và giúp cho các bên tiết kiệm được thời gian, chi phí. Việc giải quyết tranh chấp dựa trên nghiên cứu và kết quả của một bên thứ ba là hòa giải viên thương mại có đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy định của pháp luật cũng giúp đảm bảo được tính khách quan và tính khả thi của kết quả hòa giải. Trong thực tế hiện nay, số lượng doanh nghiệp lựa chọn hình thức hòa giải cũng như số lượng trung tâm hòa giải ra đời có xu hướng gia tăng.

Đặc biệt, kể từ khi Nghị định 22/2017/NĐ-CP ra đời, những hạn chế của hình thức hòa giải thương mại về cơ bản được khắc phục. Trước đây, kết quả hòa giải thành của hòa giải viên thương mại không có tính bắt buộc thi hành, nó chỉ là cơ sở cho các bên tranh chấp căn cứ vào để thực hiện phương án hòa giải. Tuy nhiên, văn bản về kết quả hòa giải thành, hiện nay, theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP, được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Cụ thể, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã quy định riêng một chương về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Theo đó, kết quả hòa giải của hòa giải viên sẽ được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải, tức có tính bắt buộc thi hành.

Vì thế, khi lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp này, các bên sẽ được đảm bảo về tính khả thi của phương án giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, hình thức hòa giải thương mại còn giúp các bên tranh chấp giữ được bí mật thông tin, bởi hòa giải viên có nghĩa vụ “Bảo vệ bí mật thông tin về vụ tranh chấp mà mình tham gia hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật” (điểm c Khoản 2 Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP).

Giải quyết tại Trọng tài

Tương tự như hòa giải, tranh chấp giữa các bên chỉ được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Giải quyết tranh chấp thương mại nói chung và tranh chấp về sở hữu trí tuệ nói riêng bằng hình thức trọng tài thương mại đang trở thành một xu hướng. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 22 trung tâm trọng tài, chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2016 đến nay, các trung tâm trọng tài thương mại trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 11.150 vụ việc [3]. Sở dĩ nhiều cá nhân, tổ chức lựa chọn hình thức này là bởi thủ tục tố tụng của trọng tài đơn giản và linh hoạt hơn nhiều so với thủ tục tố tụng tại Tòa án. Đặc biệt, phán quyết của trọng tài thường có độ chính xác, khách quan cao và mang tính “chung thẩm”. Điều này có nghĩa: Tranh chấp của các chủ thể khi đã được giải quyết thì sẽ không được xem xét lại bởi bất kỳ cơ quan xét xử nào khác (trừ các trường hợp hủy phán quyết trọng tài theo quy định pháp luật). Vì thế, nó sẽ nâng cao được hiệu quả giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, cũng chính vì tính chung thẩm của phán quyết trọng tài mà trên thực tế, có nhiều trường hợp thời gian giải quyết tranh chấp bị kéo dài, gây tốn kém chi phí và thời gian cho các bên tranh chấp. Muốn hủy phán quyết trọng tài, một trong các bên tranh chấp phải gửi đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài lên Tòa án. Thủ tục xem xét căn cứ hủy phán quyết trọng tài của Tòa phải diễn ra theo trình tự, thủ tục và thời hạn do Luật quy định để đảm bảo tính khách quan, công bằng. Nhìn chung, việc thi hành phán quyết của trọng tài không phải lúc nào cũng thuận lợi, trong khi thủ tục hủy phán quyết trọng tài có phần phức tạp. Đây chính là hạn chế của hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.

Giải quyết tại Tòa án

Với vai trò là cơ quan nhà nước có trách nhiệm xử lý các vụ việc liên quan tới xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân, tổ chức, việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án không chỉ giúp các chủ thể đưa ra phương án giải quyết có tính cưỡng chế cao mà còn góp phần giúp cho các chủ thể kinh doanh nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật. Tuy nhiên, thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án hiện nay lại gây ra nhiều khó khăn cho các chủ thể.

Thứ nhất, nguyên tắc xét xử công khai của Tòa khiến cho các chủ thể nảy sinh tâm lý e ngại, bởi họ không được đảm bảo về bí mật thông tin.

Thứ hai, thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài, chi phí lớn gây tốn kém cho các chủ thể. Theo quy định pháp luật tố tụng dân sự, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với vụ án kinh doanh – thương mại là 2 tháng kể từ ngày Tòa thụ lý vụ án. Đối với sự phức tạp của các vụ án liên quan tới sở hữu trí tuệ, thời gian giải quyết có thể còn kéo dài hơn. Chi phí cho việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án cao hơn nhiều so với giải quyết tại trọng tài thương mại.

Thứ ba, liên quan tới vấn đề xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra, trên thực tế, rất khó để xác định chính xác mức độ thiệt hại, bởi các thiệt hại về tinh thần như tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng. Vì vậy, khi giải quyết những vấn đề này, Tòa án đã gặp phải không ít khó khăn.

Một số giải pháp

Cần khuyến khích các chủ thể thương lượng với nhau khi xảy ra tranh chấp nhằm phát huy tính linh hoạt, chủ động của các bên khi tranh chấp chưa gây ra các thiệt hại nghiêm trọng

Khi tranh chấp không thể giải quyết bằng con đường thương lượng, việc giải quyết thông qua hòa giải hoặc trọng tài là biện pháp tối ưu nhằm đơn giản hóa các tranh chấp cũng như đảm bảo danh tiếng, các bí mật kinh doanh các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bị xâm phạm. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải  nâng cao tiêu chuẩn về năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của hòa giải viên và trọng tài viên. Có như vậy, các bên mới sẵn sàng đặt niềm tin vào các phương thức giải quyết thông qua hòa giải hoặc trọng tài.

Trường hợp Tòa án là nơi được tin tưởng để xử lý các tranh chấp phát sinh, việc hoàn thiện các quy định pháp luật để xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra cũng như các quy định về giám định sở hữu trí tuệ là hết sức cần thiết. Đồng thời, việc hướng đến thành lập một tòa chuyên trách về xử lý các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ là điều nên cân nhắc.

Việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại nói chung và quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ nói riêng, suy cho cùng, đều nhằm mục đích giúp cho các chủ thể tranh chấp tìm ra được một hướng đi hiệu quả để tháo gỡ khúc mắc và đảm bảo được lợi ích chính đáng của họ. Vì thế, cho dù lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp nào, thành quả cuối cùng mà các chủ thể mong muốn nhận được vẫn là những phương án, phán quyết, quyết định công tâm và thỏa đáng. Trong tương lai, cần không ngừng hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ để góp phần bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

==================

[1] Tổng cục Quản lý thị trường. Báo động đỏ về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. (2021).

[2] Tạp chí Tài chính số 4 – 2014. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại và thực tiễn tại Việt Nam. PGS. TS Trần Thị Lan Hương – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

[3] Diễn đàn đầu tư – kinh doanh. ‘Bùng nổ’ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. (2021).

 Luật sư TỪ THANH PHƯƠNG-LÊ HÀ ANH

Công ty Luật TNHH Landing Law Việt Nam

Pháp luật về tuyển dụng, sử dụng người lao động chưa thành niên theo BLLĐ 2019